07:09, 28/09/2011

VTV sẽ ngừng phát trực tiếp ngoại hạng Anh?

Có khả năng các đài truyền hình tại Việt Nam, trong đó có VTV, sẽ không truyền hình trực tiếp bóng đá Anh mà chỉ phát chậm lại sau khi đã biên tập những hình ảnh quảng cáo cá cược...

Có khả năng các đài truyền hình tại Việt Nam, trong đó có VTV, sẽ không truyền hình trực tiếp bóng đá Anh mà chỉ phát chậm lại sau khi đã biên tập những hình ảnh quảng cáo cá cược. Đó là một nội dung trong công văn của VTV (Đài truyền hình Việt Nam) gửi cơ quan chức năng ngày 26-9-2011.

Thời gian gần đây, khi xem truyền hình trực tiếp các trận đấu của Giải bóng đá ngoại hạng Anh, người ta thường thấy xuất hiện những bảng quảng cáo trên sân cỏ mang nội dung mời tham gia cá cược bóng đá bằng tiếng Việt. Việc này xuất phát từ một công ty tổ chức cá cược nước ngoài đã mua bảng quảng cáo trên các sân cỏ nước Anh và chạy các dòng chữ mời gọi tham gia cá cược bằng bốn thứ tiếng: Anh, Việt, Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, khi những hình ảnh này được phát sóng tại Việt Nam đã bị liệt vào dạng vi phạm pháp luật Việt Nam.

 
Do đó, ngày 14-9, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có văn bản yêu cầu VTV kiểm tra nội dung phát sóng Giải ngoại hạng Anh có nội dung quảng cáo cá độ, mời gọi người dân tham gia cá cược. Công văn ghi rõ: “đó là trách nhiệm của các đài truyền hình của Việt Nam phát sóng các trận đấu thể hiện dòng quảng cáo đó. Khi biết mình đang phát sóng một chương trình trong đó có nội dung khuyến khích người dân đi ngược lại với luật pháp Việt Nam thì các đài truyền hình của Việt Nam cần xem xét việc dừng phát sóng hoặc can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật để nội dung thông tin sai lệch đó không thể hiện trên máy thu hình nữa. Nếu không, hành vi tuyên truyền những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam này sẽ bị xử lý theo quy định của luật pháp”.

Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc VTV, cho biết: “VTV đã tiến hành ngay một số giải pháp sau: chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát bản quyền mua Giải bóng đá ngoại hạng Anh với những điều khoản để có thể xử lý vụ việc, liên hệ với bên bán bản quyền đề nghị nhà sản xuất tín hiệu can thiệp với ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh không chạy dòng chữ quảng cáo cá độ hoặc bố trí máy quay không cận cảnh quảng cáo cá độ (mà điều này trên thực tế là rất khó, thậm chí không thể). Tuy nhiên nếu không thể xử lý được, VTV sẽ xem xét phương án bố trí phát chậm các trận đấu này để có thời gian cắt bỏ những đoạn hình ảnh được hiểu là mời người Việt chơi cá độ bóng đá. Tuy nhiên cách làm này phức tạp, tốn kém, cần có thời gian và sẽ có phản ứng của người hâm mộ bóng đá.

Nhưng tất cả đều chỉ là giải pháp tình thế. VTV đã và sẽ tuân thủ triệt để tất cả quy định của pháp luật về mọi yếu tố trong nội dung chương trình của mình, nhưng mặt khác đã đến lúc pháp luật cũng phải tiên liệu được những thực tế phát sinh trong cuộc sống hiện đại”.

Còn ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc VSTV, cho biết: “Trong hợp đồng mua bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh, VSTV ký với MP& Silva. MP& Silva lại là đơn vị cung cấp của Giải ngoại hạng Anh. Trong khi đó, công ty tổ chức cá cược có các dòng chữ Việt quảng cáo, mời gọi cá độ là nhà tài trợ của một số Câu lạc bộ tại Giải ngoại hạng Anh như Bolton, Wigan, Aston Villa, Chelsea... Họ không nằm trong đường đi trực tiếp của đơn vị cung cấp bản quyền Giải ngoại hạng Anh nên tác động rất khó. Tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi dừng lại. Trên nguyên tắc có chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, còn khi nào có kết quả thì chưa dám khẳng định. Rất khó để can thiệp kỹ thuật vào các hình ảnh xuất hiện bởi các tín hiệu quảng cáo cá cược xuất hiện ngẫu nhiên, không cố định. Nếu chúng tôi chạy một dòng chữ ở dưới màn hình khuyến cáo người dân không được cá độ vì vi phạm pháp luật thì tôi nghĩ lại càng khiến người xem chú ý hơn”.

Liên quan đến sự cố này, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lưu Vũ Hải cho biết tất cả chương trình thể thao mua lại của nước ngoài khi phát lên sóng truyền hình ở Việt Nam đều phải được biên tập lại đúng với pháp luật Việt Nam. Các hợp đồng mua lại bản quyền nước ngoài trước hết phải tuân thủ quy định đó. Nếu chỉ nêu lý do để bảo vệ bản quyền của đối tác mà không biên tập lại thì vẫn bị coi là vi phạm. Nếu vi phạm luật pháp Việt Nam thì cần phải thương thảo lại các điều khoản trong hợp đồng.

Theo Vnmedia