Hát xà hát mộc, múa bóng, trình diễn bài chòi là những loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian từ lâu đã phổ biến trong các kỳ lễ, hội của người dân Khánh Hòa. Hiện nay, có loại hình nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ thất truyền; ...
Hát xà hát mộc, múa bóng, trình diễn bài chòi là những loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian từ lâu đã phổ biến trong các kỳ lễ, hội của người dân Khánh Hòa. Hiện nay, có loại hình nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ thất truyền; có loại hình hoạt động mạnh mẽ nhưng lại xa rời bản sắc. Nhìn nhận về thực trạng và bản sắc của hoạt động biểu diễn dân gian là việc cần làm để giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp vào cuộc sống.
Bài 1: Nghệ thuật hát xà hát mộc trước nguy cơ thất truyền
Vốn là một trò diễn dân gian không thể thiếu trong lễ hội “Kỳ an tá thổ” rất phổ biến ở các vùng nông thôn Khánh Hòa xưa, nghệ thuật hát xà hát mộc (hay còn gọi là nghệ thuật hát mộc) theo thời gian đang ngày càng mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền. Lại thêm một lần, câu chuyện phục hồi và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống được đặt ra đối với những người làm công tác quản lý ở lĩnh vực văn hóa của tỉnh.
Ông Lê Bộc - người lưu giữ những hiểu biết và cách thức biểu diễn hát mộc. |
Được sự giới thiệu của một người nhiều năm làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian, chúng tôi tìm gặp ông Lê Bộc (còn gọi là ông Tám Đũa) ở làng văn hóa Xuân Tự (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh). Ông Lê Bộc từ lâu đã nổi tiếng với biệt danh “ông ngoại của đoàn múa dân gian Vạn Ninh”; là người gần như duy nhất có sự am hiểu khá cặn kẽ về nghệ thuật hát mộc. Theo lời ông Lê Bộc, hát mộc vốn thường được biểu diễn trong lễ hội “Kỳ an tá thổ” (nghĩa là mượn đất cầu an), được tổ chức vào ngày 18-3 (âm lịch) hàng năm. “Cách biểu diễn hát mộc gần giống với hát tuồng, tuy nhiên hát mộc đơn giản và dễ hiểu hơn. Trong hát mộc, các diễn viên thường phải sử dụng rất nhiều vũ đạo để thể hiện các trận chiến đấu “chém rắn, chặt cây” diệt trừ cái ác. Đặc biệt, hát mộc có những câu thần chú của các thầy phù thủy dùng để làm phép, triệu hồn, gọi âm binh thiên tướng. Những yếu tố đó tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với người xem”, ông cho biết.
Về lễ hội “Kỳ an tá thổ”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Viết Trung trong bài viết “Hát mộc trong lễ hội kỳ an tá thổ ở nông thôn Khánh Hòa xưa” nêu rõ: “Ngày xưa, khi dân chúng di cư tới lập nghiệp thường bị “ma quỷ” quấy nhiễu không làm ăn được. Người ta cầu các vị thần linh lên hỏi, mới biết là vùng đất này thuộc về các vị thần linh của người Chàm (Chăm) xưa. Muốn được yên ổn làm ăn thì gia chủ phải làm giấy “vay mượn đất” và “nạp lễ vật” cho chủ đất cũ. Thủ tục này được các thầy pháp thực hiện bằng một lễ cúng gọi là lễ tá thổ”. Trong lễ cúng tá thổ ở các làng xã, sau phần lễ chính thường diễn ra phần biểu diễn nghệ thuật với các trò như múa bóng, múa siêu, hò bá trạo và đặc biệt là hát mộc. “Hát mộc là trò diễn dân gian được ghi thành bài bản hẳn hoi, với các chỉ dẫn về nghi thức tế lễ, về nội dung đối tượng cầu đảo, một kịch bản trò diễn với những nhân vật cụ thể, với những pha phù phép điều binh khiển tướng, cùng với nhiều trò vui chơi hội hè múa hát được tập hợp thành một tuồng tích hoàn chỉnh. Chẳng những thế, nó đã được các nghệ nhân dân gian gia công tập luyện, làm thành những ngón nghề biểu diễn điêu luyện, có tính chiến đấu, tính hấp dẫn cao”. Có thể thấy, từng có một thời kỳ nghệ thuật hát mộc rất được người dân Khánh Hòa ưa chuộng. Loại hình nghệ thuật này gắn với những giá trị tâm linh thuần khiết của nhân dân, đó là ước vọng tiêu diệt cái ác, cái xấu để giữ gìn cuộc sống an lành. Dấu ấn nghệ thuật xưa vẫn còn nhưng do nhiều yếu tố khách quan khác nhau nên hát mộc bây giờ không còn “đất diễn”.
Nguy cơ thất truyền
Hát mộc là loại hình nghệ thuật dân gian chỉ được truyền miệng và lưu truyền trong nội bộ gia đình. Ngoài ra, các yêu cầu khắt khe trong việc tuyển chọn diễn viên (không chỉ hát hay mà còn phải biết võ thuật) đã khiến hát mộc trở thành một bộ môn rất kén người diễn. Cùng với thời gian và cách nhìn nhận thiếu khách quan về loại hình hát mộc, loại hình nghệ thuật này đến nay chỉ còn trong ký ức của rất ít người. Hiện nay, gần như chỉ còn ông Lê Bộc là người có sự hiểu biết và nhớ được cách thức tổ chức một buổi hát mộc. “Nhiều năm nay, hát mộc đã không còn được biểu diễn, con cháu cũng không mấy hào hứng với lối hát này. Chỉ mong sao chính quyền quan tâm đến việc giữ gìn và phục dựng kịp thời để kẻo một mai thất truyền”, ông Lê Bộc tâm sự. Sự lo lắng của ông không phải không có cơ sở khi ông năm nay đã 84 tuổi, sức khỏe và trí nhớ giảm sút nhiều. Theo lời ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh: “Năm 1987, nhà hát có sưu tầm được một văn bản Hán - Nôm có tên “Diễn tích Chân Tông kỳ an tá thổ khu mộc cổ truyền ca”. Đây có thể xem là kịch bản khá hoàn chỉnh về hát mộc. Kịch bản này do cụ Lê Huấn ở thôn Hiền Lương (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) cung cấp”. Cũng theo ông Tứ Hải, việc giữ gìn, phục dựng nghệ thuật hát mộc là việc cần phải ưu tiên làm ngay. Bởi số lượng những người am hiểu về loại hình này đang ngày một ít dần, nguy cơ thất truyền rất lớn.
Như vậy, nguy cơ thất truyền nghệ thuật hát mộc là có thật và rất cần sự quan tâm của giới chuyên môn lẫn cơ quan chức năng. Trong bối cảnh đó, một tín hiệu lạc quan đến với những người tâm huyết với hát mộc chính là việc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch dự kiến lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể ở Khánh Hòa và đề nghị đưa hát mộc vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Rất mong việc làm này sớm được thực hiện để hát mộc không bị thất truyền.
NHÂN TÂM
Bài 2: Tìm về bản sắc nghệ thuật múa bóng