06:03, 15/03/2011

Dễ mà khó!

Việc tìm Huấn luyện viên trưởng cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam, từ đội tuyển quốc gia đến Olympic, đang được gấp rút tiến hành.

Việc tìm Huấn luyện viên (HLV) trưởng cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam, từ đội tuyển quốc gia đến Olympic, đang được gấp rút tiến hành. Nhiều hồ sơ ứng cử viên được gửi tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhưng để tìm được người biết kế thừa và phát huy lối chơi mà ông Calisto đã xây dựng là chuyện không dễ.

Có 3 tiêu chí được VFF đặt ra với các ứng viên là ưu tiên những HLV có kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Nếu chưa làm HLV đội tuyển quốc gia thì cũng phải là HLV ở các câu lạc bộ lớn và có thành tích chuyên môn; ưu tiên những HLV đã làm việc ở châu Á, đặc biệt là làm việc ở Đông Nam Á; mức lương phù hợp, cụ thể là không cao hơn mức lương mà ông Calisto nhận được (22.000 USD/tháng). Ngoài ra, VFF cũng đưa ra yêu cầu là phải đưa đội Olympic vô địch SEA Games 26 vào cuối năm nay.

Huấn luyện viên Calisto với các tuyển thủ Việt Nam.
Theo “3 tiêu chí và một yêu cầu” nói trên, thật không dễ tìm người đủ tiêu chuẩn. HLV có thành tích từng làm việc ở châu Á thì nhiều nhưng hiểu biết bóng đá Đông Nam Á như ông Calisto lại rất hiếm. Ngoài Calisto, chỉ có ông A.Riedl, cựu HLV đội tuyển Việt Nam đáp ứng tiêu chí này, nhưng ông Riedl đang bận huấn luyện đội tuyển Indonesia và không hề có ý định phá hợp đồng. Một HLV từng “ăn nên, làm ra” với bóng đá Thái Lan là ông Peter Whithe lại bị coi là… quá cũ, cũng không được để ý. Các HLV gốc Anh được VFF mặn mà nhưng xem ra lối đá bóng dài và dùng sức của họ có vẻ không phù hợp với vóc dáng cầu thủ Việt Nam, nguy cơ thất bại là rất lớn. Hơn nữa, họ có thể hiểu biết bóng đá châu Á nhưng chưa chắc đã hiểu biết bóng đá Đông Nam Á.

Song, yêu cầu “đội tuyển Olympic Việt Nam phải giành Huy chương Vàng (HCV) SEA Games 26” của VFF và Hội đồng HLV quốc gia mới là cản trở lớn trong việc tìm người. Yêu cầu “phải giành Huy chương Vàng SEA Games 26” chứng tỏ, với VFF đó chính là “trận cầu đinh” trong năm 2011 bởi rất khó để đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Olympic đạt thành tích tốt ở vòng loại World Cup 2014 và Olympic 2012, được tiến hành vào tháng 6 này. Như vậy, việc tập trung cho SEA Games 26 (tháng 11) là hợp lý hơn cả. Có lẽ vì thế mà VFF yêu cầu đội tuyển U23 Việt Nam phải giành HCV.

Trên thế giới hiếm nơi nào ký hợp đồng với HLV lại đưa yêu cầu giành chức vô địch ra làm điều kiện. Chính ông Calisto đã nói rằng muốn đội tuyển U23 Việt Nam giành chức vô địch SEA Games 26 thì phải có lối chơi tốt, nền thể lực tốt, tinh thần tốt và có yếu tố may mắn. Đội tuyển Olympic Việt Nam có thể bảo đảm về lối chơi nhưng chưa chắc đã hơn đối phương về tinh thần, thể lực. Yếu tố may mắn chỉ là phụ và có tận dụng được hay không lại là chuyện khác.

Vì vậy nếu một HLV chấp nhận yêu cầu phải giành Huy chương Vàng SEA Games 26 thì chỉ là nhận… bừa chứ không phải do lý trí. Người trong cuộc thừa hiểu bóng đá có nhiều yếu tố khó lường nên chuyện là người hùng hay “tội đồ” thực sự mong manh. Nghề HLV cũng vậy, đôi khi đấu pháp đúng nhưng cầu thủ thi đấu không tích cực hoặc nhận thẻ đỏ thì mọi tính toán của HLV sẽ bị phá sản. Không kể, nhiệm vụ phải giành bằng được Huy chương Vàng SEA Games 26 còn gây tâm lý không tốt cho các cầu thủ. Chính vì áp lực phải giành Huy chương Vàng ở SEA Games 25 mà các cầu thủ Việt Nam đã không còn là chính mình và theo ông Calisto, đó là nguyên nhân thất bại. Cho nên, nếu VFF không đề ra yêu cầu phải giành chức vô địch SEA Games 26 khi đàm phán hợp đồng có lẽ lại hay hơn.

Ông Calisto ra đi để lại cho VFF nhiều vấn đề phải giải quyết. Giờ đây, chỉ còn cách chờ đợi sự sáng suốt của VFF trong việc tìm thầy cho đội tuyển quốc gia cũng như Olympic quốc gia để các đội tuyển này hoàn thành nhiệm vụ.

G.C (Tổng hợp)