05:04, 05/04/2011

Di tích đang xuống cấp trầm trọng

Đình Sơn Thạnh thuộc địa bàn thôn Lễ Thạnh, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), được xây dựng từ rất lâu. Đình là nơi người dân thôn Lễ Thạnh thờ phụng Thành Hoàng làng (hay còn gọi là Bản Cảnh Thành Hoàng).

Đình Sơn Thạnh thuộc địa bàn thôn Lễ Thạnh, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), được xây dựng từ rất lâu. Đình là nơi người dân thôn Lễ Thạnh thờ phụng Thành Hoàng làng (hay còn gọi là Bản Cảnh Thành Hoàng). Hiện nay, một số kiến trúc của đình bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hiện vật quý đang có nguy cơ mai một. Nhận thấy những giá trị văn hóa lịch sử và hiện trạng của đình, vừa qua, UBND tỉnh đã xếp hạng đình Sơn Thạnh là Di tích cấp tỉnh để có cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ và trùng tu.

. Trải qua nhiều lần tu sửa

Bộ lọng và cờ trong chánh điện bị cũ, gãy và rách. 
Căn cứ vào lời kể của các bô lão, đình Sơn Thạnh được khởi dựng vào năm Minh Mạng thứ 8 (năm 1837). Theo quan niệm của người xưa, đình là chốn thiêng liêng nhất của làng nên khi xây dựng phải tính toán cẩn thận về phong thủy (thế, hướng đất và nước). Vì vậy, đình Sơn Thạnh có vị thế lưng dựa núi Hòn Một, mặt quay hướng Đông Nam, xung quanh là ruộng lúa, phía trước có một con kênh. Đình chỉ được xây bằng nhà rường, tranh tre và nền đất. Khi mới được xây dựng, đình có tên là đình Lễ Thạnh vì thuộc thôn Lễ Thạnh. Nhưng đến năm 1969, dân cư phát triển đông đúc nên phải dời lên chỗ mới là thôn Cẩm Sơn. Hai thôn nhưng chỉ có một đình làng nên dân làng quyết định đổi tên đình là Sơn Thạnh để tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa hai thôn Lễ Thạnh và Cẩm Sơn.

Đình Sơn Thạnh đã trải qua nhiều lần tu sửa. Một phần vì đình xây bằng vật liệu dễ hư hại như: tranh, tre, gỗ…; tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là do bom mìn của Pháp trong thời kỳ chiến tranh. Cụ Nguyễn Thị Chút (ở thôn Phước Tuy, Diên Phước) kể, vào năm 1945, đình có đào hầm bí mật cho bộ đội và dân trú ẩn. Quân Pháp thấy có người dưới hầm nên đã đánh bom làm cháy và sập đình. Do bị sập hoàn toàn nên đến năm 1946, đình được dời về Gò Định, sông Cái; đến năm 1964 mới được đưa về chỗ cũ là địa điểm hiện nay. Trong lần đình bị đánh bom, nhiều hiện vật quý đã bị cháy, một trong số đó phải kể đến bản sắc phong do triều đình nhà Nguyễn phong tặng cho đình Sơn Thạnh. Hiện nay, đình chỉ còn giữ được bức tượng Thành Hoàng bằng đồng là hiện vật quý nhất có từ ngày dựng đình.

. Những giá trị cần được trùng tu, bảo vệ

Kiến trúc cổ xưa nhất của đình tập trung ở chánh điện, nơi đặt 3 bàn thờ chính, đó là: bàn thờ Thần (Thành Hoàng làng), bàn thờ tả ban liệt vị và hữu ban liệt vị. Chánh điện được trang trí và chạm khắc tỉ mỉ với nhiều hình ảnh linh vật (hình ảnh dơi, rồng và lân) mang đậm ý nghĩa triết học về cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ và yên ổn. Ngoài chánh điện, kiến trúc của đình còn có nghi môn (cửa ra vào), án phóng (ngăn những điều xấu xa, uế tạp thổi vào chánh điện), miếu tiền hiền (thờ những người có công khai tạo dựng xóm làng), miếu sơn lâm (còn gọi là miếu ông Hổ). Một số kiến trúc được tu sửa vào năm 1995 và 2001, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên việc tu sửa chưa làm toát lên những giá trị truyền thống vốn có của đình.

Ban quản lý và các cụ bô lão trong làng.
Đình Sơn Thạnh mở lễ hội vào mùa Xuân, đây là lễ hội lớn nhất thường diễn ra vào ngày 10-3 âm lịch. Nhưng trước đó, vào ngày 14-15 tháng Giêng, dân làng tổ chức lễ Đàn Tràng cầu an tại chùa Bửu Long. Lễ này đã tồn tại đến nay gần 100 năm. Vào dịp lễ hội lớn nhất, đình làng tổ chức rất long trọng, ngoài phần lễ trang nghiêm còn có phần hội với hát bộ và nhiều hoạt động khác.

Vì phần lớn các công trình, kiến trúc của đình làm bằng chất liệu gỗ nên hiện nay đình đang xuống cấp trầm trọng. Hệ mái ở chánh điện, miếu tiền hiền bị mối mọt, có nguy cơ sập gãy. Bộ lọng tàn làm bằng gỗ và vải bị cũ, gãy và rách. Cặp lỗ bộ cái còn cái mất… Không chỉ phần kiến trúc, hiện vật bị xuống cấp mà những giá trị tinh thần cũng đang có nguy cơ dần mai một. Trước đây, trong ngày hội lớn của đình luôn có đoàn hát bộ biểu diễn. Đây là một “món ăn

tinh thần quan trọng” với người dân nhưng hiện nay không còn được tổ chức thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Thanh Huệ - người trông coi đình cho biết: “Thời gian gần đây, hát bộ không còn được tổ chức thường xuyên nữa. Một phần do kinh phí hạn hẹp, một phần do lớp người lớn tuổi hát bộ trước kia không còn nhiều”.

Đình Sơn Thạnh là một ngôi đình cổ trên đất Khánh Hòa, kiến trúc và các họa tiết hoa văn trang trí trong đình mang đậm ý nghĩa triết học, quan điểm của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung. Ngoài vai trò là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng cho cả làng, đình Sơn Thạnh còn là nơi tuyên truyền, giáo dục cho con cháu tinh thần uống nước nhớ nguồn, hiểu biết văn hóa dân tộc. Trong khi đó, đời sống kinh tế của người dân Sơn Thạnh khá khó khăn. Mỗi lần muốn tu sửa đình, người dân phải đóng góp tiền của trong khoảng thời gian dài. Trong thời buổi văn hóa phương Tây du nhập ngày càng mạnh vào giới trẻ thì đình làng sẽ là nơi giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về văn hóa và cội nguồn dân tộc. Vì vậy, các cơ quan chức năng và người dân cần có biện pháp thiết thực để trùng tu, gìn giữ và bảo vệ những giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của đình làng Sơn Thạnh.

HOÀNG DUNG