10:08, 14/08/2011

Hồn tem trong những vần thơ

Sưu tập tem từ lâu đã trở thành thú chơi kỳ công của không ít người, nhưng chơi tem đến mức hiểu tem và đưa tem vào thơ như nhà sưu tập tem Hoàng Sĩ Huỳnh (trú đường Trương Định, Nha Trang) quả thật hiếm gặp. Mỗi con tem với những giá trị văn hóa, lịch sử, chính trị…

Sưu tập tem từ lâu đã trở thành thú chơi kỳ công của không ít người, nhưng chơi tem đến mức hiểu tem và đưa tem vào thơ như nhà sưu tập tem Hoàng Sĩ Huỳnh (trú đường Trương Định, Nha Trang) quả thật hiếm gặp. Mỗi con tem với những giá trị văn hóa, lịch sử, chính trị… càng trở nên bay bổng, ý nghĩa hơn khi được thổi hồn bằng những câu thơ đậm chất trữ tình.

Bìa sách “Con tem bưu chính đi vào lòng người”.

Trong thời đại thông tin kỹ thuật số, chỉ cần một thao tác nhấp chuột hay nhấn phím, chúng ta đã dễ dàng liên lạc với bạn bè, người thân nên vai trò của những lá thư, con tem ngày càng hạn hẹp. Qua một thời vàng son, sự hiện diện của những con tem bây giờ như một dấu lặng đầy hoài vọng. Chính vì vậy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp tập thơ, văn “Con tem bưu chính đi vào lòng người” của tác giả Hoàng Sĩ Huỳnh do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào tháng 5-2011. Nếu phần văn của tập sách thể hiện những tri thức của tác giả trong lĩnh vực sưu tập tem thì phần thơ chính là vẻ đẹp toát ra từ những nét vẽ, màu sắc, nội dung, ý nghĩa của những con tem giản dị.

Thật khó có thể hình dung được, với những con tem bình dị đang trong giai đoạn thoái trào lại trở thành một đề tài giàu chất trữ tình trong những vần thơ sâu lắng. Phải là người có niềm đam mê, với vốn hiểu biết sâu sắc về những con tem cùng một tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, tác giả Hoàng Sĩ Huỳnh mới có thể “chắp cánh” cho những con tem có được sức sống mới. Làm thơ về những con tem, tác giả Hoàng Sĩ Huỳnh có sự phóng tác theo những nội dung được thể hiện trên mặt tem; tuy nhiên, cái hay của ông là đã nắm bắt được thần thái, ý nghĩa của mỗi con tem, để từ đó kết hợp với vốn sống bản thân nói lên những vấn đề nhân sinh. Hơn 100 bài thơ thuộc các thể loại lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, tự do… đã làm nổi bật các chủ đề chính như: lịch sử Việt Nam, Bác Hồ, phong cảnh thiên nhiên, các loại hình nghệ thuật, 12 con giáp, tranh Đông Hồ… Đi kèm với mỗi bài thơ đều có hình ảnh của những con tem để góp phần minh họa cho bạn đọc rõ thêm.

 Trang sách với những bài thơ họa lại các con tem thể hiện hình ảnh Bác Hồ.

Từ những câu thơ viết về con tem mang hình bản đồ Việt Nam: Trống đồng cổ ôm trọn hình chữ S/Nền văn minh sáng lạn tự ngàn xưa/Tiếp nối Hùng Vương xây dựng cơ đồ/Thời đại Hồ Chí Minh càng rực xán” (bài Hình chữ S), đến bài Rồng Thăng Long: Triều Lý dời đô tới Đại La/Rồng bay rạng rỡ nước non nhà/Trái tim Tổ quốc luôn bền vững/Khí phách anh hùng một quốc gia” đã nói lên được lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, một quốc gia có nền văn minh, văn hiến và chiều sâu văn hóa riêng. Những con tem thể hiện hình ảnh Bác Hồ luôn để lại nguồn xúc cảm lớn lao đối với tác giả. Bằng sự trải nghiệm của bản thân, ông đã khắc họa nên những vần thơ cảm động về Bác: Tấm áo khoác nửa mình còn trống trải/Gió đông về Bác thấy lạnh nào đâu/Nước chưa thống nhất lòng Bác quặn đau/Từng trang sách soi lòng dân ước nguyện” (bài Bác Hồ đọc sách), hay như bài Hồ Chủ tịch quan sát trận địa: Chiến trường gian khổ Bác cùng đi/Nắm bắt tình hình kịp xét suy/Sáng suốt nâng cao tầm chiến lược/Vì dân phục vụ Bác hề chi…

Dí dỏm nhưng đầy tính triết lý, những bài thơ họa lại các con tem thể hiện 12 con giáp mang đến nhiều điều suy ngẫm cho độc giả. Phủi sạch chưa xong cái nợ đời/Ước mơ duyên nợ thật xa xôi/Xuân tình của báu đâu nguyên vẹn/Biết ngỏ cùng ai chuyện đã rồi” (bài Gà thiến sót), hoặc như Cặp sừng nhọn hoắt khéo ra oai/Xoạc cẳng húc nhau trổ hết tài/Ngôi báu đầu đàn giành giật quản/Chút tình “lục tặc” chẳng nhường ai” (bài Dê xồm). Bằng giọng thơ… tưng tửng đậm chất dân gian, tác giả đã mượn những con tem thể hiện các bức tranh Đông Hồ nổi tiếng như: Đám cưới chuột, Đánh ghen, Hứng dừa… để vui đùa: Em đừng kéo váy cao thêm/Kẻo anh ngã xuống nằm trên trái dừa/Gió lồng váy mỏng lưa thưa/Có gì hơn thế vui đùa tuổi xuân” (bài Hứng dừa); để nói chuyện đời, chuyện người: Chúc mừng duyên phận đã thành đôi/Họ chuột “ma ranh” nhớ luật đời/Mèo cản đường đi nhìn thấy cá/Rước dâu thịnh soạn vẫn xong xuôi” (Đám cưới chuột). Với những lũy tre làng, những cánh bướm, bông hồng trong tem đã đi vào thơ của tác giả Hoàng Sĩ Huỳnh một cách da diết, đầy hoài niệm: “Cây đa giếng nước lũy tre làng/Nhớ buổi trưa hè nắng chói chang/Kẽo kẹt võng đưa bà ru cháu/Tình quên hai tiếng mãi ngân vang” (Lũy tre làng).

Tập sách còn có những bài thơ viết về Trường Sa, Hoàng Sa, người lính, một số danh nhân… được thể hiện trong những con tem có cùng chủ đề. Với tình cảm, sự từng trải của một người có niềm đam mê sâu sắc đối với những con tem, tác giả Hoàng Sĩ Huỳnh đã “thổi hồn” vào những con tem để mang đến cho nó một sức sống mới.

GIANG ĐÌNH