Biết Câu lạc bộ này hoạt động đã 5 năm, nhưng khi tới chơi và được nghe các anh chị đờn, ca, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
Biết Câu lạc bộ (CLB) này hoạt động đã 5 năm, nhưng khi tới chơi và được nghe các anh chị đờn, ca, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Lâu nay, tôi cứ ngỡ đờn ca tài tử (ĐCTT) là “đặc sản” của vùng quê sông nước miệt vườn Nam bộ; nay mới thấy ĐCTT đang hình thành và dần phát triển giữa lòng một thành phố du lịch hiện đại.
Chung đam mê
Tôi được “mục sở thị” một buổi tập luyện của CLB ĐCTT tại Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh vào một sáng Chủ nhật se lạnh. Mọi người đã có mặt đông đủ và đang ôn lại bài trước khi ráp nhạc. 50 hội viên của CLB ĐCTT thuộc TTVH tỉnh đã gắn bó với nhau suốt 5 năm qua. Thời gian dẫu chưa quá dài, nhưng với một CLB gồm nhiều thành phần, có người là nhạc công, diễn viên ở đoàn Tuồng, Dân ca, người kinh doanh, người nội trợ và có cả cán bộ, nhân viên Nhà nước…, thì điều gắn kết mọi người chỉ có thể là niềm đam mê vô tận với ĐCTT. Cũng chính vì vậy, khi có lịch sinh hoạt, mọi người đều sẵn sàng gác công việc sang một bên để tới tập luyện tiết mục cho thật nhuyễn trước khi biểu diễn. Chị Kim Liễu tâm sự: “Lúc trước mình mở quán cà phê kinh doanh, nhưng sau một lần gặp nạn mình dẹp hết và nghỉ luôn. Mình muốn tìm đến điều gì đó cho khuây khỏa và được bạn bè giới thiệu tới CLB ĐCTT. Ban đầu, mình chưa biết ca vọng cổ; sau đó tìm thầy tự học, rồi mê ĐCTT lúc nào không biết”. Còn Kim Thủy biết ca vọng cổ từ nhỏ vì ba Thủy mở lớp dạy tại nhà. Nhờ vậy, xem Thủy vào vai Ngọc Hân Công chúa trong trích đoạn cải lương “Tâm sự Ngọc Hân”, thấy “ngọt xớt” chẳng kém gì diễn viên chuyên nghiệp. Vậy nhưng thời gian tập luyện của Thủy đa phần là “tranh thủ”: Ban ngày làm ở xí nghiệp, tối mới tới CLB tập luyện. Nhỏ tuổi nhất có lẽ là Hồng Tuyết. 19 tuổi, nhưng Tuyết cũng kịp “vượt” một số anh chị trong CLB khi có “thâm niên” tới 4 năm đi hát.
Nhà Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kim Chi là điểm tập luyện thường xuyên của nhóm. |
Ngọn lửa âm ỉ cháy
CLB ĐCTT hiện sinh hoạt theo định kỳ vào sáng Chủ nhật hàng tuần tại TTVH tỉnh. Tại đây, các anh chị luyện những bài, bản mới để biểu diễn khi có yêu cầu. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế khi đến Nha Trang, CLB còn có thêm những chương trình biểu diễn dân ca, cải lương, bài chòi… giới thiệu về quê hương Khánh Hòa. Ông Cao Minh Thọ - Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa quần chúng (TTVH tỉnh) nhận xét: Hoạt động của CLB ĐCTT theo định hướng của TTVH tỉnh nhằm cố gắng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các chương trình biểu diễn của CLB thường gắn với dịp kỷ niệm các ngày lễ trong năm, có khi, anh chị em đi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Anh chị em rất nhiệt tình, biểu diễn cũng rất có hồn. Tuy nhiên, hiện nay, TTVH tỉnh mới chỉ tạo điều kiện về cơ sở tập luyện, còn kinh phí trang trải, anh chị em vẫn phải tự đóng góp. Trong các CLB sinh hoạt tại TTVH tỉnh, đây là CLB có hoạt động khá phong phú”.
CLB cũng đã có những chương trình cộng tác thường xuyên được phát trên sóng FM của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa. Ở CLB, những anh chị đã “có nghề”, có thâm niên luôn sẵn sàng dìu dắt những người mới vào nghề để luyện cho lời ca nhuyễn hơn, “mùi” hơn và tạo được phong cách riêng. Mỗi tiết mục đều được các anh chị dàn dựng cẩn thận; chú trọng từ trang phục (mỗi người tự chuẩn bị) đến ráp nhạc, diễn xuất… Rất thuận lợi là CLB có đủ những nhạc cụ chủ yếu của một dàn nhạc ĐCTT như đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn sến, ghi-ta phím lõm… và những “nhạc công” chơi khá nhuyễn. Với một số chương trình được chuẩn bị và luyện tập hàng tuần, CLB có thể giao lưu và phục vụ các khách quốc tế đến Nha Trang có nhu cầu thông qua lời mời của các khách sạn. Cũng có khi, cả CLB hào hứng kéo xuống tận Vĩnh Trường (Cửa Bé - Nha Trang) biểu diễn miễn phí cho bà con trong khu vực. Ngoài kinh phí các thành viên tự đóng góp, để duy trì hoạt động và “nuôi dưỡng” niềm đam mê, nhiều khi, Chủ nhiệm CLB phải tất tả ngược xuôi tìm “đất diễn” và chút “bồi dưỡng” gọi là cho anh chị em.
Ở Khánh Hòa, tuy ĐCTT chưa phát triển mạnh như ở các tỉnh Nam bộ hay TP. Hồ Chí Minh, nhưng tâm huyết, công sức của các anh chị trong CLB đã góp phần quan trọng dần nhen lên ngọn lửa tình yêu cho người dân thành phố biển với loại hình văn hóa phi vật thể này của dân tộc. Có đến xem, đi cùng vài buổi, mới hiểu hết những vất vả, công sức mà các anh chị em bỏ ra cho một tiết mục. Điều đó càng giá trị khi các anh chị đang tự đóng góp kinh phí để biểu diễn cho thỏa lòng đam mê. Vẫn biết, theo đuổi con đường nghệ thuật, tuy là không chuyên, nhưng cũng nhọc nhằn, gian nan. Nhưng dứt ra thực cũng không dễ, bởi họ đã trót đam mê và yêu ĐCTT mất rồi. Cũng nhờ thế, Nha Trang mới có thêm được một loại hình biểu diễn âm nhạc dân gian phục vụ khán giả; tuy chỉ là một ngọn lửa nhỏ nhoi, nhưng vẫn đang âm thầm “cháy”…
XUÂN BÌNH