03:03, 03/03/2011

Việc làm ý nghĩa, nhưng khó thực hiện

Việc phát hiện và khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phần nào làm sáng tỏ những câu hỏi liên quan đến trầm tích văn hóa của vùng đất Khánh Hòa tiền sơ sử.

Việc phát hiện và khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học (KCH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phần nào làm sáng tỏ những câu hỏi liên quan đến trầm tích văn hóa của vùng đất Khánh Hòa tiền sơ sử. Việc giới thiệu những giá trị đó đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước là điều cần thiết. Thế nhưng, việc làm có ý nghĩa này đang rất khó thực hiện bởi nhiều lý do khác nhau.

Lâu nay, Khánh Hòa vẫn được các nhà KCH trong nước và quốc tế coi là một địa chỉ ẩn chứa nhiều giá trị, tiềm năng về khảo cổ. Các cuộc khai quật, nghiên cứu di vật ở nhiều di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh đã cho thấy lịch sử giao lưu, giao thoa giữa các nền văn hóa tiền sơ sử ở nước ta tại địa bàn Khánh Hòa. Các di chỉ văn hóa như Xóm Cồn, Hòa Diêm, Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên, Diên Sơn… đã để lại những di vật minh chứng cho sự giao thoa giữa nền văn hóa Sa Huỳnh với nền văn hóa Óc Eo, cụ thể ở đây được nhiều nhà khoa học đồng nhất ý kiến là thời kỳ cuối Sa Huỳnh đầu Óc Eo. Không những vậy, từ dấu vết văn hóa ở Khánh Hòa còn cho thấy sự giao lưu văn hóa giữa những cư dân cổ của nền văn hóa Đông Sơn với các cư dân bản địa thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Các hiện vật như mộ chum, trống đồng… chính là minh chứng sinh động cho sự giao thoa và giao lưu văn hóa ấy.

Đưa di chỉ khảo cổ đến gần người dân và du khách là việc làm cần thiết. (Ảnh chụp tại Di chỉ Trảng Cháy, huyện Cam Lâm).

Tuy nhiên, có một thực tế vẫn tồn tại lâu nay, đó là những giá trị KCH ấy hầu như chỉ được giới khoa học khảo cổ và những người làm việc trong những lĩnh vực liên quan biết đến, còn đại đa số người dân, du khách vẫn ít biết. Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân như công tác tuyên truyền, giới thiệu về giá trị các di tích còn ít được quan tâm; chưa phát huy được lợi thế của một địa phương có thế mạnh về du lịch; đặc điểm về vị trí, địa hình của các di chỉ chưa thực sự thuận lợi… Trên phương diện tổng thể, trong số các di chỉ đã được khai quật trên địa bàn tỉnh, chỉ có Di chỉ Hòa Diêm (Cam Ranh) còn tương đối nguyên trạng bởi ít chịu tác động của những yếu tố mang tính xã hội. Di chỉ này có vị trí tương đối thuận lợi, gần Quốc lộ 1A, là một địa điểm phù hợp cho người dân và du khách tham quan. Tuy nhiên đến nay, việc làm này vẫn chưa được thực hiện. Còn các di chỉ khác sau khi khai quật đều phải thực hiện phương án di dời, nhường mặt bằng lại cho các công trình dân sinh…

Nhằm đánh giá lại giá trị các di chỉ, di vật KCH trên địa bàn tỉnh, tháng 8-2010, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo quốc tế về KCH tiền sơ sử Khánh Hòa. Qua ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng đề án quy hoạch KCH trên địa bàn tỉnh và dự kiến được thông qua trong năm 2011. Theo ông Nguyễn Tâm - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh: “Khi đề án này được thông qua sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng xử với các di chỉ KCH. Đây sẽ là cơ sở để việc nhận diện, phát hiện và khai quật các di chỉ trước khi thực hiện những công trình xây dựng được thuận lợi hơn”. Như vậy, giải pháp chính cho việc giải quyết mối quan hệ giữa di chỉ KCH với sự phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra bằng cách di dời di vật khảo cổ. Nhưng, các di vật này sau khi được di dời trưng bày ở đâu? Trong khi nhà bảo tàng tỉnh đang trong quá trình tìm địa điểm mới thì việc trưng bày các hiện vật này để phục vụ nhân dân và du khách tham quan lại là một vấn đề khó. Mới đây, một giải pháp được đưa ra tại Di chỉ Văn Tứ Đông (huyện Cam Lâm) được giới chuyên môn xem là hướng giải quyết thỏa đáng. Di chỉ Văn Tứ Đông nằm trên dự án sân golf Cù Hin do Công ty Đầu tư Bất động sản Dầu khí Nha Trang làm chủ đầu tư. Sau khi có ý kiến của các nhà chuyên môn KCH, nhà đầu tư sân golf đã đồng ý phương án trước khi xây dựng sân golf sẽ tiến hành khai quật các di vật. Sau đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng một nhà trưng bày các di vật đó ngay trên di chỉ đã được khai quật. Làm như thế để đảm bảo di vật gắn liền với di chỉ, đồng thời tạo điều kiện cho du khách khi đến đây sẽ được xem các di vật này. Ý tưởng này tỏ ra hợp tình hợp lý, nhưng việc thực hiện như thế nào thì vẫn đang là một dấu hỏi.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc phát huy những giá trị KCH vào cuộc sống là việc làm cần thiết. Nó không chỉ có ý nghĩa cho hiện tại mà còn giúp giữ gìn vốn hiểu biết cho tương lai. Đưa ra một giải pháp tổng thể để các di chỉ, di vật KCH thể hiện được “tiếng nói” của mình là một vấn đề cần được sự quan tâm.

GIANG ĐÌNH