03:06, 21/06/2011

Sức ép của một danh hiệu!

Đó là danh hiệu Grand Slam và là sức ép cần vươn tới của Andy Murray, tay vợt nước chủ nhà Anh tại giải quần vợt Wimbledon 2011 (khởi tranh từ tối 20-6).

Đó là danh hiệu Grand Slam và là sức ép cần vươn tới của Andy Murray, tay vợt nước chủ nhà Anh tại giải quần vợt Wimbledon 2011 (khởi tranh từ tối 20-6). Là tay vợt duy nhất trong “bộ tứ” chưa từng nếm trải vị ngọt của danh hiệu lớn này, nên mỗi lần tới giải Grand Slam là thêm một lần Murray phải thi đấu dưới những áp lực. Nhưng có lẽ, Wimbledon mới là giải đấu anh chịu nhiều sức ép nhất, đơn giản chỉ vì anh là niềm hy vọng của nước chủ nhà Anh.

Grand Slam là danh hiệu lớn mà các tay vợt hàng đầu thế giới đều muốn sở hữu để khẳng định đẳng cấp của mình. Nhưng không phải ai cũng thành công như Federer (giành 16 danh hiệu), Nadal (10 danh hiệu), hay chị em nhà William ở giải nữ, dù đã nỗ lực hết mình trong thời gian dài. Safina rồi Jankovic - cựu tay vợt nữ số 1 thế giới từng được mệnh danh là “Nữ hoàng không Grand Slam”. Hay tay vợt nữ người Đan Mạch Caroline Wozniacki cũng thế, tuy đang chiếm lĩnh vị trí số 1 thế giới hiện nay nhưng cô cũng chưa đăng quang tại sân chơi lớn này. Còn ở làng quần vợt nam, tay vợt số 4 thế giới Andy Murray là một trong số đó. Trong “bộ tứ” trên bảng xếp hạng gồm Nadal, Federer, Djokovic, thì chỉ Murray là vẫn còn miệt mài tìm kiếm danh hiệu Grand Slam đầu tiên cho mình. Là tay vợt được coi là chơi rất tốt ở các giải thuộc hệ thống Serie Masters nhưng điều đó là chưa đủ để Murray khẳng định được đẳng cấp cũng như sự chuyên nghiệp của mình khi thiếu danh hiệu Grand Slam trong bộ sưu tập. Điều đó cho thấy, giành được Grand Slam là rất vinh quang, nhưng đằng sau vinh quang đó là nột nhiệm vụ không hề đơn giản chút nào.

Không gì tuyệt vời hơn nếu Murray giải được "cơn khát" danh hiệu Grand Slam tại giải Wimbledon năm nay
Thật ra, Murray hoàn toàn có đủ khả năng làm điều đó và thực tế anh đã có nhiều cơ hội để biến giấc mơ thành hiện thực. Thế nhưng, theo dõi bước đường của Murray hơn 3 năm qua, lạ lùng là cứ đến những trận đấu đỉnh cao có tính chất quyết định trong khuôn khổ các giải Grand Slam với các tay vợt lớn là dường như anh đều bị “khớp”, mà người ta giải thích rằng là vì anh thiếu tự tin, vì anh không thể vượt qua sức ép của chính mình. Mùa giải năm nay, Murray chơi không thực sự tốt ở đầu mùa, dẫu vậy anh đã có bước cải thiện đáng kể (thể hiện ở sự linh hoạt trong những cú trái tay) ở giải Pháp mở rộng và sau đó là ở giải AEGON Championship cách đây hơn 1 tuần bằng chức vô địch. Trước thềm giải Wimbledon, anh đã tập luyện với cường độ và độ tập trung rất cao. Điều đó cho thấy Murray đã trưởng thành và thể hiện quyết tâm cao ở giải năm nay để kết thúc cuộc tìm kiếm danh hiệu ngay tại “lãnh địa” của mình của làng quần vợt Anh trong gần 75 năm qua. Lẽ dĩ nhiên, để làm được điều đó, Murray sẽ phải vượt qua một “tượng đài” ở Wimbledon là Federer, rồi nhà đương kim vô địch Nadal hay một thế lực đang nổi lên đáng sợ như Djokovic. Nhưng, với bước đệm rất tốt trước thềm giải năm nay, cộng với việc được thi đấu trên mặt sân cỏ, lại là đại diện chủ nhà, tôi - một người theo dõi những bước đi của Murray hơn 3 năm qua - tin rằng đây là cơ hội rất tốt để anh trở thành 1 huyền thoại của làng quần vợt Anh.

Về phần Murray, có lẽ anh cũng nhận thức rõ giành Grand Slam đầu tiên ngay tại đất Anh là một điều tuyệt vời. Anh sẽ được ghi tên mình vào bảng vinh danh cùng với các nhà vô địch vĩ đại như John Newcombe, Jimmy Connors, John McEnroe, Pete Sampras, Federer và Nadal. Đó là một động lực lớn cho anh tiếp tục làm việc chăm chỉ. Anh đã học được rất nhiều, đặc biệt trong một vài tháng qua, về các trận đấu của mình, về vị trí nơi anh đang đứng, và những gì anh cần phải làm để vượt qua Nadal, Federer, Djokovic trên bảng xếp hạng. Quyết tâm của Murray đã rõ, điều còn lại là anh có vượt qua được sức ép hay không trước khi làm nên điều khác biệt lớn tại quê nhà.

B.T