09:09, 18/09/2011

Mãn nhãn với “Những đứa con biệt động Sài Gòn”

Bộ phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” được công chiếu trên sóng VTV1 vào khung “giờ vàng” phim Việt (20 giờ) các tối Thứ hai, ba, tư hàng tuần, bắt đầu từ ngày 5-9.

Bộ phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” được công chiếu trên sóng VTV1 vào khung “giờ vàng” phim Việt (20 giờ) các tối Thứ hai, ba, tư hàng tuần, bắt đầu từ ngày 5-9. Trải qua những tập đầu, bộ phim hành động “Những đứa con biệt động Sài Gòn” đã làm mãn nhãn khán giả không chỉ ở những pha võ thuật đẹp mắt, mà còn ở một kịch bản phim giàu ý tưởng, nội dung phim đậm tính thời sự, hình thức thể hiện ẩn chứa nhiều yếu tố mới lạ.

Sau hơn 20 năm, kể từ ngày bộ phim Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân từng “làm mưa làm gió” trên các rạp chiếu bóng toàn quốc, đến nay, vị đạo diễn lão thành này lại đóng góp công sức của mình cho việc ra đời “thế hệ thứ 2” của những biệt động Sài Gòn năm xưa với tên gọi gợi lên mối liên hệ mật thiết cũng như tinh thần, trách nhiệm của những con người luôn hành động vì sự bình yên cuộc sống của nhân dân - Những đứa con biệt động Sài Gòn. Sự kỳ công, chăm chút trong mỗi cảnh quay đã tạo nên những tập phim làm hài lòng khán giả. Trên nhiều diễn đàn phim Việt, cư dân mạng đã dành sự đánh giá “xuất sắc” cho bộ phim này với những dòng phản hồi tích cực. Nhiều tờ báo uy tín cũng có những bài viết đề cao chất lượng, nội dung của phim, trong đó có những bài viết chú tâm đến việc đưa ý kiến nhận định của giới chuyên môn thể hiện sự ghi nhận thành quả lao động nghệ thuật của ê kíp làm phim. Với nhiều người, bộ phim như gợi lại những ký ức: “Thế hệ chúng tôi từng say mê với những cảnh phim Biệt động Sài Gòn, nay lại được theo dõi những tập phim Những đứa con biệt động Sài Gòn đầy hấp dẫn và có sự liên hệ sâu sắc. Đây có thể là một hướng đi mở cho những người làm phim Việt Nam, bởi quá khứ hào hùng mãi là ngọn đèn soi sáng cho hiện tại và tương lai” - ông Nguyễn Bình (đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang) chia sẻ.

Từ sự “đặt hàng” của đạo diễn Long Vân, nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải đã có ý tưởng về một kịch bản phim có sự liên kết chặt chẽ giữa cuộc đấu tranh của lực lượng Công an phòng, chống các băng nhóm tội phạm hoạt động mang tính chất “xã hội đen” với những người con của thế hệ “biệt động Sài Gòn” trước đây. Chính sợi dây liên kết này đã mang đến sự đa dạng trong hình thức thể hiện của phim.

 Diễn viên Hai Nhất (phải) từng vào vai tên chỉ điểm Ba Cẩn trong “Biệt động Sài Gòn”, nay lại đóng vai “trùm xã hội đen” Bảy Xoài trong “Những đứa con Biệt động Sài Gòn”.

Những đứa con biệt động Sài Gòn không đơn thuần là một bộ phim mang tính hình sự, cũng không phải là bộ phim mang nặng yếu tố kỷ niệm. Cái hay của phim chính là tính kế thừa, sự tiếp nối. Xem phim, khán giả có thể hình dung được thông điệp các nhà làm phim muốn hướng tới, đó là: Nếu trước đây, thế hệ của những “biệt động Sài Gòn” với Tư Chung, Ngọc Mai, ni cô Huyền Trang… đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để đấu tranh cho nền độc lập, thống nhất đất nước thì hôm nay, những người con, người cháu của họ vẫn tiếp nối truyền thống anh hùng trên mặt trận phòng, chống tội phạm, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Cả hai thế hệ đều hành động vì nước, vì dân và vì tương lai.

Tư liệu chính của Những đứa con biệt động Sài Gòn được lấy từ hiện thực vụ án Năm Cam. Trong phim có những nhân vật được lấy nguyên mẫu là những tên tội phạm khét tiếng như: Bảy Xoài (Năm Cam), Phượng “đê” (Dung Hà), Mộc “già” (Lân), Lý Văn Trời (Thuyết “buôn vua”)… Chính vì vậy, khi xem phim, khán giả thấy được nét đặc trưng của tội phạm một thời với những hoạt động bảo kê, tranh giành lãnh địa gây nhiễu loạn đến đời sống người dân TP. Hồ Chí Minh. Chất hình sự đậm nét được thể hiện trong cuộc đấu trí ác liệt giữa lực lượng Công an - thế hệ sau của những “biệt động Sài Gòn” với các băng nhóm tội phạm liều lĩnh, nguy hiểm. Để tạo nên những cảnh quay vây bắt tội phạm, những màn võ thuật đẹp mắt, bên cạnh sự cố vấn nghiệp vụ của Trung tướng Hữu Ước, vai trò chỉ đạo nghệ thuật của đạo diễn Long Vân thì 2 đạo diễn phim: Nghệ sĩ Ưu tú, Thượng tá Khương Đức Thuận và đạo diễn Đặng Minh Quang đã huy động được sự tham gia của khoảng 500 diễn viên. Trong đó, có nhiều vai diễn do các chiến sĩ Công an, các võ sư đảm nhận. Điều đó đã mang lại tính chân thực cao cho phim. Hiệu quả mang lại là sự đánh giá của công chúng khi xem đây như một bộ phim hành động hiếm thấy ở Việt Nam khi đạt được trình độ võ thuật hoàn hảo. Một đặc điểm khiến phim có sức hút khán giả chính là tiết tấu nhanh của phim; khán giả như bị cuốn theo những tình huống đột biến của phim. Điều đó hoàn toàn phù hợp với chất hành động trong phim. Việc dàn dựng các bối cảnh phim ở những chốn ăn chơi như: nhà hàng sang trọng, vũ trường, trường đá gà… đã được thực hiện một cách kỹ lưỡng. Cùng với tuyến hành động điều tra vụ án, những cảnh băng nhóm tội phạm thanh trừng lẫn nhau làm bề nổi cho phim, khán giả cũng “nín thở” với những màn đấu trí của các mật vụ công an để luồn sâu vào “hang ổ” các nhóm “xã hội đen”. Từ đây làm toát lên phẩm chất đích thực của thế hệ những người con biệt động Sài Gòn: “Kiên cường, mưu trí, dũng cảm”.

Với một kịch bản phim giàu ý tưởng, một ê kíp làm phim có tài, có tâm cùng sự tham gia của dàn diễn viên giỏi như: Hai Nhất, Khánh Huyền, Minh Hoàng, Kim Chi, Hoài An…, Những đứa con biệt động Sài Gòn xứng đáng là một tân Biệt động Sài Gòn.

GIANG ĐÌNH