07:09, 29/09/2011

Người nặng nợ với văn chương

Hơn 20 năm sống xa Tổ quốc, có một người con luôn đau đáu trong mình nỗi nhớ thương quê hương xứ sở. Tình cảm đó chính là mạch nguồn, là cảm hứng để chị viết nên những bài thơ, bài ký về đất Việt thân yêu.

 
Hơn 20 năm sống xa Tổ quốc, có một người con luôn đau đáu trong mình nỗi nhớ thương quê hương xứ sở. Tình cảm đó chính là mạch nguồn, là cảm hứng để chị viết nên những bài thơ, bài ký về đất Việt thân yêu. Chị là nhà thơ Phạm Châu Loan, người tự nhận mình trót mang nghiệp văn chương.

Một lần tình cờ, tôi đọc được những dòng thông tin trên mạng về nhà thơ Phạm Châu Loan - một người gốc Hà thành nhưng có sự gắn bó mật thiết với phố biển Nha Trang. Tiếp xúc với chị, chúng tôi nhận thấy ở chị vẻ dịu dàng và một tâm hồn giàu xúc cảm. Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tuổi thơ của chị gắn liền với những năm tháng đất nước còn khói lửa chiến tranh, những ký ức ấy đã đọng lại trong chị và trở thành dấu ấn khó phai. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình chị chuyển đến Nha Trang, xứ Trầm Hương bỗng trở thành quê hương thứ hai của chị. Từ ấy, hai thành phố Hà Nội và Nha Trang chính là hình ảnh chủ đạo cho mảng đề tài quê hương đất nước trong các sáng tác của Phạm Châu Loan khi ở nước ngoài. Đến nay, chị đã có 5 tập thơ in chung và riêng đã được xuất bản. Mới đây nhất, tập thơ Chín Bông Hồng Đỏ và album Tiếng gọi quê hương của chị vừa ra mắt độc giả ngay khi chị về nước đã nhận được sự đánh giá khá cao của giới chuyên môn. “Tôi rất thích viết thơ và viết văn. Tôi nghĩ như thế nào thì viết như thế ấy. Mong muốn của tôi là làm sao những lời mình viết ra người đọc cảm nhận được, có cảm xúc, có thể để lại ấn tượng” - nhà thơ Châu Loan tâm sự.

Tác phẩm của Phạm Châu Loan đa dạng về nội dung và phong phú về đề tài, thể loại. Nếu những vần thơ của chị khi nồng nàn những khát vọng yêu thương, lúc tha thiết một niềm tin vào con người và cuộc sống thì phần văn xuôi của chị lại mang đến cho người đọc một sự bất ngờ về khả năng sáng tạo và tìm đề tài của tác giả. Những kỷ niệm về tuổi thơ Hà Nội trong các tác phẩm như Hoa phượng đỏ, Vân là Mây, Âm hưởng còn lại, Bức ảnh ghi nhớ… đều khiến người đọc rưng rưng về vùng đất Hà thành hiền hòa trong ký ức. Từ chân dung những con người bình dị trong cuộc sống thường ngày trong Bác thợ ủi, Lau kính xe, Anh hàng xóm, Chú sẻ nhỏ, Cây đàn của tôi… đến những vấn đề thời sự của đất nước cũng được chị ghi lại một cách chân thực trong Việt kiều gặp gỡ xuân quê hương, Mậu Tý có mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết… Các tác phẩm du ký như Diễu hành trên kênh, Hai ngày ở Sapa, Ấn tượng Hoa Lư - Tam Cốc, Mưa rơi trên phố… đã miêu ta rất chân thực cuộc sống, hành động của con người trong thời đại mới, kể cả trong và ngoài nước. Điều quan trọng đối với người làm nghệ thuật chính là cảm xúc. Với Phạm Châu Loan, thơ hay bút ký, hồi ký, chân dung, du ký đều thấm đẫm những cảm xúc rất thật của chị, chính điều đó làm người đọc thấy trân trọng và yêu mến tác phẩm của chị hơn. Bút pháp của Phạm Châu Loan giản dị mà sinh động, đôi khi châm biếm, dí dỏm khiến người đọc không thể bỏ dở nửa chừng khi đã tiếp xúc. Những thông tin, kiến thức trong tác phẩm của chị không phải lúc nào cũng mới nhưng được tiếp cận từ một góc nhìn mới nên tạo được sự mới mẻ, độc đáo. “Tôi đọc tác phẩm của Châu Loan qua hai tập thơ, tôi thấy rất vui khi Châu Loan viết về Tổ quốc, về nhân dân, về những khái niệm của đất nước hết sức sinh động và chân thực. Châu Loan là nghệ sĩ nên rất gần với thơ, những tình cảm của chị khi xa Tổ quốc rất sâu sắc, như xoáy vào lòng người đọc. Khi xa Tổ quốc mới thấy Tổ quốc vô cùng đẹp. Tôi hy vọng Châu Loan sẽ tiến thêm một bước nữa trong sáng tác, thể hiện được cái mới trong cuộc sống hiện nay chứ không chỉ là hoài niệm, là cái cũ…”, nhà thơ Giang Nam chia sẻ.

Phạm Châu Loan, cái tên còn khá mới mẻ trong làng văn học Khánh Hòa nói riêng và đất nước nói chung, nhưng với những ai đã đọc và nghiền ngẫm tác phẩm của chị hẳn sẽ rất khó quên bởi tính nhân văn thấm đẫm trong các tác phẩm. Xuất phát từ một nghệ sĩ múa nhưng cuối cùng lại theo nghiệp văn chương, với chị, mọi thứ vẫn còn ở phía trước.

GIANG ĐÌNH