12:02, 25/02/2011

Lê Vũ - người họa sĩ đa tài và đa tình

Đến thăm họa sĩ Lê Vũ một ngày đầu Xuân Tân Mão tại ngôi nhà của ông ở số 160 đường Tôn Thất Tùng (TP. Nha Trang) khi được khắc tên “Bảo Thụy 4”, tôi được nghe câu chuyện đời của một người nghệ sĩ không chỉ đa tài mà còn rất đỗi “đa tình”.

 Họa sĩ Lê Vũ bên các bức thư họa danh nhân.

Đến thăm họa sĩ Lê Vũ một ngày đầu Xuân Tân Mão tại ngôi nhà của ông ở số 160 đường Tôn Thất Tùng (TP. Nha Trang) khi được khắc tên “Bảo Thụy 4”, tôi được nghe câu chuyện đời của một người nghệ sĩ không chỉ đa tài mà còn rất đỗi “đa tình”.

. Lê Vũ và đời

Sinh năm 1949 tại Quảng Nam, là con trai duy nhất trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng cổ nhưng Lê Vũ không đi theo nghiệp nhà. Thời thanh niên, ông vào Hội An học vẽ. Đến những năm 1960, ông theo đoàn tuồng Thùy Dương của cha đi lưu diễn các tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên với vai trò họa sĩ vẽ áp phích và phông màn.

Dừng chân tại Xóm Bóng (Nha Trang), ông gặp gỡ và kết duyên cùng một thiếu nữ họ Đạo vào năm 20 tuổi. Vừa tiếp tục học vẽ, ông vừa vẽ pa-nô phim cho rạp Ciné Tân Quang (nay là Siêu thị Maximark Quang Trung). Cuộc đời hơn 40 năm tiếp theo của Lê Vũ là cả một chuỗi ký ức sống động về những… ngôi nhà. Những ngôi nhà lần lượt được mang tên Bảo Thụy (Bảo: tên các con trai, Thụy: tên các con gái) không chỉ gắn bó mật thiết với ông và gia đình mà cả những văn nghệ sĩ tên tuổi của làng nghệ thuật Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung.

Năm 1976, sau khi trải qua 3 căn nhà thuê với những ký ức vui buồn, vợ chồng Lê Vũ mua được mảnh đất hơn 300m2 nằm ngoài khuôn viên Trường Mẫu Tâm (nay là Trường Tiểu học Vĩnh Thọ). Không còn tiền cất nhà nên dù không hiểu nhiều về kiến trúc, ông đã tự thiết kế, tự làm nhà bằng gỗ và vật tư phế liệu xin được ở kho Nha Trang Ciné và rạp hát Tân Tiến. Cám cảnh căn nhà dột nát của ông, những nghệ sĩ nhiệt tình đã tự tay thiết kế bản vẽ, xây lại ngôi nhà trên nền vật tư tận dụng. Căn nhà nho nhỏ mang dáng dấp của ngô biệt thự Đà Lạt với chiếc cầu thang ngoài thấp thoáng dưới tán cây râm mát và chiếc bàn đá cũ ngự trị ở sân nhà mà ông kỳ công mang về từ Hòn Chồng đã trở thành nơi hội ngộ của những mối tình bằng hữu tâm giao - những cái tên của “Vườn hoa lạ” danh tiếng một thời như: Vĩnh Hiền, Đặng Cước, Trần Thanh Cường…

Năm 1981, sau khi “gặt hái” 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh và Quân khu 5, ông gia nhập Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng với vai trò là diễn viên độc tấu nhạc cụ. Dành dụm được một số vốn, ông xây lại ngôi nhà cũ với tường gạch, mái lợp ngói đỏ, cửa sắt ốp kính. “Mái nhà xinh” một lần nữa được xây lên bằng rượu và tình bạn với chiếc bàn đá vẫn ngự trị giữa sân - nơi gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng Bắc Nam như: nghệ sĩ kịch câm Đặng Dũng, nhạc sĩ Trần Tiến, Y Vân, Thanh Tùng, Xuân An…

. Những bước đường nghệ thuật

Hơn 10 năm rong ruổi với Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, năm 1992, Lê Vũ trở về Nha Trang Video làm họa sĩ thiết kế phim truyện với bộ phim đầu tay mang tên “Vĩnh biệt chân trời cũ”, sau đó lập công ty quảng cáo tại nhà. Tuy nhiên, trong một thời gian dài ông vẫn cứ trăn trở và ray rứt mãi về những bức tranh “chưa phải của riêng mình”. Cho đến một lần may mắn được tham dự Hội chợ - Hội thảo - Triển lãm toàn quốc “Triển vọng Việt Nam 2000 - 2010” tại TP. Hồ Chí Minh, một dự cảm gần như rõ ràng về một hướng đi mới đã ùa đến khi ông nhìn thấy bức thư họa chữ “Ngộ” tượng hình chân dung Đức Phật. Trở về, ông loay hoay mãi với những khung giấy rồi cuối cùng cũng cho ra bức thư họa đầu tiên là 2 chữ “Giác Ngộ” với chữ “Giác” được hình tượng thành búi tóc và dái tai bên trái của Đức Phật. Lê Vũ trở thành người mở đường cho nghệ thuật thư họa. Ông miệt mài và say sưa sáng tác. Hơn 20 bức thư họa lần lượt ra đời 1 năm sau đó như: thư họa chữ “Từ bi” tượng hình thành Quan Thế Âm Bồ Tát với chiếc bình cam lộ, chữ “Bác ái” được tượng hình thành Đức Chúa Giêsu…; thư họa về các nhân vật như: Phật Di Lặc, Bồ Đề Đạt Ma, Quan Công, Ănghen, Lênin, Yersin, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng… Đặc biệt, bức thư họa chân dung Bác Hồ được giới nghệ sĩ hết lời khen ngợi khi ra mắt công chúng tại cuộc triển lãm đầu tiên của ông mang tên “Hồn Chữ Việt” năm 2001. Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đến tháng 7-2009, Lê Vũ đã thực hiện hơn 100 bức thư họa danh nhân và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là “Người vẽ thư họa danh nhân thế giới nhiều nhất” vào năm 2010.

Bận bịu với đường sinh kế nhưng với niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật, ông vẫn dành thời gian hí hoáy bút nghiên và cho ra đời các bức thư họa danh nhân để góp mặt cùng các mùa triển lãm. Mới đây, tại Triển lãm sinh vật cảnh và thư pháp - thư họa năm 2011, ông đã ra mắt 3 trong số 10 tác phẩm của bộ sưu tập mới mà mình dày công ấp ủ, bao gồm: các bức thư họa cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ “ngông” Bùi Giáng, vua hề Charlie Chaplin với một bên là bức họa tả chân, một bên là thư họa. Đây có thể xem là một bước đột phá mới trên bước đường sáng tạo nghệ thuật của Lê Vũ. Ông cho biết, ngoài tập sách “Những cánh hoa bất tử” giới thiệu về 38 danh nhân kiệt xuất của thế giới và 12 danh nhân kiệt xuất của Việt Nam được viết bằng song ngữ Việt - Anh đang được triển khai, sắp tới, ông sẽ thực hiện tiếp tập sách giới thiệu 50 bức thư họa danh nhân được sáng tạo bằng phương thức mới là tả chân và thư họa.

Rời khỏi căn nhà Bảo Thụy 4, đọng lại trong tôi không chỉ là những bức thư họa xuất thần của một người nghệ sĩ đa tài, mà còn là chân dung một con người với tình yêu tha thiết và chân thành dành cho con người và nghệ thuật.

NGỌC THẢO