06:07, 13/07/2011

Vun đắp tình yêu di sản cho thế hệ trẻ

Bằng những mẩu chuyện, những câu hỏi chứa đựng kiến thức về các di sản văn hóa của địa phương và toàn quốc, Hội thi Tìm hiểu di sản văn hóa là một hoạt động đầy ý nghĩa trong việc truyền thụ tình yêu, trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị di sản đến thế hệ trẻ.

Bằng những mẩu chuyện, những câu hỏi chứa đựng kiến thức về các di sản văn hóa (DSVH) của địa phương và toàn quốc, Hội thi Tìm hiểu DSVH là một hoạt động đầy ý nghĩa trong việc truyền thụ tình yêu, trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị di sản đến thế hệ trẻ.

Sau nhiều lần tổ chức ở các địa phương như: TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm…, hành trình của Hội thi Tìm hiểu DSVH đã đến huyện miền núi Khánh Sơn. Sáng 12-7, Nhà Thi đấu huyện Khánh Sơn trở nên náo nhiệt với sự xuất hiện của hàng trăm học sinh đến từ các xã: Ba Cụm Bắc, Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp để tham dự Hội thi Tìm hiểu DSVH do Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức. 3 đội tham gia hội thi gồm: A Lâu (xã Ba Cụm Bắc), Tiếp bước (thị trấn Tô Hạp), Nguồn cội (xã Sơn Trung). Các đội trải qua 5 phần thi, gồm: Chào hỏi; tìm hiểu di sản thế giới tại Việt Nam; tìm hiểu di tích - danh thắng ở Khánh Hòa; Luật DSVH; tìm hiểu di - danh thắng tại địa phương; tập làm hướng dẫn viên du lịch.

Màn thi chào hỏi của đội A Lâu (xã Ba Cụm Bắc)
Mở đầu hội thi, đội A Lâu đã mang đến cho khán giả một không gian huyền sử về sự ra đời của 4 dòng họ trong tộc người Raglai, thể hiện cho tình đoàn kết, gắn bó một nhà của những người con Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Tiếp nối không gian huyền thoại đó, đội Nguồn cội đã kể câu chuyện đầy cảm động về sự tích của đàn đá Khánh Sơn. Mang màu sắc đương đại, màn chào hỏi của đội Tiếp bước làm nổi bật những trăn trở của các bạn trẻ trước trách nhiệm bảo vệ DSVH.

Ở phần thi tìm hiểu DSVH thế giới tại Việt Nam, với 5 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm, 3 đội thi cùng đông đảo khán giả đã có dịp tìm hiểu kỹ hơn về các di sản như: Văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám; Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; vịnh Hạ Long; thánh địa Mỹ Sơn; chùa Cầu (Hội An)… Phần thi di tích cấp quốc gia ở Khánh Hòa và Luật DSVH là dịp để các đoàn viên, thanh niên hiểu thêm về các di sản cấp quốc gia ở TP. Nha Trang; về di tích Tháp Bà Ponagar; di tích khu lưu niệm bác sĩ A.Yersin; Phủ đường Ninh Hòa… Tại hội thi, các khán giả không chỉ theo dõi mà còn có dịp trực tiếp thể hiện kiến thức của mình đối với các di sản như: Bia Võ Cạnh, các vịnh đẹp ở Khánh Hòa; các loại hình DSVH.

Cái hay của hội thi ở chỗ đây không chỉ là dịp để các bạn trẻ tìm hiểu, thể hiện sự hiểu biết của mình về DSVH vật thể, phi vật thể nổi tiếng của Khánh Hòa và Việt Nam, mà còn giúp các bạn trẻ biết thêm nhiều điều mới lạ về chính các DSVH trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Đó là: căn cứ địa cách mạng Tô Hạp, danh lam thắng cảnh thác Tà Gụ; di chỉ khảo cổ học Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) với hiện vật tiêu biểu là bộ đàn đá; phong tục chôn cất người chết của người Raglai; các làn điệu sử thi Raglai… Hiểu và biết về các di tích, danh thắng cũng là điều kiện cần thiết để các bạn trẻ có thể giới thiệu, quảng bá về các di sản đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh. Đây chính là một sự thể hiện sinh động cho việc phát huy giá trị di sản vào đời sống cộng đồng. Bởi lẽ, thế hệ trẻ hiểu và biết giới thiệu đến nhiều người về những di sản là đã góp phần để di sản được sống mãi trong lòng người dân. Ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Hội thi là hoạt động nhằm tuyên truyền đến người dân ý nghĩa, tầm quan trọng của các DSVH trong cuộc sống hôm nay. Qua đây, chúng tôi mong muốn các em học sinh, các bạn đoàn viên, thanh niên sẽ hiểu biết thêm về di tích, di sản để cùng nhau gìn giữ và phát huy các giá trị di sản trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội”.

Kết thúc hội thi, đội Nguồn cội đã đoạt giải nhất. Tuy nhiên, với một hội thi mang tính tuyên truyền, giáo dục là chính thì việc ai đoạt giải chỉ mang tính tương đối. Điều quan trọng hơn đó là sự chiến thắng của tất cả mọi người khi nhận thức về di sản được nâng cao hơn như lời bạn Cao Hiền (xã Sơn Trung): “Qua theo dõi hội thi, tôi đã hiểu hơn về ý nghĩa của di sản và trách nhiệm bảo vệ di sản như thế nào. Với trách nhiệm của đoàn viên, tôi mong muốn mình sẽ có những việc làm thiết thực đối với các di sản trên địa bàn huyện Khánh Sơn và tỉnh Khánh Hòa”. Đây cũng là thông điệp mà hội thi muốn gửi tới các bạn trẻ trong việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của cha ông để lại”.

NHÂN TÂM