08:08, 05/08/2011

Một tập sách về âm nhạc đầy ý nghĩa

Những năm gần đây, việc giảng dạy âm nhạc trong nhà trường đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo chú trọng.

Những năm gần đây, việc giảng dạy âm nhạc trong nhà trường đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo chú trọng. Từ đó, có nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp sư phạm âm nhạc nói chung, sư phạm thanh nhạc nói riêng ra đời, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo âm nhạc trên phạm vi toàn quốc. Tập sách Ứng dụng một số vấn đề trong cuốn phương pháp sư phạm thanh nhạc của Phó Giáo sư - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Trung Kiên vào giảng dạy thanh nhạc ở trường cao đẳng của Thạc sĩ - nhà giáo - nghệ sĩ thanh nhạc Lê Thị Minh Xuân, Phó Trưởng khoa Âm nhạc - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang là một trong số đó. Sự ra đời của tập sách đã góp phần nâng cao việc học và giảng dạy âm nhạc trong trường cao đẳng và các trường phổ thông. Theo nhận xét của Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Phúc Linh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam: “Tập sách này là một tài liệu quý giá trong công tác giảng dạy thanh nhạc tại các trường văn hóa - nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc”

Với hơn 100 trang viết, công trình này đã được Nhà xuất bản Âm nhạc đưa vào chương trình xuất bản trong quý II/2011. Ra mắt vào đầu năm học mới 2011 - 2012, đây là một tài liệu quý đối với giáo viên, học sinh trường cao đẳng và các thầy cô giảng dạy âm nhạc ở các trường phổ thông từ tiểu học đến trung học. Nội dung cuốn sách có đầy đủ các vấn đề về chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học, phương pháp sư phạm chuyên ngành mà mỗi cơ sở đào tạo thanh nhạc có thể vận dụng một cách linh hoạt. Tác giả đã đề cập tới các vấn đề: Các nguyên tắc sư phạm thanh nhạc với ý nghĩa là kim chỉ nam trong giảng dạy của giáo viên; phương pháp chuyên ngành theo trường phái belcanto; phương pháp dạy học theo hướng tích hợp nội dung dạy học; đa dạng hình thức tổ chức lớp học (cá nhân kết hợp với nhóm); sự quan tâm chia sẻ của giáo viên đối với học sinh, sinh viên được coi là môi trường tốt trong học tập của sinh viên và học sinh. Ngoài những chương mục chính, cuốn sách còn dành nhiều phụ bản và danh mục những bài hát của các nhạc sĩ nổi tiếng trong nước và thế giới, giúp cho giáo viên không phải mất công tìm kiếm trong công tác giảng dạy.

Thạc sĩ - nhà giáo - nghệ sĩ Lê Thị Minh Xuân, bút danh Châu Minh, sinh năm 1974 tại Thanh Hóa. Năm 1995, chị tốt nghiệp Khoa Sư phạm Âm nhạc Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương; năm 2003, tốt nghiệp Đại học Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiện chị là Phó Trưởng khoa Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài công tác giảng dạy, nghệ sĩ Minh Xuân còn tích cực tham gia các phong trào văn nghệ của địa phương. Với giọng hát trong trẻo đầy truyền cảm, chị có mặt trong các chương trình ca nhạc lớn của tỉnh; thu âm và giới thiệu nhiều ca khúc hay của các nhạc sĩ tiêu biểu trong tỉnh như: Tố Hải, Hình Phước Long, Hình Phước Liên, Đỗ Trí Dũng, Kiên Thanh, Ngọc Anh... Từ năm 2007 đến nay, nghệ sĩ Lê Thị Minh Xuân liên tục công bố các công trình khoa học về lĩnh vực giảng dạy âm nhạc có giá trị. Hiện nay, chị đang tiếp tục học tập, nghiên cứu để bảo vệ luận án tiến sĩ. Với lòng đam mê học tập và nghiên cứu, tin rằng Thạc sĩ, nhà giáo Lê Thị Minh Xuân còn tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực âm nhạc.

XUÂN TUYNH