04:10, 05/10/2011

Viết văn để thời gian không trôi đi lãng phí

Gặp nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền (công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ) tại trại sáng văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Chi hội Nhà văn Công an (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức ở phố biển Nha Trang, chúng tôi thấy chị như có một niềm vui riêng.

 Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền.
Gặp nhà văn (NV) Đào Thị Thanh Tuyền (công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ) tại trại sáng văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Chi hội Nhà văn Công an (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức ở phố biển Nha Trang, chúng tôi thấy chị như có một niềm vui riêng. Và chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả của những tác phẩm: “Đêm cuối năm”, “Những con dốc đến trường”, “Mảnh vở cuộc sống”, “Chuyến xe chở cả mùa xuân”, “Nơi không có đêm”… để biết thêm về người phụ nữ vừa làm công tác khoa học kỹ thuật vừa chứa đựng tâm hồn văn chương.

- P.V: Tham dự trại sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, chị đặt ra mục tiêu gì cho bản thân?

- NV Đào Thị Thanh Tuyền: Trại sáng tác lần này, tôi rất tâm đắc với ý kiến của Trung tướng, NV Hữu Ước, đó là: viết về đề tài vì bình yên cuộc sống không yêu cầu phải là những cái gì đao to búa lớn mà bình yên cuộc sống ở đây là sự bình yên trong lòng mỗi người, trong mỗi gia đình và trong các mối quan hệ xã hội. Đây là đề tài tương đối rộng nên các trại viên thuận lợi hơn trong việc có những sáng tác mới và tôi hy vọng mình sẽ có sự đóng góp vào sự thành công của trại viết.

- P.V: Là một người công tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhưng chị lại có niềm đam mê văn học nghệ thuật. Theo chị, giữa hai lĩnh vực đó có gì mâu thuẫn với nhau?

- NV Đào Thị Thanh Tuyền: Tôi bắt đầu viết từ năm 1997, bài viết đầu tiên tôi gửi cho Báo Khánh Hòa và được đăng liền, từ đó tạo cho tôi một động lực, sự ham viết. Sau một quá trình cầm bút, tôi thấy nhiều người học toán giỏi cũng có khả năng viết văn tốt. Tìm hiểu ở những NV cùng trang lứa, tôi biết có nhiều người từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Ngành học của tôi về kỹ thuật, tới năm 40 tuổi tôi vẫn không nghĩ rằng mình sẽ viết văn nên khi bắt tay vào công việc này gần như tôi phải học từ đầu. Viết văn không chỉ giúp tôi thỏa mãn được niềm đam mê mà còn giải tỏa nhiều điều và tạo nên được sự hứng thú trong cuộc sống. Chính vì thế, đối với tôi, công việc mang tính kỹ thuật với viết văn không có sự mâu thuẫn nào. Bởi công việc là hoạt động thường ngày, còn viết văn đó là những khoảng thời gian riêng tư của tôi.

- P.V: Có lúc nào tư duy khoa học kỹ thuật lấn át cảm xúc văn chương trong những sáng tác của chị?

- NV Đào Thị Thanh Tuyền: Đến lúc này, tôi vẫn chưa bị chi phối bởi điều đó trong những tác phẩm của tôi. Nhìn chung, lúc tôi đi làm, đó là công việc đã được đào tạo nên phải làm; còn văn chương, với tôi, như một dạng làm thêm để từ đó có thể bày tỏ với mọi người những suy nghĩ về cuộc sống của cá nhân.

- P.V: Với trọng trách của một người vợ, người mẹ, một nhà khoa học và một NV, chị đã có sự sắp xếp thời gian như thế nào để có thể đảm nhiệm được hết những công việc đó?

- NV Đào Thị Thanh Tuyền: Tôi có lợi thế là viết rất nhanh. Trước khi viết, tôi có những suy nghĩ, sắp xếp về nội dung, kết cấu cốt truyện, thậm chí ngay trong lúc thực hiện những công việc nhà. Ví dụ, những lúc đi chợ, tập thể dục… tôi đều suy nghĩ về những điều cần viết. Và từ sự định hình như thế đến lúc chín muồi tôi mới bắt tay vào viết. Tất nhiên, với người phụ nữ theo đuổi nghiệp văn chương cũng có những khó khăn riêng so với nam giới, nhưng nếu biết sắp xếp khéo léo thì mọi việc trở nên bình thường, và điều quan trọng hơn là tôi đã không để thời gian trôi đi một cách lãng phí.

- P.V: Chị là người “tay ngang” đến với lĩnh vực văn chương. Vậy, trong quá trình sáng tác, chị gặp khó khăn gì không?

- NV Đào Thị Thanh Tuyền: Không được trang bị những kiến thức cơ bản về sáng tác nên tôi phải vừa viết vừa học. Và việc học để có thể cho ra đời một tác phẩm cũng đa dạng: học từng câu nói trong cuộc sống, học từ những người đã biên tập tác phẩm của mình, học ngay cả trong mối quan hệ với gia đình…. Nói chung, phải học hỏi và thường xuyên học hỏi chính là điều tôi cần làm để có thể ngày càng hoàn thiện tác phẩm của mình hơn.

- P.V: Chị có chia sẻ gì với các NV nữ trẻ bây giờ?

- NV Đào Thị Thanh Tuyền: Lâu nay tôi vẫn suy nghĩ, viết văn là một cái gì đó mang tính thiên định. Tuy nhiên, khi đã đi theo con đường văn chương thì phải có niềm đam mê, sự kiên trì bền bỉ theo thời gian mới có thể gặt hái cho mình những thành công nhất định. Đó cũng là điều tôi muốn gửi gắm đến các cây bút nữ trẻ.

- P.V: Mạch cảm xúc chính mà chị muốn gửi tới công chúng qua những tác phẩm của mình là gì?

- NV Đào Thị Thanh Tuyền: Khi sáng tác, tôi chỉ muốn dàn trải cảm xúc chia sẻ với mọi người chứ không có ý định gò ép độc giả đi theo một con đường nào cả. Tôi thích viết về tình yêu, sự nghiệp, suy nghĩ của con người trong cuộc đời. Như thời điểm hiện tại, tôi đang có cảm hứng với đề tài về những người phụ nữ có tri thức, năng động, mạnh mẽ đang ở độ tuổi từ 35 đến 40 tuổi.

- P.V: Chị có dự định gì trong thời gian tới?

- NV Đào Thị Thanh Tuyền: Hiện tại, tôi vừa gửi một tập bản thảo cho Nhà xuất bản Thanh Niên, hy vọng tác phẩm này sẽ ra mắt công chúng trong năm nay. Tôi không có những dự định lớn lao, chỉ biết rằng tôi sẽ tiếp túc viết về những điều ý nghĩa trong cuộc sống.

GIANG ĐÌNH (Thực hiện)