01:09, 05/09/2011

Thông điệp về chí hướng của thanh niên

“Nhìn ra biển cả” là bộ phim về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm giảng dạy ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận).

“Nhìn ra biển cả” là bộ phim về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm giảng dạy ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận). Đây chính là khoảng thời gian anh thanh niên Nguyễn Tất Thành tôi luyện, nung nấu ý chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Trên cơ sở xây dựng về hình tượng Bác Hồ lúc còn trẻ, bộ phim đã góp phần chuyển tải thông điệp về chí hướng tu thân, lập nghiệp đối với thanh niên Việt Nam.

Trong dịp “Tết độc lập” lần thứ 66 của dân tộc, khán giả màn ảnh nhỏ có dịp theo dõi nhiều thước phim quý gắn liền với lịch sử đất nước trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Hòa chung không khí đó, bộ phim truyện nhựa Nhìn ra biển cả (đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú - NSƯT - Vũ Châu, biên kịch: nhà văn Nguyễn Thị Hồng Ngát) được chiếu vào lúc 20 giờ ngày 2-9 trên sóng VTV1 là một điểm nhấn thể hiện lòng tự hào dân tộc, cũng như tình cảm đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Bộ phim kể về quãng thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành giảng dạy tại Trường Dục Thanh trong những năm 1908 - 1910. Trước đó, khi còn là học sinh Trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đã làm thông ngôn giúp bà con nông dân, tiểu thương đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng nên bị đuổi học. Từ bước ngoặt này, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã có dịp từ Huế đi dọc dải đất Nam Trung bộ, tận mắt chứng kiến cuộc sống lầm than, đau khổ của người dân dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Được sự gửi gắm của cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (khi ấy làm Tri phủ huyện Bình Khê, Bình Định) với người bạn thân thiết của mình là ông Hồ Tá Bang - Tổng lý Công ty Nước mắm Liên Thành, một trong 6 nhà sáng lập ra Trường Dục Thanh, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành được vào trường dạy học. Ở đây, Nguyễn Tất Thành vừa dạy học vừa có mối quan hệ với các đồng nghiệp, các nhà chí sĩ, những người thân trong gia đình và đặc biệt là với các học trò thân thiết của mình. Đồng thời, Người không ngừng tôi luyện, nung nấu ý chí tìm đường cứu dân, cứu nước… Trong 2 năm giảng dạy ở Trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã để lại dấu ấn khó phai trong tâm trí những người cộng sự cũng như các học trò về lối sống, cách hành xử cũng như phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao trí, đức, thể, mỹ cho thế hệ trẻ. Bộ phim khép lại với hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên thuyền vào Nam, bắt đầu một hành trình mới với ý chí “muốn làm việc lớn phải dám ra biển lớn”.

 Một cảnh trong phim Nhìn ra biển cả.

Cái kết của phim Nhìn ra biển cả cũng chính là thông điệp các nhà làm phim muốn gửi tới các thế hệ thanh niên Việt Nam. Những năm đất nước còn chìm sâu trong cảnh lầm than, nô lệ dưới ách thực dân, phong kiến, hoài bão, chí hướng mong muốn tìm ra con đường đi cho dân tộc đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Từ thực tế cuộc sống của lớp lớp người dân Việt Nam, vượt lên trên ý thức hệ giai cấp, Nguyễn Tất Thành đã dũng cảm tìm ra hướng đi riêng của bản thân. Thông qua 90 phút để khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ phim Nhìn ra biển cả muốn truyền tải tới những khán giả trẻ thông điệp về chí hướng, quyết tâm, hành động trước cuộc đời. Mỗi người trẻ phải biết tìm ra con đường đi đúng hướng cho bản thân, phải dám đương đầu với thử thách và vượt qua thử thách. Quyết tâm, lòng dũng cảm của người thanh niên Nguyễn Tất Thành năm xưa đã tìm ra con đường đi đến độc lập, tự do, thống nhất cho toàn dân tộc. Tiếp nối con đường vinh quang đó, nhiệm vụ của thế hệ trẻ hôm nay phải không ngừng nỗ lực để đưa đất nước phát triển “sánh ngang cùng cường quốc năm châu” như mong ước của Bác.

Nhìn ra biển cả được thực hiện bởi ê kíp dày dặn kinh nghiệm như: NSƯT Vũ Châu, nhà văn Nguyễn Thị Hồng Ngát, NSƯT Vũ Quốc Tuấn, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Luân Kim, nhạc sĩ An Thuyên… cùng dàn diễn viên tên tuổi: NSƯT Trung Anh (vai ông Nguyễn Sinh Sắc), NSƯT Mạnh Cường (vai ông Hồ Tá Bang), NSƯT Thu Hà (vai bà Hương Bình), kết hợp với nhiều diễn viên trẻ đầy triển vọng như: Minh Đức (vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành)…

GIANG ĐÌNH