12:07, 31/07/2011

Vun đắp tình yêu nghệ thuật truyền thống

Với mục đích giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống đến thế hệ trẻ, cách đây 10 năm, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)...

Với mục đích giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống (NTTT) đến thế hệ trẻ, cách đây 10 năm, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thực hiện Dự án sân khấu học đường (SKHĐ) ở một số địa phương, trong đó có Khánh Hòa. Qua một thập niên, dự án đã tạo được dấu ấn trong việc vun đắp tình yêu NTTT đến lớp khán giả trẻ.

Những năm qua, chúng tôi đã nhiều lần có dịp chứng kiến các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát NTTT tỉnh đi biểu diễn, truyền dạy cho các em học sinh ở các trường phổ thông trung học và phổ thông cơ sở trên địa bàn TP. Nha Trang. Có trực tiếp nhìn thấy những ánh mắt, cử chỉ từ lạ lẫm, hời hợt đến say mê, yêu thích các trích đoạn tuồng, những làn điệu dân ca bài chòi của các em học sinh, chúng tôi mới thấy hết nỗ lực truyền thụ tình yêu NTTT vất vả đến nhường nào. Nỗi nhọc nhằn khi chỉ dẫn cho các em từng điệu nhạc, từng động tác cơ bản về sân khấu truyền thống được đền đáp bằng lòng quý trọng, tình cảm dành cho vốn tài sản của ông cha truyền lại chính là niềm vui của những người thực hiện dự án. Có em học sinh đã bộc bạch: “khi nghe nhà trường thông báo tham dự ngoại khóa SKHĐ, em đã có ý định rủ một số bạn trốn đi chơi. Nhưng sau khi xem các tiết mục, trích đoạn NTTT và được giao lưu với các cô, chú diễn viên, những suy nghĩ trước đây về NTTT trong em đã thay đổi. Em cảm thấy hiểu biết của mình về nghệ thuật còn quá ít. Thật có lỗi khi ngay trên quê hương mình có sân khấu tuồng, có kịch hát bài chòi mà em không biết”.

 Dự án sân khấu học đường được thực hiện ở Trường Trung học Phổ thông iShool Nha Trang.

Dự án SKHĐ được triển khai ở Khánh Hòa 2 lần. Lần thứ nhất vào năm 2001, với nội dung chủ yếu đi sâu vào hình thức biểu diễn và âm nhạc của nghệ thuật tuồng. Lần thứ 2 vào năm 2008, chú trọng vào dân ca bài chòi. Khi mới bắt tay vào thực hiện, những người phụ trách dự án đã gặp không ít khó khăn. Trong đó, khâu tổ chức thực hiện dự án như thế nào để đạt hiệu quả được xem như một bài toán nan giải. “Để triển khai dự án, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Văn hóa, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. Ban chủ nhiệm dự án thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện ở các trường”, ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết. Từ sự bàn bạc kỹ lưỡng, kết hợp với đi thực tế triển khai dự án, tập thể diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát NTTT tỉnh đã liên tục có sự điều chỉnh phương pháp truyền thụ, tìm những trích đoạn hấp dẫn, các làn điệu hay, từng màn vũ đạo đẹp mắt để hướng dẫn cho các em làm quen.

Từ những khó khăn ban đầu, đến nay dự án SKHĐ đã tạo được hiệu ứng tốt. Lãnh đạo các trường học đã có sự ủng hộ nhiệt tình. Nhiều trường đã phân công Tổng phụ trách Đội kết hợp với giáo viên chủ nhiệm cùng theo dõi quá trình tập luyện của học sinh. Nhiều bậc phụ huynh thể hiện sự đồng tình với dự án. Có những phụ huynh sau một thời gian xem con mình tập luyện cũng trở nên đam mê NTTT. Đặc biệt, với các em học sinh tham gia dự án, đó không chỉ là niềm vui, mà thực tế nhiều em đã bộc lộ năng khiếu của mình. Các em đón nhận “ngọn lửa” tình yêu NTTT từ các nghệ sĩ và lan tỏa tình yêu đó đến với các bạn đồng trang lứa. “Mỗi lần các em diễn báo cáo, tôi luôn có cảm giác như một ngày vui. Nhiều em còn mời cả người thân trong gia đình đến xem. Có em đã khóc trên sân khấu chỉ vì em quá xúc động nên hát sai nhạc”, ông Vũ Tiến Thêm tâm sự.

Hiện tại, dự án SKHĐ đang tiếp tục được triển khai. Theo kế hoạch, mỗi năm sẽ có khoảng 20 đến 30 buổi diễn ở các trường. Tuy nhiên, quy trình triển khai dự án vẫn chỉ mới dừng lại ở việc diễn và giới thiệu cái hay, nét đẹp của NTTT thông qua một số buổi ngoại khóa, hoặc dịp lễ hội ở các nhà trường, mà chưa trở thành một tiết học ngoại khóa thường xuyên. Việc liên hệ giao lưu, biểu diễn của Nhà hát vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt tâm của Ban giám hiệu các trường. Nên chăng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục - Đào tạo có sự phối hợp cụ thể hơn để đưa hoạt động SKHĐ trở thành một tiết học ngoại khóa cố định thường xuyên ở mỗi trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động xã hội hóa dự án để nâng tầm tác động tích cực cũng như nguồn kinh phí thực hiện dự án. Làm được những điều đó sẽ góp phần để NTTT sống mãi trong lòng công chúng.

NHÂN TÂM