Lâu lắm rồi, khán giả TP. Nha Trang mới lại được xem một cách nguyên vẹn vở dân ca kịch bài chòi Thoại Khanh Châu Tuấn.
Lâu lắm rồi, khán giả TP. Nha Trang mới lại được xem một cách nguyên vẹn vở dân ca kịch bài chòi Thoại Khanh Châu Tuấn. Sau nhiều năm, những dòng xúc cảm vẫn vẹn tròn trong lòng mỗi người, để đến bây giờ lại được khơi nguồn bằng chính những tình tiết, diễn biến của một trong những vở diễn kinh điển của sân khấu truyền thống Việt Nam.
Cách đây gần 20 năm, lần đầu tiên tôi xem vở diễn Thoại Khanh Châu Tuấn ở một sân khấu ngoài trời được dựng trên mô đất cao trong làng. Vào cái thời “đói văn hóa nghệ thuật” đó, dân làng tôi rất háo hức khi có đoàn văn công về biểu diễn. Tuy ngày ấy còn rất nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ rõ diễn biến của vở diễn. Nhắc lại chút kỷ niệm để thấy tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của vở diễn này đối với công chúng lớn như thế nào. Và quả thực, đến bây giờ, vở diễn vẫn có một sức hút mạnh mẽ đối với khán giả. Câu chuyện nhân nghĩa, thủy chung của vợ chồng Thoại Khanh - Châu Tuấn xưa tiếp tục lay động trái tim của người xem hôm nay.
Một cảnh trong vở Thoại Khanh Châu Tuấn vừa được đạo diễn Hoàng Minh Tâm phục dựng. |
Trong lần phục dựng này, mạch cảm xúc về câu chuyện giàu tính nhân văn trong tình cảm vợ chồng nhân nghĩa, son sắt, thủy chung của Thoại Khanh và Châu Tuấn vẫn được các nghệ sĩ, diễn viên duy trì. Qua diễn xuất rất nhập vai của các diễn viên: Bích Vương (vai Thoại Khanh), Ngọc Tâm (vai Châu Tuấn), Kim Lanh (vai Tuấn Mẫu), Nhật Lệ (vai Xích Phạm), Quang Huy (vai Tương Tử)… đã toát lên được cái hồn của vở diễn. Người xem đã thực sự được sống cùng những giây phút nghẹn ngào, khổ cực trên con đường tìm chồng, tìm con của hai mẹ con Thoại Khanh và Tuấn Mẫu; day dứt cùng tâm trạng hoài vọng cố hương, thân quyến của Châu Tuấn; căm phẫn trước thói dâm ô, bạc ác của những kẻ tiểu nhân học làm sang như Tương Tử và cảm mến trước hành động, nỗi xót xa của người bạn Xích Phạm… Những cung bậc cảm xúc của người xem tuy chưa thực sự được đẩy lên đến đỉnh điểm, nhưng ở một góc độ nào đó, khán giả đã được sống cùng diễn biến câu chuyện. Điều này cũng dễ hiểu, khi đây là vở diễn đã quá nổi tiếng và nó “đóng đinh” sự thành công của từng vai diễn vào nhiều thế hệ diễn viên trước đây như Lệ Thi, Hoàng Minh Tâm, Năm Hồng… “Cái khó của diễn viên hôm nay khi thực hiện những vai diễn này chính là họ chịu áp lực từ những cái bóng quá lớn của thế hệ trước để lại. Diễn thế nào để thể hiện bản thân, được khán giả chấp nhận chính là trăn trở của các diễn viên. Muốn làm được vậy, người diễn viên phải thật sự thấu hiểu kịch bản, nắm bắt được ý đồ của đạo diễn”, đạo diễn Hoàng Minh Tâm cho biết.
Bởi đây là vở diễn được phục dựng, nên so với nguyên bản có một số chi tiết nhỏ được thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh thực tại. Chẳng hạn, trong nguyên bản có cảnh Thoại Khanh cắt thịt ở cánh tay mình để cứu đói cho mẹ chồng trên đường lưu lạc giữa chốn rừng sâu, thì đến lần phục dựng này, cảnh trên đã được đạo diễn chủ động lược bỏ. Thay vào đó là lời tường thuật của Thoại Khanh với Xích Phạm để diễn tả sự việc. Có thể sự thay đổi này để đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của khán giả hôm nay, tuy nhiên, với rất nhiều người đã từng yêu mến vở Thoại Khanh Châu Tuấn thì chi tiết trên như một điểm nhấn thể hiện đạo làm dâu vẹn tròn chữ hiếu với mẹ chồng. So với nguyên bản, có vẻ như lần phục dựng này, phần ca (hát) để tạo yếu tố kịch đã được sử dụng nhiều hơn so với phần nói. Tuy nhiên, khán giả ít được chứng kiến sự đối đáp, vần vè vốn là một thế mạnh của sân khấu truyền thống. Đây là vở diễn với những vai diễn lớn và rất nhiều đất diễn đối với diễn viên. Nếu người diễn thực sự nhập tâm và sáng tạo thì có thể sẽ tạo nên được những thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, vở diễn cần khắc phục một số tiểu tiết trong phục trang, đạo cụ, diễn xuất để được hoàn thiện hơn.
Với lần phục dựng này, vở Thoại Khanh Châu Tuấn lại làm sống dậy những cảm xúc vốn có của khán giả. Đây có thể xem là thành công ban đầu của vở diễn.
NHÂN TÂM