09:09, 18/09/2011

“Làm bóng đá phải hướng đến người hâm mộ mới mong phát triển”

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về chuyện các ông “bầu” V-League đứng ra “phản pháo” cách làm bóng đá của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam...

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về chuyện các ông “bầu” V-League đứng ra “phản pháo” cách làm bóng đá của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - BĐVN (VFF); đồng thời đòi tổ chức một giải bóng đá “sạch”. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Khatocco Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.

- P.V: Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn từng trả lời giới truyền thông về việc BĐVN cần những người “tử vì đạo” để nền bóng đá nước nhà phát triển hơn. Ông có nghĩ rằng, việc Hòa Phát Hà Nội (HP.HN) không chơi bóng đá nữa cũng là hành động “tử vì đạo”?

- Ông Lê Tiến Anh: Nói “tử vì đạo” có vẻ tín đồ quá, nhưng tôi khẳng định, những người làm bóng đá hiện nay đa số là những người đam mê bóng đá, có tình yêu và trách nhiệm với nền bóng đá nước nhà. Lợi ích của bóng đá đem lại hầu như không có gì so với số tiền bạc tỷ và công sức mà họ bỏ ra. Tôi đánh giá cao những gì HP.HN làm cho bóng đá. Họ âm thầm đầu tư bài bản cho cả hệ thống bóng đá trẻ đến đội tuyển. Họ có tiềm lực mạnh về tài chính nhưng không ồn ào, phô trương để đạt thành tích nhất thời, đẩy giá chuyển nhượng vô lối. Việc HP.HN bỏ bóng đá là mất mát lớn cho sự phát triển BĐVN và có tác động tâm lý không nhỏ đến các doanh nghiệp (DN) làm bóng đá nghiêm túc như chúng tôi. Tôi nghĩ, VFF cần có cái nhìn sâu sắc hơn về sự cố này, vì tôi biết chắc rằng, số tiền làm bóng đá hàng năm của HP.HN cũng chỉ là số lẻ so với lợi nhuận họ làm ra. Họ bỏ bóng đá không phải vì tài chính eo hẹp hay không đam mê bóng đá.

Ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch CLB Khatoco Khánh Hòa (thứ 2 từ phải sang) là một trong số ít người làm bóng đá không theo kiểu tiền “đấu” tiền nhưng cho đến giờ, Khatoco Khánh Hòa vẫn tự tin đứng vững ở V-League.

- P.V: Ông có nghĩ rằng, BĐVN muốn “sạch” thì Ban tổ chức giải và VFF phải “sạch”? BĐVN muốn mạnh thì VFF phải mạnh? Trên thực tế, tổ chức xã hội này vẫn chưa bắt kịp sự tiến bộ của bóng đá chuyên nghiệp?

- Ông Lê Tiến Anh: Tôi nghĩ không chỉ riêng bóng đá, mọi lĩnh vực hoạt động muốn phát triển đều phải lành mạnh, minh bạch và công bằng, có tính dân chủ của cả hệ thống từ người đứng đầu đến các bộ phận chuyên môn và các thành viên. BĐVN đã lên chuyên nghiệp và được xã hội hóa, sân chơi bây giờ thuộc về các DN chứ không giống như thời bao cấp trước đây hay chưa lên chuyên nghiệp, sự quản lý điều hành còn mang tính hành chính, phong trào. Đã đến lúc cần phải thay đổi cơ chế quản lý và điều hành như một hoạt động kinh doanh của DN. Thường trực VFF hoạt động như Hội đồng Quản trị, Tổng Thư ký như Tổng Giám đốc…, đánh giá năng lực bằng hiệu quả của hoạt động và sự phát triển chung. Môi trường bóng đá không còn là nơi để làm chính trị hay cơ cấu cho đủ ban bệ, chức năng mà phải tính đến hiệu quả thiết thực của nó. Tôi nghĩ, tiêu chí, điều kiện cần để chọn các vị trí lãnh đạo VFF bây giờ phải khác với trước đây thì mới phù hợp với tình hình thực tế.

- P.V: Từ trước đến nay, quan điểm bóng đá của CLB Khatoco Khánh Hòa nói chung và của ông nói riêng là không dùng tiền “đấu” tiền, không thỏa hiệp với yêu sách vô lối của các cầu thủ… Đây là cách làm đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, những người làm bóng đá như ông, “bầu” Thắng, “bầu” Kiên, “bầu” Đức vẫn ít. Nhiều ông “bầu” vẫn làm bóng đá theo cách riêng của mình, góp phần làm BĐVN “loạn” lên. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

- Ông Lê Tiến Anh: Các DN làm bóng đá đều là những DN có tiềm lực tài chính, kinh doanh đa ngành. Nói về tiềm lực tài chính của các ông “bầu” làm bóng đá, tôi tin chắc rằng chẳng ai giàu hơn anh Kiên, anh Đức, anh Long…, nhưng họ có vung tiền vô lối đâu. Thử hỏi, nếu những người này cũng vung tiền ra để mua cầu thủ bằng bất cứ giá nào, thưởng thật to để cầu thủ mới đá thì có lẽ BĐVN đã “loạn” từ lâu. Nhiều người than vãn: Cầu thủ bây giờ hư quá! Vậy câu hỏi đặt ra: Ai làm hư họ? Chính các CLB vung tiền mà không xem xét đến mặt bằng chung của xã hội và chất lượng cầu thủ hiện nay. Rồi đây, ai sẽ làm bóng đá trẻ, tuyển 100 cháu U15 đào tạo trong 5 năm mà có được 3 - 5 cầu thủ đủ trình độ đá V-League là thành công lắm rồi. Chi phí biết bao nhiêu mà kể. Nhưng khi các cầu thủ “đủ lông đủ cánh” là các CLB khác lấy mất với giá trên trời. Vì vậy, chẳng ai ham muốn đào tạo nữa. Lương cao, thưởng cao, chuyển nhượng cao nên có mấy cầu thủ dám hy sinh hết mình cho đội tuyển. Thưởng cao mới đá, thưởng cao vậy mà không tiêu cực mới lạ! Có thể các ông “bầu” không tiêu cực, nhưng khi có thưởng cao, ai dám chắc cầu thủ không châm chích nhau, kể cả châm chích trọng tài. Có tình trạng này cũng không thể đổ lỗi hết cho DN làm bóng đá. Vai trò của VFF ở đâu, khi họ chính là người đứng ra tổ chức sân chơi này? Họ có quyền ra quyết định, ra quy chế buộc các CLB) phải thực hiện, nhưng họ không làm. Tôi không phản đối chuyện các CLB vung tiền, họ có quyền của họ và đây là sân chơi tự nguyện, không ai ép ai. Tuy nhiên, cuộc chơi phải trong khuôn khổ quy định chung. Quy định chung đó đảm bảo cho sự phát triển của BĐVN, nếu không nó trở thành cái chợ phục vụ mục đích ngắn hạn nhất thời, cục bộ.

- P.V: Theo ông, BĐVN cần cuộc “đại phẫu”, cần mở chiến dịch “bàn tay sắt” như năm 2005? Ông có nghĩ rằng, BĐVN đã bị thao túng bởi một nhóm người nào đó?

- Ông Lê Tiến Anh: Như tôi đã nói ở trên, có “đại phẫu” mà không cải tổ lại bộ máy thì vài năm sau lại “đại phẫu” lại thôi, và cuối cùng chỉ làm “cơ thể” của nền bóng đá suy yếu. Tôi đã đề nghị cần phải cải tổ lại bộ máy VFF thông qua đại hội bất thường. Đừng xem đó là cái gì to tát, đại hội bất thường sẽ rà soát lại để điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của từng lĩnh vực, chọn người đủ tài dám hy sinh cho sự nghiệp bóng đá nước nhà. Đó là cách tốt nhất để người hâm mộ tin tưởng. Đến bao giờ tất cả những người làm bóng đá, những DN đầu tư cho bóng đá xác định được đối tượng duy nhất để phục vụ là người hâm mộ thì BĐVN mới phát triển.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

PHÚC HIẾU (Thực hiện)