01:07, 15/07/2011

Bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu Top 10 châu Á

Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 đặt ra mục tiêu Việt Nam nằm trong Top 10 đội tuyển mạnh nhất châu Á.

Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 đặt ra mục tiêu Việt Nam nằm trong Top 10 đội tuyển mạnh nhất châu Á.

 

Cầu thủ đội tuyển quốc gia có lương tháng

 

Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất là phấn đấu đưa Việt Nam vào Top 10 của bóng đá châu Á. Đây là mục tiêu chiến lược với những bước đi cụ thể và có tính đột phá nhằm nâng tầm bóng đá được VFF đặt ra trong dự thảo Chiến lược phát triển bóng đá VN giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu cụ thể là đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và U23 vô địch Đông Nam Á thêm 2-3 lần (sau chức vô địch AFF Cup lần đầu tiên vào năm 2008), vào tốp 10-12 châu Á (ĐTQG nam) và tốp 6-7 châu Á (ĐTQG nữ).

 

Để cụ thể hóa mục tiêu này, các phương án kí hợp đồng, làm việc với huấn luyện viên (HLV) trưởng ĐTQG có nhiều thay đổi về chiến lược. Cụ thể HLV nội sẽ kí hợp đồng tối thiểu 2 năm. Lương cao gấp 1,5 hoặc 2 lần so với lương cao nhất của 1 HLV ở câu lạc bộ được hưởng vào thời điểm được bổ nhiệm. HLV nội sẽ kí hợp đồng với VFF và làm việc chuyên trách tại ĐTQG, không kiêm nhiệm.

HLV trưởng người nước ngoài sẽ kí hợp đồng tối thiểu là 3 năm nhằm đảm bảo việc xây dựng, phát triển ĐT theo định hướng và tạo phong cách, lối chơi lâu dài. Lương cho các trợ lý HLV trưởng ĐTQG sẽ bằng 1/2 lương HLV trưởng ở thời điểm ĐT tập trung và có phụ cấp khi đội tuyển không tập trung.

 

Một điểm mang tính đột phá khác là cầu thủ được triệu tập vào ĐTQG được sẽ được hưởng lương ở mức khoảng 15 triệu đồng/tháng (khi tập trung) và 6 triệu đồng/tháng (khi ở câu lạc bộ). Các cầu thủ đội tuyển Olympic hay U23 sẽ nhận mức lương là 10 triệu đồng khi tập trung và 4 triệu đồng khi đội tuyển không tập trung.

 

Việc cầu thủ ĐTQG được nhận lương là điểm tích cực, có lợi cho cầu thủ, tuy nhiên cũng rất dễ gây tranh cãi, bởi 2 ĐTQG mỗi năm có tới gần trăm cầu thủ được gọi, ai sẽ được “lương” và ai không. Chẳng hạn như trường hợp trung vệ Như Thành thường xuyên được gọi tập trung nhưng thời gian này không còn được gọi thì liệu có còn được tính khoản “lương không tập trung” hàng tháng hay không?  

 

Việt Nam sẽ có cá cược bóng đá hợp pháp

 

Trong bản dự thảo phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 cũng có những nội dung liên quan đến đề án cá cược bóng đá, xổ số bóng đá, một vấn đề nóng, nhạy cảm nhưng rất được quan tâm. Số tiền thất thoát từ các hoạt động cá cược thể thao, cá cược bóng đá ở Việt Nam, số tiền “chảy” ra nước ngoài hàng tuần, hàng tháng và cả năm có lẽ là một con số mà chẳng ai ước tính nổi cụ thể, chỉ biết rằng con số đó sẽ lớn đến cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.

 

Cá cược thể thao, bóng đá hợp pháp ở Việt Nam đã được nói đến từ lâu nhưng cụ thể cách triển khai như thế nào, hành lang pháp lý ra sao vẫn còn là một điều “nằm trên giấy”. Trong Dự thảo phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 có nhắc đến vấn đề này, nhằm mục đích tạo nguồn thu lớn để tái đầu tư phát triển, nâng cấp nền bóng đá. Việc đưa cá cược bóng đá hợp pháp còn có tác dụng ngăn chặn và hạn chế tiêu cực, là một việc đã được rất nhiều nền bóng đá trên thế giới thực hiện.

 

Ở cấp câu lạc bộ, mục tiêu của bóng đá Việt Nam là xây dựng được các đội bóng có tính chuyên nghiệp cao, hoạt động độc lập và có thể tự hạch toán, có khả năng cạnh tranh tại các giải đấu cấp câu lạc bộ của châu Á. Tiếp tục nâng cao chất lượng giải VĐQG, đưa V-League trở thành giải đấu ngày càng chuyên nghiệp.

 

Tuy nhiên, từ Dự thảo đến thực tế, từ triển khai đến thành công còn là một chặng hành trình dài với vô số khó khăn, mà yếu tố đầu tiên là năng lực, sự năng động, quyết đoán và khoa học của những người điều hành bóng đá Việt Nam.

 

Theo Vnmedia