08:02, 24/02/2011

Cần tạo môi trường để “hạt giống” có điều kiện phát triển

Lâu nay, dư luận vẫn băn khoăn trước việc ngày càng khan hiếm tài năng âm nhạc trẻ trên địa bàn tỉnh. Lý giải điều này có nhiều cách, người cho rằng do sự “chảy máu tài năng”, người khẳng định đó là vì chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc bồi dưỡng, đào tạo tài năng trẻ… Vậy thực chất của vấn đề ở đâu?

Lâu nay, dư luận vẫn băn khoăn trước việc ngày càng khan hiếm tài năng âm nhạc trẻ trên địa bàn tỉnh. Lý giải điều này có nhiều cách, người cho rằng do sự “chảy máu tài năng”, người khẳng định đó là vì chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc bồi dưỡng, đào tạo tài năng trẻ… Vậy thực chất của vấn đề ở đâu?

Để đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên, chúng tôi đã đến lớp đào tạo trình độ sơ trung (sơ cấp và trung cấp) âm nhạc thuộc Khoa Âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Đây là địa chỉ duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo, bồi dưỡng tài năng âm nhạc trẻ một cách chính quy. Đến lớp học năm thứ nhất của bậc học này, chúng tôi thấy khoảng 15 em học sinh lớp 4 lớp 5 đang say sưa học nhạc lý dưới sự hướng dẫn của thầy giáo. Theo đề nghị của chúng tôi, thầy giáo phụ trách mời 3 em lên đàn một đoạn trong bản Romance De Amor. Nhìn ánh mắt đam mê, những ngón tay nhẹ nhàng lướt trên phím đàn piano tạo nên những giai điệu mượt mà, chúng tôi đồng cảm với những nỗ lực của đội ngũ giáo viên nơi đây.

 Những “hạt giống” âm nhạc như thế này rất cần môi trường để phát triển.
Được xác định là bậc học mũi nhọn của Khoa Âm nhạc, vậy nên từ nhiều năm qua, công tác tuyển sinh luôn được nhà trường thực hiện một cách chặt chẽ. Đầu vào của bậc học này là các em học sinh trong độ tuổi từ 10 đến 12, có năng khiếu âm nhạc, hình thể phù hợp. Các em được lựa chọn thông qua hình thức thẩm âm và tiết tấu. Mỗi năm, cứ vào dịp cuối Hè, nhà trường lại tổ chức tuyển sinh và trong số hàng trăm thí sinh dự thi thì số lượng được lựa chọn trung bình từ 15 - 17 em/lớp học. Sau khi vào trường, các em được chia ra để học nhạc cụ dân tộc (gồm đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, đàn nhị, đàn tam thập lục…) hoặc nhạc cụ phương Tây (như guitar, violon, piano, một số loại kèn). Với mô hình lớp học một thầy một trò, lịch học được sắp xếp sao cho phù hợp với lịch học văn hóa của các em ở trường phổ thông; cuối tuần, các em được học tập trung. Trong quá trình học 8 năm (5 năm sơ cấp, 3 năm trung cấp), các em được học một cách bài bản và kỹ lưỡng về nhạc lý, hòa âm, phân tích tác phẩm, hát dân ca, đồng ca, hòa tấu âm nhạc… Ngoài ra, các em còn tham gia biểu diễn, được giới thiệu đi dự một số cuộc thi âm nhạc để qua đó có thể chọn lựa những nhân tố xuất sắc. Đến thời gian kết thúc bậc học này, nhà trường đảm bảo mỗi em sẽ sử dụng thành thạo một nhạc cụ chính và 3 nhạc cụ phụ.

Ngoài bậc học sơ trung cấp, tại Khoa Âm nhạc của trường còn đào tạo bậc học trung cấp cơ bản và cao đẳng. Các bậc học này đều có phương pháp và cách thức đào tạo mang tính truyền thống. Điều này sẽ đảm bảo việc cung cấp cho xã hội những người có thể đi theo con đường nghệ thuật. Tuy nhiên, việc phát hiện những tài năng thực sự nổi bật còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Bởi có một thực tế là lâu nay rất nhiều sinh viên chuyên ngành âm nhạc ra trường thường an phận với công việc ở một đoàn nghệ thuật hoặc cơ quan văn hóa nào đó, ít có sự phấn đấu để sự nghiệp thăng hoa. Cũng có trường hợp, những người có tài năng và lòng đam mê thì chọn giải pháp vào TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp. Bởi với họ, môi trường âm nhạc ở Nha Trang - Khánh Hòa chưa đủ mạnh để có thể níu giữ họ. Nhiều người trong số họ đã thành công như ca sĩ Anh Khoa, Mai Khôi…

Trong điều kiện những “lò” đào tạo ca sĩ, nghệ sĩ đang mọc lên như “nấm sau mưa” ở các trung tâm âm nhạc lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì việc những năng khiếu nhỏ tuổi của chúng ta lọt vào “mắt xanh” của những người chuyên đi “săn kiếm tài năng” cũng trở nên phổ biến. Những yếu tố trên, cùng với quy luật xuất hiện và phát triển tài năng mang tính giai đoạn, thời điểm đã dẫn tới thực trạng lâu nay chúng ta thiếu đi những tài năng nổi bật. Để có được những nghệ sĩ tài năng, điều chúng ta nên làm bây giờ chính là việc tạo môi trường để những “hạt giống” âm nhạc có điều kiện phát triển. Đó có thể là môi trường đào tạo, giảng dạy; cũng có thể là sự quan tâm, đầu tư đúng định hướng cho các đoàn nghệ thuật, các trung tâm văn hóa… Nếu chúng ta càng sớm xây dựng được một môi trường âm nhạc phát triển thì công chúng yêu âm nhạc càng sớm được thỏa mãn niềm mong mỏi về một tài năng âm nhạc làm rạng danh tỉnh nhà.

N.T