Trước thực trạng nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang bị mai một và cần được bảo vệ khẩn cấp, mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể.
Trước thực trạng nhiều di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang bị mai một và cần được bảo vệ khẩn cấp, mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê DSVHPVT. Đây được xem là một hướng mở đầy triển vọng cho việc giữ gìn những tinh hoa văn hóa của người xưa để lại.
Khánh Hòa là địa phương được các nhà khoa học đánh giá là có tiềm năng DSVHPVT. Nơi đây ẩn chứa những nét chung của văn hóa vùng duyên hải Nam Trung bộ và một phần văn hóa Tây Nguyên, đồng thời mang nét riêng, đậm đà màu sắc vùng miền chuyên biệt. Tuy nhiên, thực tế việc giữ gìn những giá trị VHPVT lâu nay mới chỉ được thực hiện một cách manh mún. Để có một công trình khoa học nghiên cứu đầy đủ các giá trị VHPVT vẫn là một vấn đề cần bàn. Với nhiều loại hình DSVHPVT như ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, nghề truyền thống, ẩm thực dân gian… việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn hiện mới chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân, riêng lẻ, chưa thực sự có một giải pháp mang tính chuyên sâu, bền vững của các cấp quản lý. Thực tế đó cùng với việc các DSVHPVT đang bị mai một theo thời gian khi những lớp người gìn giữ di sản này ngày càng thưa vắng vì tuổi tác, và việc UBND tỉnh ban hành Quyết định 3138 về việc thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê khoa học DSVHPVT trên địa bàn tỉnh là việc làm cần thiết.
Nghệ thuật đàn đá Khánh Sơn - một di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục bảo vệ. |
Trong năm 2011, các thành viên trong HĐKK sẽ có nhiệm vụ thực hiện các chuyến điền dã để tìm kiếm, kiểm kê, tư liệu hóa các DSVHPVT ở 972 tổ, làng thuộc 138 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các chuyến điền dã sẽ giúp các thành viên trong HĐKK nhận diện giá trị của các di sản. Từ đó xác định được tên gọi, loại hình, chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, sức sống của di sản, đặc điểm, giá trị lịch sử của DSVHPVT trên vùng đất Khánh Hòa. Trong quá trình kiểm kê, khi phát hiện những di sản cần bảo vệ khẩn cấp, các thành viên trong HĐKK sẽ báo cáo để kịp thời có biện pháp bảo vệ.
Như vậy, sau bao năm thiếu sự quan tâm đúng mức, đến thời điểm này, các DSVHPVT trên địa bàn tỉnh đang nhận được sự quan tâm một cách cần thiết. Nỗi lo về sự mai một của các di sản này đang dần được trút bỏ. Tuy còn quá sớm để nói về kết quả cụ thể của dự án này, nhưng dù sao đây cũng là tín hiệu vui đối với người dân, các nghệ nhân cũng như những người quan tâm đến vấn đề này.
NHÂN TÂM