07:07, 24/07/2011

Nỗi niềm… vắng bóng độc giả

Trong điều kiện khó khăn của một huyện miền núi, việc duy trì hoạt động của thư viện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được xem là điểm quan trọng trong thiết chế văn hóa cơ sở.

Trong điều kiện khó khăn của một huyện miền núi, việc duy trì hoạt động của thư viện (TV) Khánh Sơn (Khánh Hòa) được xem là điểm quan trọng trong thiết chế văn hóa cơ sở. Bằng lòng nhiệt tình, những người làm công tác TV nơi đây đã cố gắng mang “tri thức nhân loại” đến với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng, trong bối cảnh văn hóa đọc đang bị lấn át bởi các loại hình thông tin, giải trí khác, những nỗ lực của họ vẫn không níu kéo được nhiều độc giả đến với TV.

Tọa lạc ngay trên trục đường chính của thị trấn Tô Hạp, TV Khánh Sơn mang dáng dấp một ngôi nhà dài của đồng bào Raglai. Trong không gian khoảng 100m2 được chia làm 2 khu vực: bên phải là những kệ sách, bên trái là chiếc bàn dài dành cho độc giả và một góc nhỏ kê bàn làm việc của thủ thư. Lúc chúng tôi đến khoảng 15 giờ, trong TV chỉ có 2 độc giả đang ngồi đọc báo. Một lát sau, có 2 chị em người dân tộc Raglai là Bo Bo Thị Phương và Bo Bo Thiên đến tìm sách về văn hóa Raglai. Cuối giờ chiều, có một độc giả vừa tốt nghiệp cấp 3 đến trả và mượn lại 2 cuốn truyện. Một buổi chiều, chỉ có chừng ấy độc giả đến với TV Khánh Sơn.

Hai chị em Bo Bo Thiên - những độc giả hiếm hoi của thư viện Khánh Sơn “mùa” vắng khách.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Bo Bo Thị Nguyên - nhân viên TV tỏ ra nhiệt tình: “Các anh cần thông tin gì tôi sẽ cung cấp. Tuy là TV cấp huyện nhưng vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ lắm”. Chị Nguyên cho biết, TV có khoảng hơn 10.000 đầu sách các loại gồm: sách phục vụ nông nghiệp, sách văn học, sách lịch sử, sách khoa học đời sống, sách lý luận chính trị, sách tham khảo dành cho học sinh… và 18 đầu báo hàng ngày. Tuy nhiên, do nhân viên TV chỉ có 1 người, cùng với số lượng kệ sách hạn chế nên việc sắp đặt không mấy quy củ. Hàng năm, TV được cấp 30 triệu đồng để bổ sung từ 100 đến 200 đầu sách, đặt báo, mua kệ sách. Chính vì thế, nguồn sách chủ yếu vẫn do TV tỉnh cung cấp. Để thu hút độc giả, mỗi khi có sách mới, TV đều chủ động thông báo trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện, lập danh mục tên sách gửi về các trường học để độc giả biết. Với hoạt động của một TV mở, nên mọi người đều có quyền vào TV chọn sách đọc tại chỗ hoặc mang về nhà tùy theo nhu cầu. Đối với những độc giả ở các xã, TV đã tiến hành mang sách đến phục vụ tại 7 điểm bưu điện văn hóa xã ở 7 xã.

Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng lượng độc giả đến với TV ngày càng có chiều hướng giảm. 6 tháng đầu năm 2011, TV cấp mới 97 thẻ bạn đọc. Trong số 7 điểm bưu điện văn hóa xã được hình thành vào năm 2010, đến nay chỉ còn 3 điểm hoạt động. Lượng độc giả chính của TV là các em học sinh cũng giảm sút vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối tượng là công chức, viên chức trong huyện rất ít người đến TV mượn sách đọc; đặc biệt, độc giả là nông dân còn hiếm hơn.

Tìm hiểu nguyên nhân khiến TV Khánh Sơn thưa vắng độc giả, chúng tôi nhận thấy đầu tiên là thực trạng văn hóa đọc đang bị lấn át bởi các loại hình giải trí, thông tin khác. Chẳng hạn, những ngày Hè, rất ít trẻ em đến TV đọc sách, mượn sách nhưng lại có rất nhiều em có mặt tại một số quán Internet để chơi game. Người nông dân, sau khoảng thời gian lao động trên rẫy, họ tìm thú vui bằng các chương trình truyền hình, hay những cuộc nhậu. Công chức, viên chức Nhà nước cần xem gì, đọc gì thì lên mạng Internet tìm kiếm, chẳng mấy ai quan tâm đến sách. Một vấn đề khiến những người làm công tác TV ở Khánh Sơn trăn trở chính là việc TV chưa tạo được một lớp độc giả cố định. Độc giả đến với TV ở đây cũng theo mùa, nghĩa là có thời điểm đông, nhưng cũng có khi rất vắng. Những độc giả này chỉ đến TV khi họ cần một thông tin nào đó mà không thể tìm kiếm được ở nguồn nào khác. “Sắp tới, em phải dẫn một số thầy cô người nước ngoài lên tìm hiểu cuộc sống ở Khánh Sơn. Nên hôm nay, em đến TV để tìm đọc một số sách có các tư liệu liên quan đến văn hóa, tập quán của người Raglai để có thể giới thiệu với các thầy cô”, bạn Bo Bo Thiên - sinh viên năm 3 Đại học Quy Nhơn cho biết.

Qua tìm hiểu về hoạt động của TV ở Khánh Sơn, chúng tôi càng thấm thía nỗi buồn của những người làm công tác TV ở đây khi lòng nhiệt tình của họ không nhận được kết quả như mong đợi. “Giá như TV có được một bộ máy vi tính để việc nhập sách, mượn sách, trả sách, cấp thẻ bạn đọc không phải làm thủ công như hiện tại; giá như TV có nhiều đầu sách hơn, chủng loại sách phong phú hơn và giá như mọi người quan tâm nhiều hơn đến việc đọc sách thì công việc của chúng tôi có ý nghĩa biết bao”, chị Nguyên mong ước.

GIANG ĐÌNH