Nếu so sánh cảm xúc giữa việc đọc một tác phẩm văn học với việc xem một tác phẩm điện ảnh thì đó là sự khập khiễng. Tuy nhiên, với những phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học vốn đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả thì người xem có quyền tự nhủ “phim có giống truyện không?”. Và bộ phim “Cánh đồng bất tận” là một trường hợp như thế.
. Một bộ phim xem được…
Cánh đồng bất tận từ ngày ra mắt đến thời điểm này vẫn đang là bộ phim thành công và gây được nhiều ấn tượng sâu sắc đối với khán giả. Không giống những phim trong thời gian gần đây thu hút khán giả bằng những cảnh hài, những pha võ thuật đẹp mắt…, bộ phim hấp dẫn người xem bằng câu chuyện cảm động về số phận con người mà cụ thể là những người nông dân của vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Từ những câu văn đầy ám ảnh của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, được nhà biên kịch Ngụy Ngữ chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và qua bàn tay của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cùng ê kíp làm phim tài năng, phim đã mang đến cho khán giả một tác phẩm điện ảnh có chất lượng. Tất nhiên, diễn xuất của dàn diễn viên “ăn khách” nhất hiện nay như Đỗ Thị Hải Yến, Dustin Nguyễn, Tăng Thanh Hà… cũng là một yếu tố quan trọng để bộ phim thu hút khán giả đến rạp. Ngập tràn trong phim là những hình ảnh đẹp về những cánh đồng miền Tây vô cùng, vô tận. Trên cánh đồng đó, chiếc ghe - cũng là mái nhà của 3 cha con Út Võ (Dustin Nguyễn) trôi nổi hết ngày này qua tháng khác trong không khí gia đình ngột ngạt bởi lòng thù hận, sự thiếu thốn tình cảm. Hình ảnh về sự phản bội của người vợ (Tăng Thanh Hà) đeo bám như một nhát dao cứa vào lòng Út Võ khiến ông trở nên cộc cằn, hung dữ. Tuổi thơ của chị em Nương (Lan Ngọc), Điền (Võ Thanh Hòa) lớn lên với nỗi ám ảnh về những “chuyện bậy” của má, với sự sợ hãi tính cộc cằn của ba. Trong hoàn cảnh đó, sự xuất hiện của Sương (Đỗ Thị Hải Yến) - cô gái điếm hết thời, trôi dạt từ Bắc vào Nam, từ thành phố về nông thôn như một làn gió nhẹ thổi vào cuộc sống ngột ngạt của 3 cha con Út Võ. Sương đã khiến cho lòng thù hận của Út Võ phần nào dịu lại; hai chị em Nương và Điền vơi bớt nỗi cô đơn, thiếu thốn tình cảm; bản thân Sương cũng tìm được cho mình một nơi bấu víu. Những tia hy vọng mới được thắp lên trong lòng mỗi người. Nhưng cuộc sống vốn không bình lặng của họ lại một lần nữa nổi sóng khi xã hội vẫn còn những kẻ xấu xa, sẵn sàng chà đạp lên cuộc sống của người khác. Gia đình Út Võ lại thêm một lần ly tán; Sương lại mất đi chỗ bấu víu duy nhất của đời cô, để lại rơi vào vòng đời phiêu dạt. Sẽ là một dấu hỏi lớn với cuộc đời nếu bộ phim kết thúc tại đây, nhưng những người làm phim đã cố đi tìm một câu trả lời khác khi chọn cái kết là cảnh ông Út Võ trở thành người đưa đò hàng ngày chở học sinh qua sông; còn Nương giữ “mầm sống” trong mình với lời hứa sẽ mang lại cho con một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy vẫn còn những lỗi mang tính chất thuần túy về nghiệp vụ điện ảnh, nhưng có thể coi đây là một bộ phim xem được.
. … Và một chút tiếc nuối
Điện ảnh Việt Nam những năm qua đã có nhiều bộ phim đình đám, nhưng phim nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả ngay từ khi mới bấm máy như Cánh đồng bất tận thì rất hiếm. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi bộ phim được chuyển thể từ một tác phẩm văn học gây được tiếng vang lớn trong độc giả và từng được xem như một hiện tượng văn học. Phim lại giữ nguyên tên của truyện nên khán giả có nhiều câu hỏi đặt ra và họ tò mò muốn biết xem những hình tượng nhân vật văn học đó đi vào phim sẽ mang hình hài, vóc dáng… như thế nào. Khi phim bắt đầu công chiếu ở Việt Nam (22-10-2010), cư dân mạng đã không ngớt lời khen, tiếng chê; báo chí tốn bao nhiêu giấy mực. Tuy nhiên, có “mục sở thị” mới thấy tiếc, bởi phim tuy hay nhưng vẫn chưa lột tả được hết chủ đề tư tưởng của tác phẩm văn học. Và nó để lại một sự tiếc nuối đối với hầu hết các khán giả đã từng đọc qua truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Những hình ảnh, màu sắc về cánh đồng miền Tây trong phim được quay đẹp đến mức không tưởng. Trong tưởng tượng của nhiều độc giả, cánh đồng bất tận phải là một cánh đồng với màu nâu của bùn đất, sình lầy gợi lên nỗi buồn xa xôi về cuộc đời của những người nông dân khốn khổ. Lòng hận thù của Út Võ trong truyện bị nén chặt đến mức biến thành nội lực của bản năng có sức gợi mạnh mẽ, chứ không phải phải kiểu hung hãn, cộc cằn và mang tính chất “lửa rơm” như trong phim. Vẻ bề ngoài của những nhân vật trong truyện có thể thảm thương hơn nhưng họ lại có những suy nghĩ, hành động trong sáng, quyết liệt hơn so với nhân vật trong phim. Có nhiều chi tiết được đưa vào phim đã tạo ra hiệu ứng không tốt với khán giả. Khi nghe nhân vật Sương nói giọng Bắc, nhiều khán giả có chung nhận xét: “Nó cứ thế nào ấy”. Cái kết của phim chưa thỏa mãn được yêu cầu…
Có thể thấy, phim Cánh đồng bất tận đã không như suy nghĩ của số đông độc giả của truyện Cánh đồng bất tận, nó thiếu đi một sự dũng cảm cần thiết cho nghệ thuật, điều mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã dám làm và làm được.
NHÂN TÂM