02:07, 29/07/2011

Niềm tự hào của Việt Nam

Sự kiện thể thao đáng chú ý trong những ngày qua không phải là việc đội tuyển bóng đá Việt Nam gặp Quatar trong trận lượt về ở Mỹ Đình mà chính là việc kỳ thủ Lê Quang Liêm đang bất bại ở Giải siêu đại kiện tướng quốc tế diễn ra tại Dormund, Đức…

Sự kiện thể thao đáng chú ý trong những ngày qua không phải là việc đội tuyển bóng đá Việt Nam gặp Quatar trong trận lượt về ở Mỹ Đình mà chính là việc kỳ thủ Lê Quang Liêm đang bất bại ở Giải siêu đại kiện tướng quốc tế diễn ra tại Dormund, Đức… Sự kiện một kỳ thủ Việt Nam bất bại cho đến giờ này trong một giải đấu gồm toàn những đại kiện tướng lừng danh thế giới đã làm cả nước Việt Nam tự hào…

Để có thể tham dự giải, các kỳ thủ khách mời phải có hệ số Elo đạt chuẩn đại kiện tướng (trên 2700) và phải vô địch ít nhất một giải quan trọng của FIDE (Liên đoàn Cờ vua thế giới) tổ chức trong năm. Thành phần dự giải năm nay gồm 3 kỳ thủ bắt buộc phải mời là Kramnik (Nga, xếp hạng 5 thế giới - TG - với hệ số Elo: 2781, anh từng 9 lần vô địch giải), đương kim vô địch (ĐKVĐ) Ponomariov (Ucraina, xếp hạng 10 TG, hệ số elo: 2764) và ĐKVĐ Aeroflot Lê Quang Liêm (xếp hạng 27 TG với elo: 2715). Về 3 suất còn lại gồm chuyên gia cờ nhanh Nakamura (Mỹ gốc Nhật) - hạng 6 TG, ĐKVĐ giải siêu đại kiện tướng Wijk Aan Zee; kỳ thủ trẻ Anish Giri (Hà Lan) xếp hạng số 1 U18 TG vừa vượt mốc 2700, xếp hạng 40 TG. Về phía nước chủ nhà, kỳ thủ quen thuộc của giải này từ năm 2003 - Arkadij Naiditsch (hạng 37 TG) - đã được thay thế bởi Georg Meier (xếp hạng 90 TG, Elo: 2656).

Thực ra, đây là lần thứ 2 Liêm được mời dự giải siêu đại kiện tướng này. Ở lần trước, sau khi bất ngờ vô địch giải Aeroflot mở rộng (một giải mở rộng mạnh nhất thế giới) năm 2010, Liêm được mời và tuy không được đánh giá cao (lúc đó Liêm chưa đạt chuẩn đại kiện tướng) nhưng anh đã xuất sắc thủ hòa Kramnik (cựu vô địch TG) 2 ván và thắng Ponomariov (kỳ thủ sau này lên ngôi vô địch) ở lượt đi và hòa ở lượt về. Tuy nhiên trong suốt giải đấu, Liêm đã để thua 1 ván và để hòa quá nhiều nên không đoạt chức vô địch mà chỉ đứng nhì, nhưng đó cũng là thành tích cực kỳ xuất sắc.

 

Ở giải Aeroflot mở rộng năm 2011, các kỳ thủ đều tập trung hạ Liêm (ĐKVĐ) nhưng anh vẫn xuất sắc bảo vệ chức vô địch (anh là kỳ thủ đầu tiên bảo vệ được chức vô địch ở giải Aeroflot mở rộng). Sau đó, với thành công ở Giải cờ vua Tưởng niệm Capablanca tổ chức tại Cuba (thuộc giải cờ mạnh có hệ số Elo trung bình rất cao: 2712), Liêm kết thúc 10 ván đấu với 6,5 điểm, giành ngôi á quân dù bằng điểm với nhà vô địch. Elo của Liêm vượt qua mức 2700 và trở thành kỳ thủ trẻ số 1 TG.

Đến với giải lần này, Liêm đã có vị thế khác hẳn. Anh đã trở thành đại kiện tướng quốc tế, xếp hạng số 1 U20 TG. Qua các trận đấu với các kỳ thủ, có thể thấy Liêm đã có sự thay đổi rất lớn, anh có lối đánh trầm tĩnh hơn nhiều, thực sự có phong cách của một đại kiện tướng chuyên nghiệp. Anh không nôn nóng phải thắng, chơi cực kỳ kín kẽ nhưng nếu đối phương nôn nóng hay chơi non nước sẽ dính đòn của Liêm. Chẳng hạn trong trận gặp Nakamura, người từng hạ Liêm tại vòng bán kết Giải cờ vua nhanh quốc tế Cap d’Agde lần 9 vừa rồi, anh đã đi cờ hết sức kín kẽ, đến nỗi kỳ thủ đứng thứ 6 TG dù rất muốn hạ Liêm cũng đành bắt tay hòa. Hoặc trong trận gặp ĐKVĐ Ponomarinov, có hệ số elo cao hơn Liêm rất nhiều, khi thấy đối phương nôn nóng dàn trận tấn công, ngay lập tức, Liêm đã triển khai lối chơi đôi công chứ không hề co về phòng thủ và khi đối phương mắc sai lầm, anh đã nhanh chóng tận dụng ưu thế để giành chiến thắng. Hoặc trong trận gặp Kramnik, tuy đối thủ rất mạnh nhưng Liêm vẫn rất điềm tĩnh và đã ép đối phương phải cầu hòa vì đi non nước.

Cho đến giờ, ngoài việc tay cờ Nga đứng thứ 5 TG Kramnik đang thể hiện sự vượt trội thì chỉ còn mình Liêm bất bại. Tuy nhiên khoảng cách 1,5 điểm với người xếp trên rất lớn nên khả năng Liêm lật ngược thế cờ là rất khó. Trong những trận tới, chỉ cần Liêm chơi chắc và tận dụng tốt cơ hội (anh còn 3 ván cầm quân trắng) để duy trì tốt vị trí như hiện có cũng đã là thành tích xuất sắc.

Trong cờ vua, nếu chỉ nhìn kết quả sẽ khó đánh giá toàn diện bởi nhiều khi thắng bại một ván cờ quyết định từ việc chuẩn bị từ trước chứ không thể chỉ nhờ vào khả năng của kỳ thủ là đủ. Đối thủ đi trước, đi sau, có sở trường thế trận gì, khả năng khai cuộc, trung cuộc, tàn cuộc ra sao… đều phải nghiên cứu hết. Đó là việc của kỳ thủ nhưng cũng nhờ vào Huấn luyện viên (HLV) rất nhiều. Hiện nay, Evgeny Bareev, từng là một cựu danh thủ cờ vua nổi tiếng và từng làm việc với Kramnik khi anh đoạt chức vô địch TG, đang làm HLV cho Liêm. Tuy nhiên để tiến xa hơn, có lẽ Liêm cần được đầu tư nhiều hơn nữa để có thể mời nhiều chuyên gia đẳng cấp huấn luyện cũng như cung cấp những kiến thức hoàn toàn khác biệt. Khi Liêm đã đạt được đẳng cấp đại kiện tướng, đối thủ của anh sẽ ở đẳng cấp hoàn toàn khác và nếu không rèn luyện, cọ xát thường xuyên thì chắc chắn khả năng sẽ bị sụt giảm. Hy vọng những năm tiếp theo, Lê Quang Liêm sẽ tiếp tục làm rạng danh cho làng cờ Việt Nam.

LÊ MINH