09:09, 24/09/2011

Chữ tình “lép vế” đồng tiền

Mùa bóng 2012 chưa bắt đầu, các đội bóng ở V-League chưa trở lại sân tập, vụ việc lùm xùm giữa các ông bầu và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn chưa có hồi kết…

Mùa bóng 2012 chưa bắt đầu, các đội bóng ở V-League chưa trở lại sân tập, vụ việc lùm xùm giữa các ông bầu và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn chưa có hồi kết… thì lại “rộn” lên việc tiền đạo Lê Công Vinh dứt tình ra đi khi đồng tiền bên phía “bầu Kiên” lên tiếng, cho dù cầu thủ này đã xin “bầu Hiển” được ở lại Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội T&T vì “chữ tình”…

Sau những phát ngôn gây sốc của “bầu Kiên”, mới đây, tiền đạo “ngôi sao” Lê Công Vinh (CLB Hà Nội T&T) đã khiến giới báo chí, người hâm mộ bóng đá quay như chong chóng xung quanh chuyện đi, ở của cầu thủ này. Bởi chỉ ít ngày sau tuyên bố của “bầu Hiển” về tương lai của Công Vinh ở Hà Nội T&T và ý muốn được ở lại CLB vì “chữ tình” của tiền đạo xứ Nghệ chưa hết những lời khen ngợi, đồng cảm của đồng đội cùng người hâm mộ thì cũng chính tiền đạo này lên tiếng muốn rũ bỏ đội bóng cũ để chạy theo tiếng gọi “đồng tiền”. Chưa biết đích xác số tiền “bầu Kiên” - ông chủ mới của Hòa Phát Hà Nội bỏ ra chiêu mộ Công Vinh là bao nhiêu, song nghe đâu con số này (cỡ 15 tỷ đồng/3 năm) được coi là kỷ lục mới trong một thương vụ chuyển nhượng cầu thủ nội.

Tiền đạo Lê Công Vinh (phải) sẽ đầu quân cho đội bóng mới của “bầu Kiên”.

Tại các nước có nền bóng đá phát triển mạnh, chuyên nghiệp như: Tây Ban Nha, Anh, Ý…, chuyện các cầu thủ đi hay ở lại CLB sau mỗi mùa giải là chuyện rất đỗi bình thường. Bởi ở đó, họ có những trung tâm chuyên đào tạo cầu thủ chỉ để bán. Và đối với các CLB, giá trị của cầu thủ dựa trên những yếu tố như: nhu cầu, năng lực, khả năng tài chính… Trong khi đó, nền bóng đá Việt Nam tuy mang mác chuyên nghiệp hơn 10 năm nay, song việc các cầu thủ nhận những khoản “lót tay” bạc tỷ để rời CLB cũ đầu quân CLB mới là chuyện gì đó khó tin và không thể ngờ. Theo ý kiến của nhiều ông bầu, thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở V-League đang tồn tại nhiều vấn đề bất ổn. Bởi lẽ, để có một cầu thủ tốt, các CLB ở V.League phải bỏ ra không chỉ tiền, thời gian mà còn cả công sức đào tạo. Vì vậy, giữa cầu thủ và CLB còn có “chữ tình”. Trong khi đó, số ít các CLB lại vung tiền một cách vô lối để lôi kéo cầu thủ mà không cần biết giá trị đích thực của cầu thủ ấy. Điều đó được coi là một trong số những yếu tố làm cho tính chuyên nghiệp của V-League chưa kịp tròn lại thêm méo mó. Từng trao đổi với chúng tôi về những tiêu cực trong chuyển nhượng cầu thủ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền bóng đá nước nhà, ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch CLB Bóng đá Khatoco Khánh Hòa cho biết: “Nhiều người than vãn, cầu thủ bây giờ hư quá! Vậy ai làm hư họ? Chính các CLB vung tiền mà không xem xét mặt bằng chung của xã hội và chất lượng cầu thủ hiện nay. Rồi đây, ai sẽ làm bóng đá trẻ? Tuyển 100 cháu U15 đào tạo trong 5 năm mà có được 3 - 5 cầu thủ đủ trình độ đá V-League đã là thành công lớn, chi phí biết bao nhiêu mà kể. Vậy nhưng, khi đủ lông đủ cánh là các CLB khác lấy mất với giá trên trời. Ai mà ham muốn đào tạo nữa”.

Cũng theo như cách nói của ông Lê Tiến Anh thì việc chuyển nhượng cầu thủ vô lối của các CLB hiện nay không chỉ làm hư các cầu thủ, chất lượng các đội bóng không đồng đều mà còn làm cho nền bóng đá nước nhà suy yếu dần.

AN NHIÊN