05:11, 07/11/2010

Văn học Nga: Vang bóng một thời!

Từng có một thời, những tác phẩm văn học Nga gắn bó mật thiết và trở thành người bạn tinh thần với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Ở đó, người đọc có thể tìm thấy những giá trị nhân văn, nhân bản của cuộc sống; những phương châm, lý tưởng sống cho mỗi người. Sau những biến chuyển của thời cuộc, dòng chảy văn học Nga vẫn còn hiện hữu ở Việt Nam; tuy nhiên, nó đã không còn giữ được nét sôi nổi của một thời.

Từng có một thời, những tác phẩm văn học Nga gắn bó mật thiết và trở thành người bạn tinh thần với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Ở đó, người đọc có thể tìm thấy những giá trị nhân văn, nhân bản của cuộc sống; những phương châm, lý tưởng sống cho mỗi người. Sau những biến chuyển của thời cuộc, dòng chảy văn học Nga vẫn còn hiện hữu ở Việt Nam; tuy nhiên, nó đã không còn giữ được nét sôi nổi của một thời.

Bây giờ, bạn đọc trẻ tuổi ít đam mê với văn học Nga.    
Bây giờ, bạn đọc trẻ tuổi ít đam mê với văn học Nga.
Cuối những năm 80 của Thế kỷ XX trở về trước, độc giả Việt Nam dường như chỉ biết đến những tác giả, tác phẩm của nền văn học Nga vĩ đại. Thời đó, hầu như trên giá sách của nhiều người Việt Nam đều có một vài quyển về văn học Nga. Với những người mê đọc sách, văn học Nga trở thành những tác phẩm “gối đầu giường”. Tên tuổi của những nhà văn như: Gogol, L.Tolstoi, A.Tschekov, A.Pushkin, Dostoyevsky, M.Gorki, M.Solokhov, Aitmatov, Paustovsky… được bạn đọc biết đến khá tường tận. Những tác phẩm như: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Người mẹ, Thời thơ ấu, Sông đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Thảo nguyên, Thép đã tôi thế đấy, Người thầy đầu tiên… trở thành hành trang không thể thiếu của biết bao thế hệ độc giả. Theo đó, những nhân vật như: Tướng Kutuzov, Grigorin, Paven Kovshagin… được người đọc hiểu rõ tính cách, số phận, thậm chí còn coi đó là lý tưởng sống của bản thân mình. Vào thời “hoàng kim” của văn học Nga trên lãnh thổ Việt Nam, những tác phẩm hay liên tục được các dịch giả Việt Nam chuyển ngữ một cách nhanh chóng, kịp thời và có trách nhiệm đến người đọc. Cùng với tên tuổi vĩ đại của các nhà văn Nga, tên tuổi của các dịch giả như: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Thúy Toàn, Hoàng Trung Thông, Tố Hữu… cũng nằm lòng trong mỗi độc giả; thậm chí có độc giả tinh ý còn nhận biết được cả phong cách của người dịch nên chỉ cần nhìn tên dịch giả cũng có thể đoán được phần nào nội dung tư tưởng mà tác phẩm muốn đề cập tới. Sở dĩ vào thời hưng thịnh đó, văn học Nga được người đọc ở Việt Nam đón nhận như một người bạn thân thiết là do họ tìm thấy được tinh thần cao cả; lối phân tích xã hội sâu sắc; nỗi niềm trăn trở tìm lẽ sống, tìm con đường đi của mỗi cá nhân, dân tộc. Khát vọng vươn tới cái đẹp, tính thiện trong những tác phẩm này rất phù hợp với tính cách, lối sống, văn hóa của người Việt Nam.

Sau năm 1990, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, dòng chảy của các tác phẩm văn học phương Tây đã ào ạt tràn vào Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Độc giả có nhiều lựa chọn hơn cho thị hiếu thẩm mỹ của mình, chứ không chỉ riêng đọc văn học Nga. Ngoài ra, văn học Nga hiện nay đã không còn có được những tác giả, tác phẩm được xem là kinh điển, có thể gây ấn tượng mạnh đối với độc giả Việt Nam như ngày trước. Lớp nhà văn đương đại của văn học Nga vẫn có nhiều người được thế giới đánh giá cao nhưng trong cách nhìn nhận về con người, miêu tả về chiến tranh đã không còn phù hợp với tâm lý của nhiều độc giả Việt Nam. Có một số tác phẩm văn học Nga hiện đại được dịch ra tiếng Việt nhưng chủ yếu phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Dạo quanh các nhà sách lớn trên địa bàn TP. Nha Trang, ở khu vực sách văn học nước ngoài, chúng ta có thể thấy la liệt các bộ tiểu thuyết, tập truyện ngắn của các nhà văn Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật…; bên cạnh đó cũng có một vài tác phẩm của nền văn học Nga. Tuy nhiên, đó chính là những tác phẩm kinh điển đã được nhiều người biết đến từ lâu, còn những sáng tác gần đây không hề thấy bóng dáng. Hiện nay, nhiều tác phẩm ra đời trong thời kỳ nước Nga Xô Viết đã từng gắn bó với độc giả Việt Nam cũng hiếm khi được tái bản. Những độc giả tìm đến với văn học Nga hiện nay chủ yếu để phục vụ cho công việc học tập, nghiên cứu của mình.

Có thể thấy, hiện nay, văn học Nga đã không còn giữ được vị thế trên văn đàn thế giới. Tuy nhiên, với những “kỷ nguyên vàng”, “kỷ nguyên bạc” của mình, văn học Nga đã “đóng đinh” vào lòng bạn đọc những ấn tượng khó phai. Đối với lớp trẻ bây giờ, văn học Nga dường như xa lạ, nhất là trong thời kỳ văn hóa đọc đang sa sút trước sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại. Tuy không còn giữ được vị trí của nó nhưng văn học Nga vẫn là một nền văn học vĩ đại và luôn nhận được sự kính trọng của các nền văn học lớn khác trên thế giới.

NHÂN TÂM