Không quá quy mô như mọi năm nhưng gần 200 tác phẩm nghệ thuật tham gia triển lãm Sinh vật cảnh và thư pháp - thư họa mừng Xuân Tân Mão 2011 đã thực sự làm thỏa lòng đam mê của những người yêu nghệ thuật.
Không quá quy mô như mọi năm nhưng gần 200 tác phẩm nghệ thuật tham gia triển lãm Sinh vật cảnh và thư pháp - thư họa mừng Xuân Tân Mão 2011 đã thực sự làm thỏa lòng đam mê của những người yêu nghệ thuật.
Những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân được trưng bày tại triền lãm. |
Được tạo hình một cách tự nhiên bởi quá trình bào mòn của thiên nhiên, các khối gỗ là phần lõi còn lại của các loại cây có độ tuổi từ vài chục đến hàng trăm năm qua bàn tay gọt giũa của các nghệ nhân đã làm những người yêu nghệ thuật thực sự thích thú và tâm đắc. Tiêu biểu là tuyệt tác gỗ lũa mang dáng hình những con rồng đang bay, đại bàng đứng dang cánh trên đỉnh núi, dáng người mẹ dang cánh tay ôm con vào lòng… hay những tác phẩm gỗ lũa ngậm đá tự nhiên vô cùng độc đáo, quý hiếm.
Xuất hiện trong các chương trình triển lãm sinh vật cảnh từ khoảng 3 năm trở lại đây, các tác phẩm đá cảnh ngày càng làm thỏa lòng những người say mê nghệ thuật bằng những tuyệt tác sinh động và độc đáo. Bên cạnh một số tác phẩm thuộc dòng đá Biseki (đá bán quý) đã qua bàn tay gọt giũa của các nghệ nhân, hầu hết tác phẩm đều thuộc dòng đá Suiseki (đá tự nhiên) được sưu tầm chủ yếu ở khu vực Cầu Bà (Khánh Vĩnh). Nếu không phải là người trong nghề, ắt hẳn ai nhìn qua cũng nhận thấy đây chỉ là những hòn đá bình thường, có chăng là hình dáng của đá có phần “kì dị”. Tuy nhiên, với các nghệ nhân, mỗi một hòn đá đều có một hồn riêng và vì thế cũng có ngôn ngữ riêng. Tùy theo đặc điểm hình thù của đá, bằng sự tưởng tượng của mình, các nghệ nhân đặt cho đá một tên gọi biểu trưng là “Đôi bạn” hay “Lòng mẹ…
Góp mặt cùng triển lãm năm nay, họa sĩ Lê Vũ, người từng được ghi nhận trong bộ sách Những kỷ lục Việt Nam với 100 bức tranh thư họa chân dung danh nhân, đồng thời là Chủ nhiệm CLB Thư pháp - Thư họa đã ra mắt bộ 3 tác phẩm thư họa danh nhân: cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhà thơ “ngông” Bùi Giáng và vua hề Charlie Chaplin. Những bức họa với một phần là tranh tả chân con người thực và phần kia là thư họa người hầu như làm toát lên toàn bộ thần thái của người được đặc tả, khiến đông đảo công chúng phải đứng lặng rất lâu ngắm nhìn.
Nếu bức họa của họa sĩ Lê Vũ tả chân một Trịnh Công Sơn rất yêu đời, yêu người với nụ cười rạng rỡ thì bộ 4 bức họa đề chữ trên nền chất liệu mành tre của Phạm Sanh lại lột tả một Trịnh Công Sơn đầy suy tư, trăn trở lẽ đời bên những vòng khói thuốc lan tỏa. Cùng với bức họa Bồ Đề Đạt Ma, các bức họa được đề chữ thư pháp Việt theo lối viết chân phương cách điệu rất đẹp của Phạm Sanh là một trong những điểm nhấn của triển lãm năm nay.
Trong khi đó, với tuổi đời còn khá trẻ, họa sĩ Lê Bảo đã sớm tìm được dấu ấn riêng cho mình bằng bộ 4 bức thư pháp với 4 chữ “Cha”, “Mẹ”, “Tâm”, “Nhân” được khắc trên nền gỗ mun hình chữ nhật. Tác phẩm không chỉ cho thấy sự sáng tạo đầy khổ luyện của người nghệ sĩ, mà còn khẳng định quyết tâm đi tìm “cái tôi” riêng trong “cái ta” chung. Tuy được viết bằng kiểu chữ cách điệu trừu tượng nhưng không khó để người xem hình dung ra dáng núi thầm lặng từ chữ “Cha”, hình ảnh dòng sông hiền hòa từ chữ “Mẹ”; chữ “Tâm” được phác họa bằng hình tượng những đốt tre và chữ “Nhân” được cách điệu gần giống một chữ Hán cổ. Độc đáo và ấn tượng không kém là bộ 5 tác phẩm thơ thư pháp tự tình được viết trên nền gỗ của nghệ nhân Tâm Diệp và bộ 4 chữ thư họa “Long”, “Lân”, “Quy”, “Phụng” được viết bằng bút lược với những đường nét bay bổng phóng khoáng của nghệ nhân Minh Lý; tranh thủy mặc chủ đề mùa Xuân của Lê Vũ, Đậu Phi Hùng và một số tác phẩm thư pháp - thư họa chữ Hán của tác giả Song Lục…
Không quá hoành tráng như mọi năm, nhưng triển lãm Sinh vật cảnh và thư pháp - thư họa năm nay thật sự đã mang lại cho công chúng những tuyệt tác nghệ thuật độc đáo đáng chiêm ngưỡng và trân trọng.
NGỌC THẢO