03:10, 20/10/2010

Võ thuật Khánh Hòa: Vì sao sa sút?

Sự thiếu nhất quán trong cách quản lý, điều hành; sự thiếu quan tâm của các ngành, các cấp; phong trào tập luyện thi đấu võ thuật tỉnh có chiều hướng suy giảm…

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Sự thiếu nhất quán trong cách quản lý, điều hành; sự thiếu quan tâm của các ngành, các cấp; phong trào tập luyện thi đấu võ thuật tỉnh có chiều hướng suy giảm… được coi là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả nghèo nàn về mặt thành tích của các bộ môn võ thuật tỉnh. Nếu không có sự quan tâm đúng mức của những người có trách nhiệm thì võ thuật Khánh Hòa sẽ khó lòng vực dậy.

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 4 hội võ thuật đang hoạt động, đó là: Hội Võ cổ truyền; Hội Karatedo; Hội Taekwondo; Hội Vovinam và 4 bộ môn võ là Judo, Aikido, Boxing, Whusu với hơn 150 câu lạc bộ, điểm tập. Các bộ môn võ thuật Khánh Hòa đã đào tạo khoảng 720 võ sinh có trình độ từ đai đen 1 đẳng trở lên với hơn 5 nghìn người tập luyện tại các câu lạc bộ, điểm tập. Hàng năm, bên cạnh các giải đấu phong trào được tổ chức tại các tổ chức hội, chi hội, bộ môn thì ở cấp thành phố, tỉnh thường xuyên có những giải thi đấu lên đai, giải đấu mang tính cọ xát, tuyển chọn vận động viên (VĐV) để đào tạo, nâng cao cho đội tuyển võ thuật của tỉnh. Song, có một thực tế là càng ngày các giải đấu này càng mang nặng tính hình thức và việc lựa chọn nguồn VĐV thực sự có tố chất, kỹ thuật đại diện cho làng võ thuật của tỉnh tham dự các giải đấu quốc gia rất khó. Theo một thành viên Liên đoàn Võ thuật tỉnh, các giải thi đấu võ thuật tỉnh đã không còn là sân chơi “công bằng” dành cho tất cả các VĐV, mà chỉ dành riêng cho một số đơn vị được ưu đãi (đa số giải thưởng được trao cho VĐV ở Nha Trang), trong khi thực chất nếu xét về tố chất, kỹ thuật thì các VĐV tuyến huyện không thua kém các VĐV ở Nha Trang.

Các ngành, các cấp cần có sự thống nhất quan điểm trong cách quản lý, điều hành để vực dậy các bộ môn võ thuật tỉnh.
Trong khi đó, phong trào tập luyện và thi đấu ở các bộ môn võ thuật đang có chiều hướng suy giảm trầm trọng. Theo ông Nguyễn Thu, Chủ tịch Hội Taekwondo tỉnh, Huấn luyện viên bộ môn Taekwondo TP. Nha Trang, một mặt do các bộ môn võ thuật hiện nay không còn là bộ môn thể thao hấp dẫn, lôi cuốn giới trẻ; mặt khác, các bậc phụ huynh đều mong muốn con em chỉ tập trung vào việc học văn hóa và tập luyện các bộ môn thể thao mang tính giải trí - là những khóa sinh hoạt, đặc biệt trong dịp Hè. “Những năm trước, mỗi lớp tôi phụ trách thường có từ 100 - 200 học viên đăng ký theo học. Nhưng hiện nay, số học viên còn khoảng vài chục em và chỉ duy trì chủ yếu ở 3 tháng Hè, những tháng còn lại rất ít học viên theo học. Còn các điều kiện tập luyện, cơ sở vật chất, tổ chức thi đấu cho các VĐV chỉ là con số không tròn trĩnh”, ông Thu nói. Bên cạnh đó, cách thức tuyển chọn các VĐV tham dự giải đấu quốc gia ở các bộ môn võ thuật tỉnh đang tồn tại nhiều ý kiến bất đồng và thiếu sự nhất quán giữa những người có trách nhiệm trong việc “chấn hưng nền võ thuật tỉnh nhà”. Cụ thể đó là sự bất đồng quan điểm trong việc tuyển chọn VĐV cấp đội tuyển giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Liên đoàn Võ thuật tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh, hiện việc tuyển chọn VĐV võ thuật tỉnh tham dự các giải đấu quốc gia không theo trình tự mà chỉ là những ý kiến mang tính cá nhân, “thích ai thì đưa vào”, không có sự tham khảo ý kiến của những người nắm rõ các hoạt động phong trào, có chuyên môn, tâm huyết và uy tín như các huấn luyện viên đang hoạt động huấn luyện tại các chi hội. Điều đó sẽ tạo nên sự thua thiệt khi đoàn VĐV của tỉnh tranh tài với các đoàn VĐV tỉnh bạn ở giải đấu quốc gia. Sự bất đồng trong cung cách quản lý, điều hành giữa cấp cơ quan quản lý nhà nước và Liên đoàn Võ thuật theo kiểu “mạnh ai nấy làm” đã gây nên khó khăn cho sự phát triển của nền võ thuật tỉnh nhà.

Khánh Hòa không phải là không có những VĐV có tố chất, kỹ thuật tốt ở các bộ môn võ thuật. Trước đây, ở các bộ môn như: Vovinam, Karatedo, Taekwondo, đoàn VĐV Khánh Hòa từng được đánh giá rất cao (chỉ đứng sau đoàn TP. Hồ Chí Minh, Quân đội tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ V và các giải trẻ toàn quốc hàng năm), thì giờ đây, các VĐV võ thuật Khánh Hòa chỉ được coi là những người “lót đường”. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất đồng về quan điểm giữa những người có trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành hoạt động võ thuật của tỉnh. Nếu không có sự dàn xếp ổn thỏa và sự quan tâm đúng mức giữa những người làm thể thao trong việc hướng đến một mục đích chung thì nền võ thuật Khánh Hòa sẽ có nguy cơ “thoái trào”.

AN NHIÊN