11:07, 20/07/2011

Cần sự bứt phá mới

Với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên gạo cội đầy tài năng, tâm huyết kết hợp với lớp diễn viên trẻ có niềm đam mê, loại hình nghệ thuật truyền thống ở Khánh Hòa có đủ khả năng để làm nên nhiều điều trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống.

Với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên gạo cội đầy tài năng, tâm huyết kết hợp với lớp diễn viên trẻ có niềm đam mê, loại hình nghệ thuật truyền thống (NTTT) ở Khánh Hòa có đủ khả năng để làm nên nhiều điều trong việc gìn giữ và phát huy NTTT. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, đời sống của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên NTTT đang bó hẹp trong một phạm vi nhất định theo kiểu “an phận thủ thường”.

Trong những lần trao đổi với một số người tâm huyết với NTTT, chúng tôi đều nhận thấy ở họ một nỗi niềm canh cánh với tương lai của các loại hình NTTT như tuồng, dân ca. Nhiều năm qua, tuy lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đầu tư để duy trì hoạt động của loại hình nghệ thuật này nhưng xem ra vẫn không đủ để nuôi dưỡng và phát triển NTTT. Nếu nhìn vào kết quả hoạt động của Nhà hát NTTT tỉnh (đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc gìn giữ và phát huy giá trị NTTT) trong 6 tháng qua, có thể dễ dàng nhận thấy sự cố gắng khắc phục hoàn cảnh “đìu hiu chợ chiều” của NTTT để mang đến công chúng những cái hay, cái đẹp, sự tinh tế của loại hình nghệ thuật này. Ngay từ đầu năm, trong đợt phục vụ tuần lễ mừng Đảng, mừng Xuân, Đoàn Nghệ thuật tuồng đã hoàn thành việc phục hồi 2 vở tuồng cổ Tam hạ Nam Đường và Chung Vô Diệm; Đoàn Dân ca phục hồi 2 vở dân ca “Thoại Khanh - Châu Tuấn” và “Nỗi đau tình mẹ”… Tham gia Liên hoan sân khấu bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc đạt 4 Huy chương Vàng (HCV), 6 Huy chương Bạc (HCB) và 1 giải xuất sắc cho dàn nhạc; đạt 2 HCV, 3 HCB và 1 giải xuất sắc cho dàn nhạc tại Liên hoan sân khấu tuồng truyền thống chuyên nghiệp toàn quốc… Tại Festival Biển 2011, Nhà hát tham gia một số nội dung quan trọng trong lễ khai mạc và phục dựng lễ hội cầu ngư… Tổng số buổi biểu diễn là 67 buổi (đạt 67% kế hoạch năm)… Những thành tích đó là cơ sở để 2 lần Nhà hát NTTT được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen cho tập thể cán bộ, diễn viên của nhà hát.

 Việc phục dựng lễ hội cầu ngư đã mang đến màu sắc mới cho nghệ thuật truyền thống.
Điều khiến những người yêu mến NTTT trở nên ưu tư chính là sự tồn tại của loại hình này trong đời sống văn hóa nghệ thuật hôm nay. NTTT Khánh Hòa với dân ca kịch bài chòi, nghệ thuật tuồng được sinh ra và lớn lên từ chính đời sống của nhân dân. Nhưng hiện thời, khi “đất diễn” của NTTT ngày càng bị thu hẹp, hoạt động của NTTT chỉ mang tính chất “ăn đong” theo chỉ tiêu đề ra thì NTTT trở nên thiếu sức sống, không còn hấp dẫn đối với công chúng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, cả khách quan lẫn chủ quan. Và những nguyên nhân đó cũng đã nhiều lần được đưa ra mổ xẻ, nhưng tại sao vẫn chưa thể tháo gỡ? Phải chăng, do chúng ta còn thiếu sự nhạy bén, năng động trong việc làm mới NTTT.

Khi lượng thời gian thưởng thức nghệ thuật ngày càng trở nên eo hẹp, nên chăng NTTT cần có sự điều chỉnh, rút gọn các lớp lang cho phù hợp? Cách làm này đã được Nhà hát NTTT áp dụng cho một số vở diễn gần đây như Chung Vô Diệm, Thoại Khanh - Châu Tuấn hay việc phục dựng lễ hội cầu ngư trong khuôn khổ Festival Biển. Cùng với sự thay đổi này, cần đưa NTTT đến với người dân nhiều hơn. Một nhận định được nhiều người đồng quan điểm đó là người dân hôm nay vẫn không quay lưng lại với NTTT, vấn đề là NTTT có đáp ứng được yêu cầu của công chúng hay không. Lấy ví dụ từ việc phục dựng lễ hội cầu ngư, hay sự tham gia của các nghệ sĩ NTTT trong lễ khai mạc Festival Biển 2011. Những hoạt động này luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân. Hàng năm, vào mùa lễ hội, rất nhiều địa phương tổ chức lễ cúng lăng, cúng đình, và đó là môi trường tốt của NTTT. Theo dõi những đêm diễn đó, khán giả tỏ ra thích thú với sự thể hiện sinh động và ý nghĩa của NTTT. Phổ biến NTTT dưới dạng thức, cách làm mới mang tính đương đại sẽ là hướng đi mở - và điều đó đã đánh dấu sự thành công ở các loại hình như ca trù, hát xẩm… tại Thủ đô Hà Nội. Con số 100 đêm diễn/năm là tần suất khá dày của Nhà hát NTTT. Nhưng thực tế, điều đó chưa làm hài lòng những người làm NTTT. Bởi rất nhiều đêm diễn, lượng khán giả đến xem rất ít. Vậy nên, một tình yêu với nghề, sự nhạy bén với tư duy bứt phá có thể sẽ làm nên được những điều gì đó có ý nghĩa cho dân ca kịch bài chòi và nghệ thuật tuồng của tỉnh!

GIANG ĐÌNH