12:09, 03/09/2011

Đòi hỏi sự đầu tư đúng hướng

Trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng Internet như hiện nay, hoạt động của các thư viện rơi vào cảnh “chợ chiều”. Để khuyến khích độc giả đến với thư viện, làm sống dậy “văn hóa đọc” trên địa bàn TP. Nha Trang đòi hỏi sự đầu tư đúng hướng, nhưng xem ra đó là việc làm khó…

Trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng Internet như hiện nay, hoạt động của các thư viện (TV) rơi vào cảnh “chợ chiều”. Để khuyến khích độc giả đến với TV, làm sống dậy “văn hóa đọc” trên địa bàn TP. Nha Trang đòi hỏi sự đầu tư đúng hướng, nhưng xem ra đó là việc làm khó…

Qua nắm bắt tình hình thực tế tại TV TP. Nha Trang, chúng tôi nhận thấy lượng độc giả đến với TV khá thưa thớt. Một vài độc giả lớn tuổi đến đọc báo, số ít các em học sinh đến trả - mượn sách, chủ yếu là truyện tranh. Như hiểu được sự băn khoăn của chúng tôi, chị Huỳnh Thị Nhàn - Tổ trưởng phụ trách TV TP. Nha Trang giải thích: “Hiện nay, các em học sinh bắt đầu đi học nên lượng độc giả ít hơn. Những ngày Hè, các em đến đông lắm. Hiện tại, TV vẫn chưa có phòng đọc dành riêng cho thiếu nhi nên các em chủ yếu đến mượn sách về nhà đọc”.

Trong bối cảnh hiện nay, để duy trì lượng độc giả cố định là việc làm rất khó đối với Thư viện TP. Nha Trang.

Với hơn 30 năm hoạt động, TV TP. Nha Trang từ lâu đã trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa dành cho cộng đồng. Độc giả đến đây không chỉ có không gian giải trí mà còn có thể tìm kiếm thông tin làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân. Tuy nhiên, những năm qua, cũng giống như nhiều TV khác trước thực trạng sa sút và có chiều chuyển hướng của “văn hóa đọc”, hoạt động theo kiểu “truyền thống” của TV TP. Nha Trang cũng đi xuống. Vào thời điểm này, khi nói đến phương hướng hoạt động của TV, những người liên quan chỉ dám đặt ra mục tiêu duy trì hoạt động và đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Lý giải cho điều này, ông Phan Ngọc Trực - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Nha Trang cho biết: “10 năm qua, kinh phí bổ sung hoạt động hàng năm của TV TP. Nha Trang không có sự thay đổi. Với tình hình hiện nay, khoản kinh phí 60 triệu đồng/năm là rất hạn chế đối với việc bổ sung đầu sách mới cho TV”.

Trong bối cảnh đó, để thu hút độc giả, khuyến khích “văn hóa đọc” trong nhân dân, TV TP. Nha Trang đã thực hiện nhiều hoạt động như tổ chức hội thi kể chuyện theo sách dành cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở; triển khai mô hình xe sách lưu động phục vụ các điểm trường ngoại thành; mời các tác giả, nhà văn, nhà thơ nói chuyện về sách với các tầng lớp độc giả; xây dựng trạm sách ở các xã, phường và thường xuyên có sự luân chuyển nguồn sách; tổ chức hội báo Xuân hàng năm… Cùng với đó, nhân viên TV luôn kịp thời bổ sung sách, báo mới; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ độc giả. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động, việc làm đó đều chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Độc giả vẫn tỏ ra hờ hững với sách. 8 tháng năm 2011, TV TP. Nha Trang chỉ cấp mới 1.200 thẻ đọc cho độc giả (tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2010). Đối tượng phục vụ chính của TV vẫn là học sinh, sinh viên, cán bộ hưu trí; các đối tượng khác rất ít. Thời gian qua, ở nhiều địa phương nổi lên hoạt động của các câu lạc bộ ông, bà, cháu; một số làng văn hóa đã tổ chức được tủ sách và rất cần đến sự hỗ trợ về nguồn sách của TV. Nhưng do những yêu cầu trong công tác quản lý sách, bên cạnh đó, số lượng cán bộ, nhân viên của TV hạn chế nên không đáp ứng được. Trước thực tế “văn hóa đọc” đang có sự chuyển hướng từ loại hình đọc sách truyền thống sang đọc sách trên mạng Internet thì TV TP. Nha Trang chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Nhìn vào thực trạng độc giả thờ ơ với TV như hiện nay, những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực TV chỉ còn biết mong ước đến một ngày “văn hóa đọc” sẽ trở lại đúng với vai trò, ý nghĩa của nó. “Hơn 25 năm hoạt động trong lĩnh vực TV, tôi đã trải qua những thời điểm thăng trầm của “văn hóa đọc”. Làm công tác phục vụ nhân dân nên chúng tôi chỉ mong có đối tượng để phục vụ. Những gì cần làm để thu hút độc giả, để người dân hiểu hơn về giá trị của sách, chúng tôi cũng đã triển khai, nhưng vẫn cảm thấy chưa thực sự như ý muốn”, chị Huỳnh Thị Nhàn tâm sự. Quả thực, để khuyến khích “văn hóa đọc” trên địa bàn TP. Nha Trang đạt được hiệu quả là việc làm không phải một sớm một chiều mà cần có sự đầu tư đúng hướng trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, thị hiếu thực tế của độc giả. Muốn làm được vậy, trước mắt phải tháo gỡ được tình trạng “lực bất tòng tâm” như hiện nay, bởi đầu tư cho tri thức là một việc làm không bao giờ thừa.

GIANG ĐÌNH