05:10, 02/10/2011

Đầu xuôi, đuôi… chờ xem thế nào!

Hội nghị Chủ tịch các câu lạc bộ (diễn ra vào ngày 29-9 tại Hà Nội) đã kết thúc với “cửa trên” thuộc về các ông chủ doanh nghiệp làm bóng đá.

Hội nghị Chủ tịch các câu lạc bộ - CLB (diễn ra vào ngày 29-9 tại Hà Nội) đã kết thúc với “cửa trên” thuộc về các ông chủ doanh nghiệp (DN) làm bóng đá. Sự cải tổ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận, bắt tay giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - BĐVN - (VFF) và các DN làm bóng đá.

Như vậy, mùa giải 2012, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (trước nay được gọi là V-League) sẽ trình diện một bộ mặt hoàn toàn mới dưới sự tổ chức, điều hành của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Được thành lập bởi sự chung tay góp vốn của 14 CLB tại V-League (mỗi CLB góp 1 tỷ đồng, chiếm 64,4% vốn điều lệ Công ty) và VFF (góp gần 7,9 tỷ đồng, chiếm 35,6% vốn), VPF là DN chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp V-League và tự chủ về tài chính. Theo những phát thảo đầu tiên, đại diện của VFF và các CLB sẽ đứng ra cơ cấu tổ chức hoạt động của DN này theo cấu trúc phân tầng của một tổng công ty gồm: Ban Kiểm soát, Hội đồng Quản trị, các phòng ban chuyên môn. Tuy chưa biết cấu trúc ấy như thế nào, và cách thức hoạt động ra sao, hiệu quả đến đâu..., song xem ra những người kiên quyết đòi hỏi có một sự cải tổ cho nền BĐVN rất tin tưởng vào khả năng hoạt động hiệu quả của Công ty này đối với sự phát triển của bóng đá nước nhà. Bởi đã có không ít ý kiến cho rằng, việc thành lập VPF được coi là bước ngoặt mang tính lịch sử cho BĐVN trong việc sửa lỗi hệ thống được cho là trì trệ, lỗi thời sau 10 năm “mày mò” lên chuyên của VFF. Chắc chắn trong thời gian tới, 14 ông bầu của V-League sẽ tất bật trong việc sớm hợp pháp VPF để thực hiện ngay ở mùa bóng 2012; còn trong dư luận cũng sẽ có không ít những bàn tán mang tính so sánh, đối chiếu xung quanh sự trong sạch của BĐVN sau 10 năm lên chuyên nghiệp (của VFF) và tương lai BĐVN (dưới sự điều hành của VPF). Trước thềm hội nghị Chủ tịch các CLB, ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch CLB Khatoco Khánh Hòa, một trong số 6 người đại diện cho những DN làm bóng đá đã đứng ra ký tên trong bản đề nghị thành lập VPF cho rằng: Đó là cách thức để sửa lỗi thượng tầng của hệ thống mà từ trước đến nay vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa người tham gia cuộc chơi và người tổ chức cuộc chơi. Sự ra đời VPF và cách thức hoạt động của tổ chức này sẽ đưa ra được những giải pháp hợp lý nhất trong điều kiện phát triển của BĐVN.

 Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang chờ đợi mùa bóng đá “sạch” 2012.

Cũng theo ông Lê Tiến Anh, thực trạng BĐVN đã quá rõ, tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận nó một cách khách quan để cùng đưa ra những giải pháp phù hợp. Cụ thể như: giải pháp về tính công khai, minh bạch đối với công tác trọng tài. Theo ông Tiến Anh, điều quan trọng nhất là cần có sự công khai, minh bạch; cần áp dụng các quy định của FIFA một cách linh hoạt cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Công khai chấm điểm giám sát cho các trọng tài ở mỗi vòng đấu để người hâm mộ giám sát và theo dõi; hàng tháng bình bầu còi xuất sắc, cờ xuất sắc; các tình huống trọng tài có quyết định xuất sắc cần biểu dương (trường hợp trọng tài sai, bị phản ứng cũng nên công khai hình thức kỷ luật); cần có khung điểm cho trọng tài để có mức tiền thù lao khác nhau nhằm tránh việc “đi đêm” của các trọng tài trong mỗi trận đấu... Trong khi đó, về giá chuyển nhượng, tiền thưởng của cầu thủ cũng là điều cần phải làm một cách triệt để. Nếu để tình trạng chuyển nhượng, tiền thưởng cầu thủ “trên trời” như hiện nay thì một lúc nào đó, cuộc chơi V-League chỉ còn tập trung khoảng 3 - 4 CLB giàu mạnh về tài chính, còn các CLB khác chỉ đứng nhìn cuộc đua tiền. Và rồi, BĐVN sẽ đi về đâu khi không có sự đồng hành của hơn 80 triệu dân...

Có thể thấy, sự ra đời của VPF được coi là cải tổ thành công bước đầu cho BĐVN và chỉ chờ ngày thể hiện. Mùa giải 2012 đang ở rất gần. Người hâm mộ bóng đá nước nhà chắc hẳn cũng đang rất mong chờ những trận đấu đầu tiên của giải bóng đá “sạch” khởi tranh. Đầu đã xuôi, nhưng đuôi thì phải… chờ xem thế nào!

AN NHIÊN