11:03, 09/03/2011

Những vần thơ dệt từ “Sợi Ấm”

Cầm trên tay tập thơ “Sợi Ấm” của tác giả Hoàng Lưu, nhân kỷ niệm năm ông tròn 80 tuổi, do Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành với 170 trang, được trình bày giản dị nhưng trang trọng, tôi thật sự vui mừng và có phần ngạc nhiên.

Cầm trên tay tập thơ “Sợi Ấm” của tác giả Hoàng Lưu, nhân kỷ niệm năm ông tròn 80 tuổi, do Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành với 170 trang, được trình bày giản dị nhưng trang trọng, tôi thật sự vui mừng và có phần ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn khi biết đây là tác phẩm thơ in riêng thứ ba của ông, chưa kể khá nhiều bài thơ của ông được chọn in trong các tập thơ nhiều tác giả, in ở Khánh Hòa và các địa phương khác những năm gần đây.

“Sợi Ấm” gồm 92 bài thơ của tác giả Hoàng Lưu cùng với 99 bài thơ mừng thọ của bạn bè gần xa nhân dịp ông 80 tuổi. Tuy trong bài “Tự trào”, mở đầu tập thơ ông viết: Đâu dám xênh xang đón bát tuần - Chỉ là kỷ niệm tuổi Nhâm Thân..., nhưng khi lần giở từng trang, tôi dần hòa vào những dòng tâm tình của ông với nhiều cảm thông, xúc động. Gặp gỡ ông nhiều lần trong các buổi sinh hoạt thơ của Nha Trang, Khánh Hòa, nghe và đọc một số bài thơ của ông, nhưng đọc “Sợi Ấm”, tôi mới có cảm nhận tương đối đầy đủ về ông, một người đôn hậu, tình nghĩa, giàu chất lạc quan, yêu đời, yêu thơ, luôn hòa đồng với mọi người. Rời quê mẹ Quảng Nam, tham gia kháng chiến chống Pháp từ rất sớm, Xa quê, thuở tóc còn xanh - Rộn ràng câu hát khúc “Hành quân xa”, bước chân “anh bộ đội Cụ Hồ” Hoàng Lưu đã in trên nhiều miền đất nước; nhưng khi hòa bình trở lại, nước nhà thống nhất, về quê hương, ông mới bàng hoàng nhận ra: xóm làng tan nát vì chiến tranh, mẹ, vợ và mấy em không còn. Với những nhiệm vụ khác nhau, ông lại tiếp tục ra đi đến với nhiều vùng đất để rồi tạo dựng lại gia đình và chọn Nha Trang, Khánh Hòa làm quê hương thứ hai của mình. “Sợi Ấm” như một thiên ký sự tâm tình sâu lắng của ông trải dài theo năm tháng và những vùng đất đã qua với những con người đã gắn bó máu thịt với ông, cho dù đi cuối đất, cùng trời vẫn không thể nào quên. Cái làng An Nông nhỏ bé bên dòng sông Cổ Cò quê hương với hình ảnh Nhà nghèo, xóm vắng, ngõ rào cành gai, nơi có người mẹ hiền Vai gầy cõng cực đổ non - Ríu chân mẹ chạy cực còn chạy theo, cùng vợ và những người thân nay dẫu không còn dấu vết nhưng ông vẫn đau đáu nỗi niềm: Mãi thương sóng cuộn bờ Non Nước - Vẫn tưởng gió đùa bến Mỹ Khê. Để rồi: Tám mươi xuân trải đời còn hẹn - Khát vọng một lần tắm bến quê. Không chỉ với làng quê nhỏ bé nơi sinh ra, ông còn nặng lòng với những con người, vùng đất từng chia đắng, xẻ bùi với ông trên những chặng đường kháng chiến và trong xây dựng cuộc sống mới. Một Trường Sơn gian khổ, hào hùng; một “đèo Pha Đin ngày ấy” cùng nỗi cảm thông sâu sắc với một đồng đội bị thương; một “Ký ức Hà Thành” với nỗi nhớ khôn nguôi; với Tuy Hòa có dòng sông Ba, núi Chóp Chài, tháp Nhạn; với Đà Lạt, Mỹ Sơn; nỗi nhớ Sơn La với Mai Sơn còn nhớ cơm toàn bắp - Tạ Bú măng rừng mắm Mường La. Đặc biệt với “Nha Trang tình biển đảo”, vùng đất lành ông đã chọn để sống, làm việc và làm thơ những năm tháng còn lại của đời mình.

Tuy chưa bao giờ ông tự coi mình là nhà thơ, đến với thơ chỉ là Mái ấm vườn thơ đời mãi nợ, làm thơ chỉ là ghi lại chút tâm tình và kỷ niệm, nhưng như ai đó từng nói “từ mạch máu tuôn ra là máu; từ ống nước tuôn ra chỉ là nước”. Do bề dày cuộc sống, chiến đấu, công tác cùng trái tim chan chứa nghĩa tình với con người, quê hương, đất nước nên những gì ông ghi lại, đôi khi chỉ là những nét phác thảo đơn sơ cũng có thể gợi cho người đọc những ấn tượng, cảm thông khó quên. Từ những năm tháng còn ở tuổi thiếu niên nơi làng nhỏ An Nông bên sông Cổ Cò và dãy Ngũ Hành Sơn hùng vĩ, hồn nhiên như con sóc nhỏ, chú bé Hoàng Lưu đã sớm hòa nhập vào dòng thác cách mạng và kháng chiến, trở thành một Xã đội phó trẻ trung, đầy nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu dũng cảm. Tập kết ra Bắc, ông từng tham gia mở những con đường cheo leo, nhiều đèo cao, dốc thẳm của núi rừng Tây Bắc, dựng cầu ở Thái Nguyên. Khi trở về Nha Trang, Khánh Hòa, cùng với việc xây dựng lại tổ ấm gia đình với người phụ nữ quê hương của “Chị Hai năm tấn”, ông đã qua nhiều nhiệm vụ công tác để rồi khi nghỉ hưu vẫn nhiều năm đảm nhận công tác Đảng ở xã, phường, và ở tuổi 80 vẫn phơi phới lạc quan: Sáu mươi tuổi Đảng, tám mươi xuân - Gắng sống vui thêm quá cửu tuần.

99 bài thơ của bạn bè, người thân ở nhiều nơi mừng thọ ông 80 tuổi là những món quà quý và minh chứng cho tấm lòng mến yêu, trân trọng của bạn bè gần xa với ông. Chúc mừng tập thơ “Sợi Ấm” đã được dệt nên bằng tình đời, tình thơ của người đảng viên 80 tuổi đời, 60 tuổi Đảng Hoàng Lưu và của đông đảo bạn bè từng ít nhiều gắn bó với ông. Mong ông tiếp tục sống, gắn bó với đời, với Nàng Thơ không chỉ “quá cửu tuần” mà là “bách niên” hoặc hơn thế nữa để đạt như ông ước nguyện: Trăm năm vẹn giữ tấm lòng nhân.

NGUYỄN GIA NÙNG