02:06, 26/06/2011

Chất lượng thí sinh được phân định rõ ràng

Không có thí sinh thật sự nổi trội, gây ấn tượng mạnh đối với khán giả, vòng chung khảo Liên hoan Giọng hát hay trên sóng Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa lần thứ VIII năm 2011 đã không làm khó Ban giám khảo trong việc lựa chọn những gương mặt vào đêm chung kết xếp hạng (tối 26-6).

Không có thí sinh (TS) thật sự nổi trội, gây ấn tượng mạnh đối với khán giả, vòng chung khảo Liên hoan Giọng hát hay trên sóng Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa lần thứ VIII năm 2011 đã không làm khó Ban giám khảo (BGK) trong việc lựa chọn những gương mặt vào đêm chung kết xếp hạng (tối 26-6). Với những gì đã thể hiện, giữa các TS đã có một sự phân định rõ ràng trong sân chơi này.

Từ 230 TS đăng ký tham gia vòng sơ khảo, BGK đã trao quyền đi tiếp cho 41 TS vào vòng chung khảo. Qua 3 đêm diễn (vào các ngày 22, 23, 24-6), các TS đã cùng nhau đua tài ở 3 dòng nhạc: Dân gian, thính phòng, nhạc nhẹ. Qua đó, BGK tiếp tục chọn ra 12 TS xuất sắc nhất cho đêm chung kết xếp hạng (mỗi dòng nhạc chọn 4 TS). Nhìn vào danh sách đăng ký thể loại nhạc dự thi, có thể thấy cuộc đua gay gắt nhất nằm ở dòng nhạc nhẹ với 21/41 TS đăng ký dự thi. Trong khi đó, dòng nhạc thính phòng có 8/41 TS và dòng nhạc dân gian có 13/41 TS. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thi diễn của các TS, khán giả dễ dàng nhận ra những gương mặt có thể giành vé đi đến đêm chung kết, bởi khả năng, trình độ của các TS có sự chênh nhau rất rõ.

Ở dòng nhạc thính phòng, nổi lên các TS: Trần Văn Nhứt, Lê Hữu Quốc, Đặng Văn Hiếu, Nguyễn Thị Thùy Trinh. Chàng sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch (VHNTDL) Trần Văn Nhứt đã thể hiện khá tốt 2 ca khúc Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang), Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn (Hoàng Hà) với giọng ca có hồn, âm vực rộng. Trong khi đó, “đồng môn” của Nhứt là Lê Hữu Quốc đã mạnh dạn chọn bài khó Trường Sơn hát (Lê Phùng), Tình ca (Hoàng Việt) cho phần thi của mình. Nếu ở Trường Sơn hát, khán giả thực sự cảm nhận được chất thính phòng với giọng ca trầm ấm, sự truyền cảm từ mỗi nốt nhạc được Hữu Quốc nhấn nhá rất tinh tế thì đến bài Tình ca, dường như Quốc đã đánh mất chính mình khi hát sai tông nhạc, những đoạn lên cao Quốc hát không khớp, còn những nốt thấp Quốc xuống không đến độ. Ở thể loại nhạc thính phòng, Đặng Văn Hiếu có lẽ là TS thể hiện được nhiều nhất. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Hiếu đang đầu quân cho Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Với 2 ca khúc Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến), Nơi ấy là Trường Sa (Xuân Nghĩa), Hiếu đã phô diễn được kỹ thuật hát thính phòng của mình. Tuy nhiên, người nghe vẫn cảm thấy thiếu ở Hiếu cái hồn trong mỗi lời ca để làm bật nổi lên cảm xúc của tác phẩm. Trong số các giọng ca nữ, Nguyễn Thị Thùy Trinh là người có giọng ca vang, trong. Ở phần thi của mình, cô đã tỏ ra khéo léo trong việc chọn bài. Nếu Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Thùy Trinh thể hiện một cách đầy ngẫu hứng, không có sự tiết chế trong kỹ thuật hát, thì đến bài Miền xa thẳm (Đức Thịnh) đầy chất thính phòng, Thùy Trinh đã phô diễn được hết kỹ thuật phức tạp nhất của dòng nhạc này. Những đoạn cao, quãng thấp được cô thể hiện đạt độ. Cùng với đó, cảm xúc của bài hát được Thùy Trinh thể hiện khá tốt. Ngoài những gương mặt trên, các TS còn lại đều không gây được ấn tượng đối với người nghe. Thậm chí, một số TS còn tỏ rõ sự non kém về kỹ thuật, chất giọng.

Phần thi của thí sinh Nguyễn Thị Thu Ngân ở dòng nhạc dân gian.

Phần thi thuộc dòng nhạc dân gian đã xuất hiện nhiều giọng ca ngọt ngào, truyền cảm nhưng kỹ thuật thanh nhạc còn tỏ ra non kém cần phải rèn giũa nhiều hơn. Nhiều TS đến với dòng nhạc này bắt chước cách thể hiện của những ca sĩ nổi tiếng Nguyễn Đình Hội với Bài ca trên núi (Tô Hoài - Nguyễn Văn Thương), Đá trông chồng (Lê Minh Sơn) đã nhận được sự đánh giá tốt từ khán giả. Cách hát có nghề, việc chọn bài phù hợp với chất giọng cùng với sự hỗ trợ tích cực của ban nhạc là những yếu tố giúp cho phần thi của Hội đạt được như mong đợi. Nguyễn Thị Vân, TS quê gốc Hà Tĩnh với chất giọng ngọt ngào qua các ca khúc: Câu đợi câu chờ (Ngọc Thịnh) và Đợi (Vũ Quần Phương - Huy Thục) đã làm rung động người nghe. Cái hay của Vân là đã thể hiện được sự đa dạng trong chất giọng dân ca của mình không bị trói buộc trong một dạng thức vùng miền nào. Điều đặc biệt, Vân đã cố gắng tìm tòi cách phối khí ở những đoạn cuối cho khác với những ca sĩ đã thể hiện thành công 2 ca khúc này, tuy nhiên, do kỹ thuật thanh nhạc còn yếu nên hiệu quả chưa đạt như mong đợi. Trong khi đó, biểu diễn 2 ca khúc mang âm hưởng dân gian hiện đại Đá trông chồng (Lê Minh Sơn), Son (Đức Nghĩa), cô sinh viên Trường Cao đẳng VHNTDL Nguyễn Thị Thu Ngân đã thể hiện được kỹ thuật cơ bản tốt với giọng hát cao.

Dòng nhạc nhẹ có sự tham gia của đông đảo TS, nhưng nhìn chung chất lượng các giọng ca không cao. Khán giả dễ thấy nhàm với cách hát na ná nhau hoặc cố bắt chước theo một ai đó. Chính điều này đã khiến cho việc “đãi cát tìm vàng” của BGK có chút trở ngại nhỏ. Trong đêm diễn đầu tiên (22-6), khán giả thích thú với phần thể hiện của TS Ngô Phùng Beclin qua Tiếng sóng (Dương Thụ), Mùa đông sẽ qua (Huy Tuấn). Với gương mặt đẹp, phong cách biểu diễn tự tin, giọng hát trong, Ngô Phùng Beclin đã phần nào chinh phục được người nghe. Với giọng ca ấm, truyền cảm, có nội tâm, khả năng tiết chế kỹ thuật thanh nhạc tốt, TS Nguyễn Hữu Anh Nguyên qua 2 ca khúc Khoảnh khắc (Trương Quý Hải), Con cò (Lưu Hà An) đã chiếm được cảm tình của khán giả. Điều còn thiếu ở Nguyên có lẽ là phong cách biểu diễn còn quá đơn giản, chưa chú trọng đầu tư về trang phục. Phần thể hiện của TS Nguyễn Trần Lưu Vân hội tụ được cả hai yếu tố hát và diễn. Giọng hát trong, vang của Lưu Vân thực sự bay bổng qua 2 ca khúc: Nắng có còn xuân (Đức Trí) và Sóng (Võ Thiện Thanh). Đặc biệt, Lưu Vân tỏ ra rất tự tin trong phong cách biểu diễn, cô hoàn toàn làm chủ sân khấu và thu hút được sự theo dõi của khán giả.

Sự phân cấp khá rõ giữa các TS chính là đặc điểm nổi bật của vòng chung khảo lần này. Hy vọng, đêm chung kết sẽ thực sự là một cuộc đua gay cấn giữa các TS trên đường đến ngôi vị quán quân của từng dòng nhạc.

GIANG ĐÌNH