07:08, 26/08/2011

Mờ nhạt và thiếu chuyên nghiệp

Khác với sự sôi động ở TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…, hoạt động của các phòng trà ca nhạc ở TP. Nha Trang tỏ ra thưa vắng.

Khác với sự sôi động ở TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…, hoạt động của các phòng trà ca nhạc (PTCN) ở TP. Nha Trang tỏ ra thưa vắng. Số lượng các PTCN không nhiều, lượng công chúng đến thưởng thức không quá đông, tiền thù lao thấp… chính là những nguyên nhân khiến môi trường âm nhạc phòng trà ở Nha Trang trở nên nhạt nhòa như chính tiếng hát của một số ca sĩ nơi đây.

Buồn - vui “nghiệp” ca sĩ phòng trà

Tôi gặp ca sĩ Phong Lan khi anh chưa hết nỗi ấm ức trước thái độ hờ hững của khán giả trong đêm biểu diễn. “Đến với PTCN là mọi người đến với môi trường thưởng thức văn hóa nghệ thuật, nhưng dường như rất nhiều người không biết điều đó nên thường có những hành động, lời nói không hay dành cho ca sĩ. Ca sĩ làm sao có thể hát hay, có thể diễn hết mình được nếu thiếu sự tôn trọng cần thiết của khán giả” - anh bày tỏ về nỗi niềm của người đi hát ở các PTCN. Đặc điểm của môi trường âm nhạc phòng trà là những ca khúc được hát ở đây thường thuộc dòng nhạc tự sự trữ tình như nhạc của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên… Đây là những ca khúc mà cái hay, nét đẹp của nó được bao trùm bằng cảm xúc của người hát nhiều hơn kỹ thuật thể hiện. Chính vì thế, chỉ cần một sự tác động nhỏ trái chiều của người nghe cũng dễ làm ca sĩ cụt hứng. Theo ca sĩ Phong Lan: “Chúng tôi đi hát phần nhiều để thỏa mãn tình yêu ca nhạc của bản thân và mong muốn được chia sẻ tình yêu đó với mọi người. Nhưng ngược lại, có nhiều người đến PTCN với thái độ rất thiếu văn hóa. Trước sự khiếm nhã của khán giả, với những ca sĩ nam, quá lắm cũng chỉ là nỗi uất ức; còn với các nữ ca sĩ, nhiều khi đó là điều không thể chịu đựng được. Tôi từng chứng kiến nhiều nữ đồng nghiệp phải ôm mặt khóc trước thái độ cợt nhã của khán giả”. Quả thực, với mức thù lao 32.500 đồng/ca khúc là cái giá quá bèo bọt đối với người làm nghệ thuật. Thế nhưng, những ca sĩ phòng trà vẫn không có sự tính toán, so đo; bởi đơn giản, họ hát là chỉ mong được tiếp xúc, truyền tải tình yêu âm nhạc đến với công chúng.

Một buổi biểu diễn ở phòng trà ca nhạc Phú Sĩ

Để có thể đứng trên sân khấu hàng đêm, nguồn động lực lớn đến với họ chính là từ khán giả. Thái độ thưởng thức âm nhạc đúng mực; một bông hoa được tặng đúng thời điểm; một cử chỉ thân ái của khán giả… cũng khiến cho trái tim của người ca sĩ phòng trà trở nên ấm hơn. Ca sĩ K.P tâm sự: “Nhiều khi, chúng tôi phải gạt bỏ, quên đi những điều không vui và nghĩ đến những chuyện vui để có thể tiếp tục hát ở phòng trà. Một kỷ niệm đẹp luôn được tôi lưu giữ bên mình chính là lần tôi được một khán giả lớn tuổi đứng chờ sau buổi diễn chỉ để nói rằng “cháu hát hay quá”. Có lẽ chúng tôi hát vì những người như thế”. Trước chuyện buồn, vui của những ca sĩ phòng trà, chúng tôi chợt nhớ đến lời bài hát Kiếp đời của nhạc sĩ Minh Kỳ: Khi trót mang duyên kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà đem tiếng hát cho mọi người bỏ tiền mua vui, hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không…

Thiếu môi trường chuyên nghiệp

Là người đã từng đi hát tại các PTCN ở Huế, TP. Hồ Chí Minh, ca sĩ Phong Lan nhận xét hoạt động ca nhạc ở các phòng trà tại Nha Trang không sôi động và cũng không sâu sắc như những nơi khác. Đây cũng là nhận định chung của rất nhiều người khi chứng kiến hoạt động của các PTCN ở phố biển. Trong khi nhiều ca sĩ phòng trà ở những địa phương khác hàng đêm phải thi nhau “chạy show” từ tụ điểm này qua tụ điểm khác để hát thì ở Nha Trang, các ca sĩ tỏ ra “nhàn” hơn khi mỗi đêm chỉ hát ở một điểm. Hiện nay, trên địa bàn Nha Trang, các tụ điểm PTCN có thể kể đến như: Hoa Giấy, Hòn Kiến, Violet, Phú Sĩ… Tuy nhiên, chỉ Phú Sĩ là địa điểm có thể tạm coi đủ “chuẩn” của một PTCN bởi không gian âm nhạc được bài trí hợp lý, có sân khấu biểu diễn thích hợp, dàn nhạc đáp ứng được yêu cầu, chương trình biểu diễn có sự chuẩn bị, tập luyện… Vậy nhưng, lượng khán giả đến với tụ điểm này cũng khá hạn chế, dù mỗi tuần, Phú Sĩ chỉ tổ chức biểu diễn 2 đêm. Các địa điểm khác tuy đông khách nhưng lại nằm trong tình trạng “tạp phí lù”, hoạt động không đúng nghĩa của một PTCN. Với một môi trường như vậy, lâu nay, hoạt động PTCN ở Nha Trang không thể trở thành một bước đệm, nơi các ca sĩ có thể trau dồi, rèn luyện giọng hát của mình để tìm kiếm cơ hội bước lên sân khấu lớn hoặc ra album là điều dễ hiểu. Người hát đến với các PTCN cũng chỉ hát cho vui, còn người đến nghe bởi những lý do khác nhiều hơn là vì âm nhạc.

Để hoạt động của các PTCN ở Nha Trang có thể sánh kịp với các địa phương khác, nên chăng cần có sự đầu tư kỹ lưỡng, chuyên nghiệp hơn, cùng với đó là một sự quan tâm của cơ quan chức năng. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh Nha Trang đang thiếu các địa điểm biểu diễn âm nhạc để phục người dân và du khách.

NHÂN TÂM