09:09, 11/09/2011

Thiếu “độ chín” ở lớp nghệ sĩ kế cận

Nhiều năm qua, những nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Khánh Hòa luôn khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Nhiều năm qua, những nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) ở Khánh Hòa luôn khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Bằng lao động nghệ thuật nghiêm túc, các tay máy đã mang lại niềm tự hào cho địa phương với nhiều tác phẩm xuất sắc, được đánh giá cao ở tầm quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, ngay trong “mùa chín” của nhiếp ảnh Khánh Hòa (NAKH) vẫn thấy hiện hữu nỗi băn khoăn về lớp nghệ sĩ kế cận để có thể duy trì được “thời vàng son” cho loại hình nghệ thuật này.

.Thành tựu của lớp “tre già”…

Mới đây, trong cuộc thi ảnh nghệ thuật 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên (được tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi), các NSNA của Khánh Hòa tiếp tục khẳng định thế mạnh của mình khi giành 1 Huy chương (HC) Vàng (NSNA Nguyễn Đông với tác phẩm “Thiếu nữ và mùa Xuân”), 1 HC Đồng (NSNA Nguyễn Đông với tác phẩm “Trên vịnh Nha Trang”) và 1 giải khuyến khích. Đồng thời, với hơn 200 tác phẩm của 30 tác giả dự thi (trong đó có 27 tác phẩm được triển lãm) đã đưa đoàn Khánh Hòa giành 1 trong 2 giải đồng đội của cuộc thi. Những thành tích như thế không phải chuyện hiếm đối với hoạt động nghệ thuật NAKH. Nếu tính trong vòng 5 năm trở lại đây, các tay máy chuyên nghiệp của Khánh Hòa đã làm rạng danh địa phương với nhiều giải thưởng danh giá từ các cuộc thi ảnh khu vực, quốc gia, quốc tế. Điểm qua có thể thấy tên tuổi của các NSNA như: Trần Minh Ngọc đạt 4 giải thưởng cấp quốc tế (trong đó có những giải thưởng danh giá như: HC Vàng Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ, HC Vàng Hội nhiếp ảnh Thụy Điển, bằng tưởng lệ Fiap…), 1 giải thưởng cấp quốc gia, 2 giải thưởng cấp tỉnh; nghệ sĩ Lê Đức Đạt đoạt 2 giải thưởng quốc tế, 1 giải thưởng cấp quốc gia, 1 giải thưởng cấp khu vực và 3 giải thưởng cấp tỉnh; nghệ sĩ Văn Thành Châu đạt 2 giải thưởng cấp khu vực, 2 giải thưởng cấp tỉnh; nghệ sĩ Bùi Xuân Hoài có 5 giải thưởng cấp quốc tế, 2 giải thưởng cấp khu vực, 3 giải thưởng cấp tỉnh; nghệ sĩ Lại Khánh đạt 2 giải thưởng cấp quốc gia, 1 giải thưởng cấp khu vực, 2 giải thưởng cấp tỉnh…

Ngoài những giải thưởng, các NSNA Khánh Hòa còn góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên lĩnh vực văn học nghệ thuật; xây dựng đời sống văn hóa sôi động với nhiều cuộc triển lãm mang tính cộng đồng như: Triển lãm ảnh đường phố “Nét đẹp xứ Trầm Hương”, triển lãm ảnh về an toàn giao thông, triển lãm ảnh các sự kiện lớn của địa phương… Những tác phẩm nhiếp ảnh ghi lại một cách chân thực cuộc sống lao động sản xuất, con người, thiên nhiên của vùng đất Khánh Hòa chính là minh chứng sinh động cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, qua những tác phẩm nhiếp ảnh, hình ảnh Nha Trang, Khánh Hòa văn minh, thân thiện được quảng bá một cách sâu rộng đến với bạn bè trong và ngoài nước. Có thể nói, thế hệ NSNA “gạo cội” của Khánh Hòa đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trước đòi hỏi từ thực tế cuộc sống.

Trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ là yêu cầu cần thiết để nhiếp ảnh Khánh Hòa giữ vững vị thế của mình. Trong ảnh: Tác phẩm “Nguồn sáng Trường Sa” của nghệ sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

… Nỗi băn khoăn với lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ

NAKH đang trong “thời vàng son”. Tuy nhiên, những cái tên được nhiều người kể đến vẫn là những nghệ sĩ đã quá quen thuộc. Hiện tại, Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có 60 hội viên, trong đó nhiều hội viên đã ngoài tuổi “thất thập”. Phần lớn hội viên đang trong “độ chín” về chuyên môn cũng đã ở lứa tuổi U50, U60; còn số hội viên dưới 40 tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay, số hội viên dưới 35 tuổi càng ít hơn. Một thực tế đáng lo ngại chính là việc số lượng NSNA trẻ đã ít về số lượng lại chưa có được những thành tựu nổi bật. Lý giải cho điều này, ông Trần Minh Ngọc - Chi hội phó Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: “Theo quy định, những người được kết nạp vào Hội phải là người có quá trình phấn đấu với những tác phẩm nhiếp ảnh đã được thẩm định qua các cuộc thi. Vậy nên ít nhất, mỗi người cũng phải có 4 năm lao động nghệ thuật thực sự nghiêm túc mới có thể vào Hội. Tuy nhiên, đây là điều rất khó, bởi những người trẻ tuổi ít có điều kiện đầu tư phương tiện máy móc hiện đại. Cùng với đó, thực tế ở Khánh Hòa chưa có cơ sở đào tạo nhiếp ảnh chuyên nghiệp mà chủ yếu là tự học và bằng kinh nghiệm là chính nên rất khó cho lớp nhiếp ảnh trẻ có thể đạt được tác phẩm chất lượng cao”. Năm 2010, có một số hội viên mới được kết nạp, nhưng về tuổi tác, những người này đều đã hơn 30 tuổi và thành tích của họ cũng chưa thật ấn tượng, ngoại trừ trường hợp của Vũ Ngọc Hoàng (sinh năm 1968) vừa đạt 2 giải cấp quốc gia trong năm 2011.

Trong môi trường hoạt động NTNA khá thuận lợi, hàng năm có nhiều cuộc thi ảnh diễn ra do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức; điều kiện thực tế sáng tác với nhiều sự kiện kinh tế - xã hội được diễn ra; phong cảnh thiên nhiên hữu tình; cuộc sống con người mang nhiều nét đặc trưng…, đây là nguồn tư liệu phong phú đối với nhiếp ảnh. Từ môi trường đó, đã có một số câu lạc bộ nhiếp ảnh ra đời như Câu lạc bộ Nhiếp ảnh 2-4, Diễn đàn “Ánh sáng đẹp”… và là nơi quy tụ được nhiều tay máy trẻ. Tuy nhiên, tâm lý chung của lực lượng này là chơi ảnh chỉ để thỏa mãn sở thích chứ chưa hướng đến lao động nghệ thuật nghiêm túc. Ông Trần Minh Ngọc tâm sự: “Việc phát triển hội viên mới là một vấn đề nan giải đối với chúng tôi. Để có hội viên mới, các thành viên trong Ban Chấp hành Chi hội phải phân công nhau đi sâu vào các câu lạc bộ động viên, khuyến khích, hướng dẫn họ vào Hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn vào Hội”.

Vẫn biết, sáng tạo nghệ thuật không có giới hạn tuổi tác, tuy nhiên, việc trẻ hóa đội ngũ NSNA, rút ngắn thời gian đạt đến “độ chín” trong nhiếp ảnh để các nghệ sĩ cống hiến được nhiều hơn vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở đối với những người có trách nhiệm. Tìm ra một giải pháp chiến lược cho nhiệm vụ trên là điều cần làm để giữ thời gian “vàng son” của NAKH.

NHÂN TÂM