08:04, 05/04/2011

Bài 3: Đặc trưng nghệ thuật trình diễn bài chòi ở Khánh Hòa

Xuất phát từ lao động, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân sau những giờ làm việc vất vả trên nương rẫy, nghệ thuật trình diễn bài chòi đã có những bước phát triển mạnh mẽ và trở thành một loại hình trên sân khấu biểu diễn.

Xuất phát từ lao động, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân sau những giờ làm việc vất vả trên nương rẫy, nghệ thuật trình diễn bài chòi đã có những bước phát triển mạnh mẽ và trở thành một loại hình trên sân khấu biểu diễn. Từ lâu, người dân Khánh Hòa đã có niềm đam mê với nghệ thuật bài chòi và cũng chính họ đã tạo nên nét đặc trưng của bài chòi trên mảnh đất xứ Trầm Hương.

° Bước phát triển của nghệ thuật bài chòi

Dải đất Nam Trung bộ được hình thành trong quá trình cha ông mở đất về phương Nam, đặc biệt là thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng được lệnh vào Nam khai hoang mở cõi. Đặc điểm địa hình nơi đây ít đồng bằng, chủ yếu là núi đồi, biển đảo. Điều kiện sản xuất chính của người dân là nương rẫy, nên thường có những chòi canh rẫy. Để giải trí sau khoảng thời gian lao động vất vả, người dân thường hô bài với nhau trên những chiếc chòi. Từ đó hình thành trò chơi bài chòi. Dần dần, trò chơi này được người dân tổ chức ở làng vào các ngày lễ, Tết, chuyển từ một trò chơi phục vụ lao động sang trò chơi mang tính hưởng thụ. Đây là bước tiến vô cùng quan trọng của bài chòi. Từ những hoạt động hát hô bài trên các chòi, người dân đã lấy những làn điệu bài chòi để kể lại những tích truyện dân gian như Lâm Sanh Xuân Nương, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn… Nếu bài chòi là hô bài trên chòi, thì khi kể chuyện, họ lại rải chữ dưới đất và gọi nó là bài chòi trải chiếu. Từ đây hình thành nên hai mảng rõ ràng: bài chòi chơi chòi và bài chòi kể chuyện. Đến đầu thế kỷ XX, sự tách bạch này ngày càng mạnh mẽ khi bài chòi trải chiếu phát triển ở miền Nam và trở thành nghệ thuật sân khấu dân gian. Lúc này, bài chòi trải chiếu không chỉ được hát vào ngày lễ, Tết mà còn được hát quanh năm với những đoàn biểu diễn đi khắp các làng quê. Ở Khánh Hòa, nghệ thuật bài chòi trải chiếu có sự phát triển mạnh mẽ và rất được người dân ưa chuộng. Họ thích xem bài chòi trải chiếu để được nghe kể các tích truyện xưa. Còn bài chòi hô bài, bài chòi đánh bài không thịnh vì người dân ít quan tâm. Điều này là một yếu tố làm nên nét đặc trưng của nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa so với các địa phương khác trong khu vực.

 Thoại Khanh Châu Tuấn - vở diễn của nghệ thuật kịch hát bài chòi được nhiều người ái mộ.
Những năm 30 của thế kỷ XX, bài chòi tiếp thu phong cách của nghệ thuật cải lương, nghệ thuật hát bội. Đến năm 1954, những người nghệ sĩ cách mạng (chủ yếu là những nghệ sĩ tuồng nhưng biết hát bài chòi) ra Bắc tập kết đã sử dụng những làn điệu bài chòi để xây dựng bộ môn dân ca kịch. Đây là bước chuyển mới của nghệ thuật bài chòi trải chiếu lên sân khấu kịch hát. Tại đây, những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng như Tường Nhẫn, Lệ Thi, Hoàng Thủ… đều chuyển sang để làm sân khấu ca kịch. Từ lúc này, kịch hát bài chòi chính thức bước lên sân khấu biểu diễn. Nếu như nghệ thuật bài chòi trải chiếu chỉ có một điệu Xuân nữ, thì đến sân khấu kịch hát, bài chòi có thêm các làn điệu: Cổ bản, Hồ quảng, Xàng xê. Từ 4 điệu gốc đó, các nghệ sĩ lấy thang âm, điệu thức của dân ca Nam Trung bộ cho nghệ thuật bài chòi một cách nhuần nhuyễn. Vở diễn đầu tiên của sân khấu kịch hát bài chòi là vở Thoại Khanh Châu Tuấn đã đạt yêu cầu của nghệ thuật kịch hát với các yếu tố nghệ thuật hát, nghệ thuật múa, đặc biệt là nghệ thuật diễn xuất.

° Những trăn trở cùng nghệ thuật bài chòi

Nghệ thuật bài chòi trải chiếu khi biểu diễn ở miền Bắc đã phát triển thành dân ca kịch bài chòi. Còn tại phương Nam, nghệ thuật bài chòi trải chiếu vẫn được các nghệ sĩ dân gian vượt qua muôn vàn khó khăn để biểu diễn phục vụ nhân dân. Những câu chuyện nhân nghĩa vẫn được nghệ thuật bài chòi trải chiếu ngày đêm vun đắp vào tâm hồn người dân. Thậm chí, các nghệ sĩ dân gian còn mang cả những kịch bản tuồng vào biểu diễn trong nghệ thuật bài chòi như Tam hạ Nam Đường, Ngũ hổ bình Tây… Từ sau năm 1975 đến nay, nghệ thuật bài chòi trải chiếu vẫn được nhân dân duy trì nhưng chưa nhận được sự quan tâm của cơ quan chức năng. Theo ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh: “Đến thời điểm này vẫn chưa có một tài liệu, tư liệu hay công trình sưu tầm, nghiên cứu nào ghi chép lại nghệ thuật bài chòi trải chiếu. Hiện nay, số lượng các nghệ sĩ dân gian ngày càng thưa thớt, nếu chúng ta không sớm thực hiện ngay thì nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa lại rơi vào tình trạng mai một như rất nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác”. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 2 người biết khá rõ về nghệ thuật bài chòi trải chiếu gồm: bà Kiều Thị No (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) và ông Bảy Trừ (thị xã Ninh Hòa).

Còn về kịch hát bài chòi, sau khi trở lại sân khấu các tỉnh Nam Trung bộ trong đó có Khánh Hòa, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Các vở diễn của Đoàn Ca kịch quân giải phóng Phú Yên (tiền thân của Đoàn Tuồng Phú Khánh, nay là Nhà hát NTTT tỉnh) đã như một làn gió mới thổi vào đời sống nghệ thuật của quân dân trong kháng chiến. Trong nhiều năm gần đây, cùng với sự lép vế của các loại hình NTTT nói chung, nghệ thuật kịch hát bài chòi cũng rơi vào cảnh “chợ chiều”. Hiện nay, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật này được giao cho Nhà hát NTTT tỉnh. Tuy nhiên, với chỉ tiêu mỗi năm chỉ được cấp kinh phí để phục dựng 1 vở dân ca kịch thì xem ra hiệu quả còn là vấn đề cần bàn.

NHÂN TÂM

Bài 1: Nghệ thuật hát xà hát mộc trước nguy cơ thất truyền

Bài 2: Tìm về bản sắc nghệ thuật múa bóng