08:03, 22/03/2011

Tâm linh người Hoa trên đất Việt

Miếu Thiên Hậu Hải Nam nằm trên địa phận tổ dân phố Vĩnh Điềm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt gốc Hoa (chủ yếu là người Hải Nam).

Miếu Thiên Hậu Hải Nam nằm trên địa phận tổ dân phố Vĩnh Điềm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt gốc Hoa (chủ yếu là người Hải Nam). Tuy miếu được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ nhưng vẫn còn giữ được kiến trúc khá nguyên vẹn với nhiều hiện vật quý. Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xếp hạng Miếu Thiên Hậu Hải Nam là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

. Thiên Hậu Thánh Mẫu sử tích

Miếu Thiên Hậu Hải Nam được xây dựng vào năm 1851. Hiện nay, kiến trúc của miếu còn khá nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài cho đến phần chạm trổ nội điện.

Chánh điện - nơi đặt khám thờ Thánh Mẫu.
Trong dân gian có rất nhiều dị bản lưu truyền về sử tích Thiên Hậu Thánh Mẫu, nhưng nhìn chung mọi sử tích đều ca ngợi, suy tôn bà là một người phụ nữ đức hạnh, có lòng hiếu thảo, xả thân cứu người và khi chết được hiển linh. Do vậy, bà là vị thần bảo trợ được tôn kính đặc biệt trong tín ngưỡng của người Hoa và người Việt gốc Hoa. Sử tích được lưu truyền nhiều nhất là truyền thuyết kể rằng: Dưới triều vua Tống Thái Tổ, gia đình họ Lâm theo đạo giáo sinh được 6 cô con gái. Người con gái út tên là Lâm Mạc Nương, sinh vào ngày 23-3, niên hiệu Kiến Long (năm 960). Càng lớn, Mạc Nương càng xinh đẹp, vừa có tài vừa biết đọc sách thuốc, biết chữa bệnh cho dân. Một hôm, nhằm ngày 23-9 năm Tống Ung Hy thứ 4 (năm 987), Lâm Mạc Nương cùng 5 chị em lên núi My Phong để hái thuốc về chữa bệnh cho dân làng thì đột nhiên giữa trời có một ánh hào quang nổi lên, xuất hiện một vị cầm đao kiếm bước về phía Lâm Mạc Nương. Nàng được thần hóa phép rồi bước lên mây và biến mất. Sau ngày nàng thăng thiên, để tỏ lòng kính trọng và biết ơn, dân làng gọi nàng là Ma Tổ - một vị nữ thần của người Trung Hoa. Từ đó, hàng năm, cứ vào ngày 23-9, bà Ma Tổ lại hóa phép trở về núi My Phong ban phước lành cho dân chúng…

Ngoài tên gọi Thiên Hậu Thánh Mẫu, bà còn được người dân gọi với nhiều tên như: Thiên Hậu, Mẫu Tổ, Ma Tổ, Thiên Thượng Thánh Mẫu… Việc thờ cúng Mẫu Tổ là một truyền thống lâu đời của người Trung Hoa nói chung và người Hải Nam nói riêng. Do vậy, dù đi đến đâu, khi đã định cư và dần ổn định cuộc sống ở nơi mới thì việc đầu tiên người Hoa nghĩ đến là lập miếu thờ bà.

. Di tích lịch sử cấp tỉnh

Chuông cổ bằng đồng có từ ngày xây dựng miếu (1851).
Giống như phần lớn các ngôi miếu của người Hoa, toàn bộ kiến trúc của Miếu Thiên Hậu Hải Nam được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ, sơn màu đỏ. Bởi, theo quan niệm của người Trung Hoa, màu đỏ là màu sinh khí, màu của may mắn và hạnh phúc. Điểm nổi bật nhất của miếu tập trung ở chánh điện - nơi đặt khám thờ Thánh Mẫu. Chính giữa chánh điện là bàn thờ hội đồng với 1 đỉnh đồng, 4 cây đèn đồng và 1 lư hương cũng bằng đồng. Hai bên bàn thờ đặt bộ bát bửu (bộ binh khí), mỗi bộ gồm 8 chiếc làm bằng chất liệu gỗ và đồng được thiết kế tinh xảo. Khám thờ Thánh Mẫu được làm bằng gỗ, trên đó chạm trổ hình hoa văn và tứ linh, chính giữa đặt tượng Thánh Mẫu. Đặc biệt, khám thờ được trang trí hình ảnh dơi. Ông Hàng Quốc Định - Phó Ban quản lý Miếu giải thích: “Đối với người Hoa, dơi là biểu tượng của âm tính, đồng nghĩa với chữ phúc, tượng trưng cho ngũ phúc: phú, quý, thọ, khang, ninh”.

Hiện nay, miếu vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, trong đó có những hiện vật từ ngày đầu dựng miếu. Đó là chuông cổ bằng đồng đặt ở chánh điện và 5 bia đá đặt ở nghi môn (cửa ra vào). Những hiện vật này đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Ngoài nghi môn, chánh điện, kiến trúc của Miếu còn có tiền tế (nối giữa nghi môn và chánh điện), nhà Đông nhà Tây (nơi để tiếp đãi quan khách), tụ linh đường (nơi gửi cốt tro của người đã mất) và miếu tiền hiền (nơi thờ những người đầu tiên khai canh vùng đất này)…

Bia đá đặt ở cửa nghi môn.
Hàng năm, miếu có 2 ngày lễ chính, ngày 23-3 âm lịch là ngày “vía bà” (ngày sinh của Bà) và ngày 9-9 âm lịch tưởng nhớ ngày “thăng thiên” của Bà; trong đó, ngày “vía bà” là ngày lễ lớn và quan trọng nhất. Những dịp này, người dân địa phương và nhiều nơi khác đến dâng hương, cầu bình an. Ngoài 2 ngày lễ lớn nói trên, miếu cũng tổ chức một số ngày lễ trong năm như: lễ đêm giao thừa, lễ vía Phúc Đức (ngày 2-2 âm lịch), lễ Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ (ngày 5-5 âm lịch), lễ Vu Lan…

Ngày nay, Miếu Thiên Hậu Hải Nam không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của bà con người Hoa mà rất đông người Việt cũng đến thờ cúng. Nhận thấy những giá trị tiêu biểu về văn hóa cũng như kiến trúc của miếu, ngày 3-3-2011, UBND tỉnh đã xếp hạng Miếu Thiên Hậu Hải Nam là di tích lịch sử cấp tỉnh. Sắp tới, vào ngày “vía bà” (ngày 23-3 âm lịch), Ban quản lý Miếu sẽ tổ chức lễ rước bằng di tích cấp tỉnh và lễ dâng hương cầu quốc thái dân an.

HOÀNG DUNG