Múa bóng - loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian gắn bó lâu đời với người dân xứ Trầm Hương theo tục thờ Mẫu. Cái hay, cái đẹp của múa bóng chính là ở sự kết hợp hài hòa giữa một hoạt động mang tính tín ngưỡng tâm linh vào trong hình thức nghệ thuật độc đáo.
Múa bóng - loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian gắn bó lâu đời với người dân xứ Trầm Hương theo tục thờ Mẫu. Cái hay, cái đẹp của múa bóng chính là ở sự kết hợp hài hòa giữa một hoạt động mang tính tín ngưỡng tâm linh vào trong hình thức nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, hoạt động múa bóng đang dần mất đi bản sắc của nó, đã đến lúc cần có sự định hướng phát triển đúng đắn cho loại hình nghệ thuật này.
. Sơ lược về múa bóng
Hát văn, múa bóng chầu thần vốn theo tục thờ Mẫu của người Việt xưa, xuất phát từ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Theo bước chân khai hoang mở cõi của ông cha, loại hình nghệ thuật này đã hiện hữu trên vùng đất phương Nam. Năm 1653, người Việt chính thức vào định cư trên vùng đất Khánh Hòa. Cũng từ ngày đó, nghệ thuật múa bóng gắn bó mật thiết với mảnh đất và con người nơi đây. Theo ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh: “Múa bóng là loại hình nghệ thuật gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tín ngưỡng này, khi đến vùng đất Khánh Hòa đã có sự giao thoa với tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của người Chăm. Sự giao thoa đó chính là nét đồng điệu trong tâm hồn giữa người Việt và người Chăm, từ đó tạo nên sự đồng điệu trong âm nhạc. Điều này lý giải vì sao nghệ thuật múa bóng đều được cả người Việt lẫn người Chăm biểu diễn”.
Bản sắc nghệ thuật múa bóng đang ngày càng mai một |
. Hiện trạng cần khắc phục
Nghệ thuật múa bóng tồn tại dưới 2 dạng: tam phủ và tứ phủ công đồng. Phái tam phủ là những người quan niệm có múa bóng nhưng không hầu đồng; nhưng thực tế những gì phái này thể hiện đã gây phản cảm cho người xem. Còn phái tứ phủ, vì nhiều lý do khác nhau, đã từ lâu không còn hoạt động theo đúng tính chất nghệ thuật của nó và những hoạt động của họ cũng ít được công khai. Từ thực tế đó đã nảy sinh những hiện tượng biến tướng của nghệ thuật múa bóng cũng như những nguy cơ trong việc xác định bản sắc loại hình nghệ thuật này.
Thời gian gần đây, có rất nhiều người đã bày tỏ thái độ không đồng tình sau khi xem một số đoàn múa bóng biểu diễn. “Tôi không quá am hiểu về nghệ thuật múa bóng, nhưng qua nhiều lần đi tác nghiệp ở một số lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh đều tạo cho tôi một cảm giác bất bình khi xem múa bóng. Nói ra không phải để phân biệt, nhưng tôi vẫn thấy những đoàn múa bóng của người Chăm còn có chút gì gọi là bản sắc nên vẫn dễ xem hơn. Còn xem những đoàn của người Kinh diễn thì dường như họ đã hiểu sai từ “bóng” thì phải?” - nhà báo Lê Bá Dương, Báo Văn hóa nhận xét. Quả thực, trước những biểu hiện vất vơ vất vưởng, ngật ngà ngật ngưỡng của những diễn viên múa bóng hiện nay đã khiến cho không ít người xem thấy chờn chợn. Đó là chưa kể đến việc có nhiều kẻ đã lợi dụng lễ hội, lợi dụng múa bóng để vụ lợi cầu vinh, hoạt động mê tín dị đoan.
Ước tính, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 đoàn múa bóng với khoảng 1.000 người. Tuy nhiên, hoạt động biểu diễn của các đoàn đã không còn độc đáo như xưa; số lượng nghệ sĩ giỏi ngày càng ít. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn duy nhất một người thực sự nắm được quy cách của nghệ thuật múa bóng, đó là bà Tư Kẹp ở TP. Nha Trang. Năm nay, tuổi bà cũng đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều. Nên chăng, cơ quan chức năng cần có giải pháp sớm sưu tầm, lưu trữ lại những vốn hiểu biết của người nghệ sĩ già này để truyền lại cho hậu thế. “Để hoạt động múa bóng lành mạnh theo đúng nghĩa của một loại hình nghệ thuật, nên chăng, tỉnh cần có biện pháp hạn chế tối đa sự xuất hiện của các đoàn múa bóng tự phát. Cùng với đó nên thành lập các câu lạc bộ hát chầu văn múa bóng theo cơ chế xã hội hóa. Qua đó để quản lý thật chặt chẽ hoạt động này” - ông Nguyễn Tứ Hải chia sẻ.
NHÂN TÂM