04:09, 22/09/2011

Không còn thời vàng son

Đã qua rồi thời hoàng kim của nghề chiếu bóng. Hồi đó, mỗi xóm, mỗi xã nhộn nhịp, nô nức như ngày hội mỗi dịp có đội chiếu bóng về phục vụ; còn bây giờ, cùng với sự bùng nổ các loại hình thông tin đại chúng, nhất là truyền hình, nghề chiếu bóng đã dần mất đi vị thế một thời.

Đã qua rồi thời hoàng kim của nghề chiếu bóng. Hồi đó, mỗi xóm, mỗi xã nhộn nhịp, nô nức như ngày hội mỗi dịp có đội chiếu bóng về phục vụ; còn bây giờ, cùng với sự bùng nổ các loại hình thông tin đại chúng, nhất là truyền hình, nghề chiếu bóng đã dần mất đi vị thế một thời.

Chúng tôi đến Đội Chiếu phim số 2 thuộc Trung tâm Điện ảnh (TTĐA) tỉnh Khánh Hòa đang đứng chân ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) khi 4 thành viên của đội chuẩn bị phương tiện, máy móc đi chiếu phim ở thôn Bố Lang (xã Sơn Thái), cách thị trấn Khánh Vĩnh khoảng 10km. Trong tiết trời oi nồng, những giọt mồ hôi ướt đầm trên vai áo các anh. Hai chiếc máy chiếu phim cùng màn ảnh, loa, âm-ly, cột dựng và vô số dây nhợ được các anh sắp xếp gọn gàng vào những thùng sắt lớn để khuân lên xe đi chiếu phim phục vụ đồng bào. Anh Trần Ngọc Minh - Đội trưởng Đội Chiếu bóng số 2 cho biết: “Hôm nay, có xe dưới Trung tâm lên nên cũng đỡ vất vả. Mọi hôm, chúng tôi phải đi thuê xe, thậm chí phải vận chuyển bằng xe máy cày của người dân. Công việc chiếu bóng bây giờ tuy không còn sôi động như trước, nhưng anh em chúng tôi vẫn bám nghề và luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao”.

Mong muốn về một thời vàng son có lẽ vẫn là giấc mơ dài của những người làm nghề chiếu bóng lưu động.

Theo chân các anh đến điểm chiếu, chúng tôi được biết, hiện nay, trong đội có 4 người đảm nhận tất cả mọi công việc liên quan. Mỗi năm, đội có 264 buổi chiếu phục vụ đồng bào ở 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Vào những dịp lễ, Tết, hoặc diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, tần suất phục vụ có thể tăng lên. Các thể loại phim thường chiếu gồm: phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình và chủ yếu là phim Việt Nam. Để các buổi chiếu thu hút người xem, ngay từ đầu năm, đội đã lên kế hoạch cụ thể với từng xã. Tuy nhiên, đến thời gian chiếu, các anh lại phải liên hệ thêm lần nữa để bố trí địa điểm chiếu cụ thể và thông báo, cổ động cho người dân biết để đến xem. Tuy tính chất công việc thường được thực hiện vào buổi tối nhưng tất cả các thành viên trong đội đều không có chế độ bồi dưỡng nào. Thỉnh thoảng, một vài người dân quý mến mang tặng bắp, mì… đó cũng đã là niềm vui với các anh.

Đúng 19 giờ, chương trình chiếu phim bắt đầu bằng bộ phim tài liệu kể về tấm gương của một cô giáo trẻ người H’Mông ở tỉnh Hà Giang. Lúc này, xung quanh khu vực chiếu phim chỉ có khoảng vài chục em nhỏ người Raglai đang nô đùa. Đến 20 giờ, khi bộ phim Cô dâu đại chiến được trình chiếu, số lượng người xem đông hơn, trong đó chủ yếu là thanh niên, tuy nhiên, theo ước tính của chúng tôi cũng chỉ thu hút khoảng 200 người. Thấy chúng tôi băn khoăn về lượng khán giả, anh Minh chia sẻ: “Hôm nay như thế này là đông rồi. Biết có Đài Truyền hình lên quay phim nên bà con đến nhiều hơn. Do nội dung phim khá hấp dẫn nên khán giả xem cũng thấy thú vị, chịu khó xem hết phim”. Nhìn lượng khán giả như thế, chúng tôi chợt nhớ về một thời quá khứ vàng son của nghề chiếu bóng. Lúc ấy, những sân vận động, những bãi chiếu phim luôn đông nghịt người. Mỗi lần có đội chiếu phim về, dường như ai cũng cố thu xếp công việc gia đình để đến bãi chiếu sớm nhằm tìm chỗ thuận lợi nhất khi xem phim. Cùng chung tâm trạng đó, anh Minh kể: “Bản thân tôi đã có hơn 30 năm theo nghề chiếu bóng. Ngày trước, điều kiện đi lại, phương tiện, máy móc tuy còn nhiều khó khăn nhưng những người làm nghề luôn thấy phấn khởi và tự hào vì đã góp thêm niềm vui cho cuộc sống của người dân. Anh em làm nghề chiếu bóng lúc đó rất được người dân nể trọng; còn bây giờ đi chiếu phim miễn phí cho bà con, chúng tôi cũng chỉ mong có đông khán giả, nhưng khó quá”.

Hiện nay, TTĐA tỉnh có 6 đội chiếu bóng lưu động nằm ở các địa phương. Theo ông Đinh Văn Láng - Trưởng phòng Nghiệp vụ TTĐA tỉnh: “Bây giờ, việc duy trì các đội chiếu bóng chủ yếu phục vụ cho công tác tuyên truyền. Với tần suất 264 buổi/năm, các đội chiếu bóng lưu động đã phần nào đóng góp cho sự phát triển văn hóa, xã hội ở các địa bàn”. Để hoạt động chiếu bóng mang lại hiệu quả, TTĐA tỉnh đã có sự chú trọng đến các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên luân chuyển nguồn phim để tạo tính mới lạ, hấp dẫn; đầu tư máy móc thiết bị… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động chiếu bóng đã không còn là loại hình giải trí được nhiều người ưa chuộng như trước. Vậy nên, mong muốn trở lại thời vàng son có lẽ vẫn là một giấc mơ dài.

NHÂN TÂM