Việc hàng trăm lễ hội lớn nhỏ diễn ra trong năm đã trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý. Tuy nhiên, bằng những biện pháp tích cực, hợp lòng dân, công tác tổ chức và quản lý hoạt động các lễ hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã dần đi vào nề nếp…
Việc hàng trăm lễ hội (LH) lớn nhỏ diễn ra trong năm đã trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý. Tuy nhiên, bằng những biện pháp tích cực, hợp lòng dân, công tác tổ chức và quản lý hoạt động các LH trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã dần đi vào nề nếp…
Sau Tết Nguyên đán, dư luận cả nước bức xúc với thực trạng “buôn thần bán thánh”, mua quan cầu danh tại nhiều LH lớn nhỏ khắp trong Nam ngoài Bắc. Điều này đã làm biến tướng, mất đi bản sắc văn hóa vốn có của các LH. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 162 về công tác quản lý hoạt động các LH. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), lãnh đạo các tỉnh, thành nghiêm túc thực hiện việc tổ chức, quản lý hoạt động của các LH một cách văn minh, lành mạnh; thanh tra, kiểm tra, chịu trách nhiệm về các LH… Thực hiện chỉ đạo đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã đích thân đi kiểm tra, nắm tình hình về việc quản lý và tổ chức LH ở các tỉnh, thành, trong đó có Khánh Hòa. Đánh giá về công tác tổ chức và quản lý LH của tỉnh, ông Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: “Qua kiểm tra tình hình quản lý và tổ chức LH ở Khánh Hòa, có thể thấy địa phương đã tổ chức tốt các LH, đặc biệt là các LH cấp quốc gia. Các hiện tượng như xin ăn, mê tín dị đoan đã được dẹp bỏ. Tuy nhiên, tỉnh nên chú ý đến việc tổ chức các LH lịch sử, LH truyền thống cách mạng”.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar - một trong những lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh được tổ chức ngày càng quy củ. |
Thời điểm này, các cấp quản lý trong tỉnhø đang gấp rút chuẩn bị cho 2 LH cấp quốc gia. Với LH Tháp Bà Ponagar, tuy còn hơn 1 tháng rưỡi nữa mới đến chính hội, nhưng từ bây giờ khâu chuẩn bị cơ bản đã được tiến hành. Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh, dự kiến năm nay lượng khách hành hương về lễ Mẫu sẽ đông hơn năm trước. Vì thế, Trung tâm đã lên phương án lo chỗ ăn, chỗ ở đảm bảo hợp vệ sinh, sạch sẽ cho khách; lên danh sách các đoàn đến lễ Mẫu… Trong LH Tháp Bà Ponagar, những nghi thức như: Lễ tắm tượng, tế chánh, thứ lễ, tôn vượng, lễ cầu quốc thái dân an, múa bóng… đều được tổ chức một cách trang nghiêm, đúng quy định. Ngoài ra, tại LH còn tổ chức nhiều hoạt động mang tính “hội” nhằm phục vụ khách hành hương như thi lấy nước dâng Mẫu, thi cắm bông, biểu diễn văn nghệ… Để ngăn chặn các hành vi mê tín dị đoan, xin ăn, trộm cắp… Trung tâm đã phối hợp với Công an phường Vĩnh Phước (Nha Trang) đảm bảo cho LH diễn ra lành mạnh. Trong khi đó, Festival Biển được định kỳ tổ chức 2 năm một lần; sau 4 lần tổ chức Festival đã góp phần xây dựng và tôn vinh thương hiệu “Nha Trang - Khánh Hòa văn minh và thân thiện”. Chuẩn bị cho Festival Biển lần thứ 5 (năm 2011), Ban tổ chức đã đề ra chương trình với 50 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao diễn ra từ ngày 11 đến 15-6. Qua kỳ Festival này, hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa sẽ thêm một lần được quảng bá đến bạn bè cả nước và trên thế giới. Xác định Nha Trang - Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, tiến tới xây dựng thành một thành phố chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, điều cần thiết chính là việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động văn hóa.
Vẫn biết, đối với các tỉnh Nam Trung bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng, tình trạng lợi dụng LH để nảy sinh các hoạt động thiếu lành mạnh ít gay gắt hơn. Tuy nhiên, vẫn cần sự chuẩn bị chu đáo để các LH diễn ra trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, thể hiện được nét đẹp văn hóa của dân tộc.
N.T