05:07, 10/07/2011

Khắc họa sâu sắc hình ảnh người nữ chiến sĩ Công an

Dựa vào tư liệu có thật của một số vụ án hình sự mà lực lượng Công an đã triệt phá trong 10 năm qua, vở kịch “Hoa thép” do Đoàn nghệ thuật Công an nhân dân dàn dựng và biểu diễn đã để nhiều ấn tượng đối với khán giả phố biển Nha Trang.

Dựa vào tư liệu có thật của một số vụ án hình sự mà lực lượng Công an đã triệt phá trong 10 năm qua, vở kịch “Hoa thép” do Đoàn nghệ thuật Công an nhân dân dàn dựng và biểu diễn đã để nhiều ấn tượng đối với khán giả phố biển Nha Trang. Hình ảnh người nữ chiến sĩ Công an được khắc họa một cách sâu sắc, giàu cảm xúc, giúp mọi người hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an vì sự bình yên của cuộc sống.

Tối 6-7, Hội trường Nhà Thiếu nhi tỉnh gần như không còn chỗ trống. Đến với đêm diễn, khán giả không chỉ được trực tiếp xem các nghệ sĩ nổi tiếng như: Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thế Bình, Thúy Hiền, Quốc Thắng, Hoàng Công, Nguyễn Hải… biểu diễn, mà còn được sống trong bầu không khí nghệ thuật để cùng nhau cảm nhận và thông cảm với nỗi hy sinh của người chiến sĩ Công an. Câu chuyện về người nữ chiến sĩ Công an nhân dân - những “bông hoa thép” được tác giả kịch bản - Đại tá Phan Gia Liên khéo léo chuyển tải đến người xem bằng những tình tiết, xung đột kịch đầy hấp dẫn. Dưới bàn tay của đạo diễn, NSƯT Khương Đức Thuận cùng cố vấn Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng đã mang đến cho người xem một tác phẩm nghệ thuật gần như hoàn hảo, thu hút được sự theo dõi của khán giả từ đầu đến cuối.

Cảnh mở màn trong vở kịch “Hoa thép”.

Câu chuyện đầy kịch tính ngay từ mở màn với những phút đối đầu căng thẳng giữa lực lượng Công an với tên cướp liều lĩnh đang bắt giữ con tin là cháu bé con của một gia đình người Nhật. Khi mọi việc tưởng đã bế tắc thì nữ Trung tá cảnh sát Kim Sen (nghệ sĩ Thúy Hiền đóng) xuất hiện. Bằng lòng dũng cảm, chị sẵn sàng bỏ súng để làm con tin thay cho em bé, nhưng chính lòng nhân ái của chị từ trước đó với đứa con của kẻ phạm tội đã giúp hóa giải được mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Mưu trí, dũng cảm, nhiệt tình trong hành động bằng việc phá hàng loạt vụ trọng án đầy phức tạp, thế nhưng Kim Sen lại có cuộc sống gia đình không yên ả. Trên đôi vai nhỏ của chị, gánh nặng gia đình luôn thường trực với sức ép gấp đôi, gấp ba những người phụ nữ khác. Chị làm mẹ của cậu con trai ham chơi vừa bước vào tuổi lớn (nghệ sĩ Chí Công); làm vợ của người chồng tài hoa mà lận đận nên sinh ra nát rượu, bất đắc chí (nghệ sĩ Nguyễn Hải); làm con của người mẹ già yếu bệnh tật (nghệ sĩ Ngọc Bích). Quên mình vì công việc, chị không có đủ thời gian để chăm sóc gia đình. Đến một mong ước bình thường của gia đình chị là bữa cơm có đầy đủ các thành viên và chị bứt ra khỏi những cuộc điện thoại báo án; vậy mà điều mong ước đó cũng trở thành xa xỉ.

Đằng sau vẻ ngoài cứng rắn, lúc nào cũng hết mình vì công việc của một Trung tá hình sự, Đội trưởng đội trọng án là một trái tim đàn bà mềm yếu, giàu xúc cảm, dễ mủi lòng trước chồng con, trước những số phận bất hạnh. Chị luôn vào trận phá án bằng chính con người thật của mình, luôn kiên định, sáng suốt, nhân ái và vị tha. Tuy không nhận được sự ủng hộ, thông cảm từ gia đình nhưng khi cái ác vẫn còn hiện hữu, gieo rắc bao tai họa đến với mọi người thì xã hội rất cần những người như Kim Sen. Để có được mỗi giờ khắc thanh bình cho nhân dân là biết bao sự chịu đựng thầm lặng của chị và đồng đội. Đối mặt với cái ác cũng có nghĩa chị đang nhận lấy sự tấn công đầy thâm độc của kẻ thù. Gia đình của chị đã trở thành mục tiêu để bọn tội phạm hướng tới nhằm bắt chị khuất phục. Cao trào của vở kịch diễn ra khi bọn tội phạm ma túy đã biến chồng, con chị thành con tin để buộc chị phải đánh đổi tang vật của một vụ án mà lượng ma túy tương đương với 10 án tử hình. Chị phải lựa chọn giữa một bên là chồng, con, tiền bạc, một bên là cái chết. Đau đớn, giằng xé, nhưng cuối cùng, chị đã khẳng định khí phách của mình - khí phách của một người chiến sĩ Công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Chị một mình vào hang ổ của bọn ma túy, quyết sống chết với chúng. Sự hy sinh cao cả của chị đã góp phần cùng đồng đội tiêu diệt bọn tội phạm. Quan trọng hơn, điều đó đã cứu con trai chị thoát khỏi con đường lầm lỗi, còn chồng chị đã thấu hiểu hơn công việc của vợ.

Trong điều kiện những vở diễn nói về người nữ Công an, đặc biệt là nữ Cảnh sát hình sự còn quá hiếm hoi thì sự xuất hiện của “Hoa thép” đã phần nào lột tả được sự nhọc nhằn, hy sinh ở cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của chiến sĩ Công an. Những “bông hoa thép” mãi đẹp, mãi sáng ngời để giữ gìn sự bình yên cuộc sống.

NHÂN TÂM