Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, làng văn hóa Tà Nĩa (xã Sơn Trung) vinh dự là địa phương duy nhất của huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được nhận bằng khen. Thành tích đó chính là sự ghi nhận những nỗ lực đưa giá trị văn hóa vào cuộc sống ở một địa bàn miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, làng văn hóa (LVH) Tà Nĩa (xã Sơn Trung) vinh dự là địa phương duy nhất của huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được nhận bằng khen. Thành tích đó chính là sự ghi nhận những nỗ lực đưa giá trị văn hóa vào cuộc sống ở một địa bàn miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đến với LVH Tà Nĩa, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự phát triển ở nơi đây. Hệ thống giao thông nông thôn được bê-tông hóa trải dài từ trong làng ra đến khu sản xuất; kênh mương nội đồng được xây dựng kiên cố; điện sinh hoạt và nước sạch kéo đến tất cả các hộ dân. Thấp thoáng phía sau những vườn cây ăn trái, vườn cà phê, hồ tiêu xanh tươi là những ngôi nhà khang trang. “Hơn 10 năm trước, làng Tà Nĩa là địa bàn gặp nhiều khó khăn. Người dân phải đối mặt với cảnh chạy ăn từng bữa. Những hộ khá giả trong làng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn bây giờ, mọi việc đã khác. Làng không còn hộ đói, hộ nghèo rất ít, đa số các hộ đều có phương tiện sản xuất, đi lại và nghe nhìn hiện đại” - ông Hứa Văn Xuân - Chủ tịch Hội đồng làng tỏ ra rất tự hào với những đổi thay của làng.
Phát huy giá trị văn hóa vào cuộc sống đã góp phần làm thay đổi diện mạo làng văn hóa Tà Nĩa. |
Để xây dựng quy tắc ứng xử trong làng, từ năm 2003, làng Tà Nĩa đã ban hành hương ước với 8 chương, 50 điều. Trong đó quy định chặt chẽ về giữ gìn phong tục tập quán; xử lý việc trộm cắp tài sản; giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội; xây dựng và bảo vệ quan hệ cộng đồng, tình làng nghĩa xóm; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn hạnh phúc hôn nhân, gia đình… Bản hương ước được soạn bằng chữ quốc ngữ và phiên âm tiếng Raglai để phổ biến rộng rãi đến người dân. Từ khi có bản hương ước, mối quan hệ giữa những người dân trong thôn trở nên hòa đồng, thân thiện hơn. Người lớn tuổi làm những việc đúng đắn cho lớp trẻ noi theo và ngược lại, lớp trẻ có sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người già trong làng. Cùng với bản hương ước, Hội đồng làng thường xuyên phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người dân biết để làm theo. Để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú cho người dân, làng Tà Nĩa đã xây dựng và duy trì một đội văn nghệ gồm 45 người, trong đó có một đội đánh mã la 8 người. Đội văn nghệ của làng chủ yếu biểu diễn cho người dân trong làng vào các ngày lễ trong năm và ngày thành lập làng (17-3). Ngoài ra, mỗi lần có hội thi ở huyện, tỉnh, đội cũng tham gia và từng giành được một số giải thưởng. Hoạt động thể thao của làng được người dân hưởng ứng tích cực. Làng có 1 đội bóng chuyền, có khoảng 300 người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên.
Có thể nói, sự phát triển của LVH Tà Nĩa thực sự là một minh chứng sinh động cho việc phát huy và đưa sức mạnh của yếu tố văn hóa vào cuộc sống. Với những việc đã làm được, làng Tà Nĩa xứng đáng là điển hình trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
GIANG ĐÌNH