08:07, 07/07/2011

Công trình sưu tầm, nghiên cứu đặc sắc

Lâu nay, chúng ta chỉ biết đến nền văn hóa âm nhạc của dân tộc Raglai ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) qua bộ đàn đá được phát hiện năm 1979 trong thung lũng Tô Hạp, nơi cư trú của tộc người Raglai cổ.

Lâu nay, chúng ta chỉ biết đến nền văn hóa âm nhạc của dân tộc Raglai ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) qua bộ đàn đá được phát hiện năm 1979 trong thung lũng Tô Hạp, nơi cư trú của tộc người Raglai cổ. Bộ đàn này được các nhà khoa học xác định niên đại trên 3.000 năm. Đó là những cứ liệu có thể chứng minh dân tộc Raglai đã có một nền văn hóa âm nhạc từ rất sớm. Nền văn hóa ấy đã phát triển liên tục trong suốt chiều dài lịch sử với bao biến thiên của đời sống; trải qua đạn bom của những cuộc chiến tranh lâu dài nhưng nền văn hóa âm nhạc ấy của người Raglai vẫn giữ được một đời sống sinh hoạt truyền thống phong phú và có bản sắc riêng.

Để nhận biết rõ về nền văn hóa âm nhạc của dân tộc Raglai, hiểu sâu sắc giá trị của nền văn hóa âm nhạc ấy thì trước đây chưa có một nhà sưu tầm, nghiên cứu nào đi sâu sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu một cách bài bản, đầy đủ với công chúng. Vì vậy, sự ra đời của tập sách Nhạc đàn truyền thống của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa của Thạc sĩ Nguyễn Văn Hảo, giảng viên, Trưởng khoa Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang sẽ góp phần lớn lao vào việc sưu tầm, nghiên cứu, khai thác và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống của cha ông ta để lại.

Nhạc đàn truyền thống

Tập sách Nhạc đàn truyền thống của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa do Nhà xuất bản Âm Nhạc ấn hành quý II/2011. Sách dày ngót 200 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, có nhiều phụ bản ảnh, nhạc minh họa phong phú và hấp dẫn. Sách được tác giả chia thành 2 chương, trong mỗi chương có nhiều đề mục nhỏ. Chương I: Dân tộc Raglai ở Khánh Hòa và nhạc cụ truyền thống. Ở chương này tác giả giới thiệu khái quát về dân tộc Raglai; phân bố dân cư và môi trường tự nhiên; tổ chức xã hội truyền thống; văn học - nghệ thuật dân gian… Chương II: Đặc điểm nhạc đàn truyền thống của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa; hệ thống bài bản nhạc đàn; bài bản hòa tấu; những đặc điểm về âm nhạc… Đây là tập sách được tác giả bỏ ra nhiều công sức, dài ngày đi điền dã ở những buôn làng xa xôi, hẻo lánh ở vùng rừng núi Khánh Sơn để thâm nhập lấy tư liệu. Quá trình làm sách, tác giả đã được sự giúp đỡ của Phòng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Khánh Sơn, đặc biệt là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến - người đã đồng hành cùng tác giả trong việc sưu tầm và giúp tác giả dịch tiếng Raglai ra tiếng Kinh.

Nhạc đàn truyền thống của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa là tập sách không chỉ có giá trị cho các nhà hoạt động âm nhạc mà còn có giá trị với tất cả mọi người. Thông qua từng trang viết của tác giả, chúng ta hiểu sâu sắc vẻ đẹp tiềm ẩn của người Raglai, những con người nhìn bề ngoài lam lũ, vất vả nhưng bên trong chứa đựng bao điều bí ẩn.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hảo là nhà nghiên cứu âm nhạc còn rất trẻ. Anh sinh năm 1972, quê ở Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Nhạc viện Quốc gia, anh làm giảng viên, Trưởng khoa Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang. Qua quá trình tìm hiểu về nền văn hóa âm nhạc Raglai ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, và trong những chuyến đi thực tế sáng tác, âm nhạc của người Raglai đã chinh phục anh. Từ đó, anh quyết tâm dấn thân vào công việc sưu tầm, nghiên cứu biên soạn tập sách Nhạc đàn truyền thống của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa gửi tới bạn đọc gần xa. Anh còn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa. Ngoài công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc, anh còn sáng tác hợp xướng, ca khúc. Những tác phẩm tiêu biểu của anh đã công bố như: Hợp xướng Khát vọng tuổi hai mươi (lời: Hoàng Hà); ca khúc Chuyện xưa (lời Hoàng Hà). Tác phẩm này đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Tiếng hát giáo viên toàn quốc, ngành Giáo dục và Đào tạo lần thứ 3, năm 2011. Ngoài ra, anh còn là tác giả của nhiều ca khúc như: Chắp cánh tuổi thơ; Mùa xuân cho em; Trăng khuyết; Bác Hồ của bé…

XUÂN TUYNH