08:10, 15/10/2010

Tranh cổ động: Không còn sinh động như xưa

Hiện nay, trên các đường phố ở Nha Trang vẫn xuất hiện những bức tranh cổ động khổ lớn được dựng lên để tuyên truyền về các sự kiện của đất nước cũng như của địa phương. Tuy nhiên, trong nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, tranh cổ động đã không còn giữ được vị trí vốn có của nó một thời.

Hiện nay, trên các đường phố ở Nha Trang vẫn xuất hiện những bức tranh cổ động (TCĐ) khổ lớn được dựng lên để tuyên truyền về các sự kiện của đất nước cũng như của địa phương. Tuy nhiên, trong nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, TCĐ đã không còn giữ được vị trí vốn có của nó một thời.

Tranh cổ động là loại hình hội họa đặc biệt, bởi nó không chỉ chứa đựng yếu tố tạo hình, mang tính nghệ thuật mà điều quan trọng hơn là mỗi bức tranh phải chuyển tải, thể hiện được nội dung tuyên truyền về sự kiện đang diễn ra, chủ đề cần nói tới; phải gửi được một thông điệp mang tính trực tiếp, sinh động đến người xem. Ở nước ta, TCĐ còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn đối với người dân. Đề tài của TCĐ cũng rất đa dạng, nhưng đầy ý nghĩa. Đó có thể là những bức tranh thể hiện niềm vui lao động sản xuất; tinh thần đoàn kết của các dân tộc; quyết tâm xây dựng quê hương đất nước… Đặc biệt, trong TCĐ có mảng đề tài lớn thể hiện tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ. Đã từng có một thời, TCĐ được sáng tác một cách nhanh chóng, mang tính thời sự, người dân chỉ cần nhìn những bức TCĐ là có thể biết được thông tin cần thiết về sự kiện đang diễn ra.

Tranh cổ động vẫn xuất hiện trên phố nhưng đã không còn sinh động như trước đây

Hiện nay, TCĐ vẫn được xem là một loại hình tuyên truyền trực quan, nhưng dường như nó không còn giữ được vẻ sinh động như trước. Hàng năm, vào các ngày lễ lớn của dân tộc hay những sự kiện lớn của cả nước, của tỉnh, chúng ta vẫn thấy những bức TCĐ được dựng lên ở các ngả đường, các tuyến phố chính, những nơi mọi người dễ thấy… Việc xuất hiện các bức tranh này giúp cho người dân biết được đất nước, địa phương đang có sự kiện gì diễn ra, hoặc khơi gợi sự quan tâm của nhiều người về một vấn đề nào đó. Bên cạnh đó, những bức TCĐ còn góp phần tô điểm cho hình ảnh của thành phố thêm phần rực rỡ. Tuy nhiên, nếu ai để ý sẽ thấy, hầu hết các bức TCĐ bây giờ đều được in chứ không phải vẽ như trước. Các bức tranh này, bên cạnh số ít có chủ đề về phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường thì chủ yếu vẫn là những bức tranh tuyên truyền về các sự kiện chính trị, các ngày lễ trong năm. Về cách thức trình bày, đa số các bức tranh đều na ná nhau: một bên vẽ hình ảnh, một bên là dòng chữ khẩu hiệu. Về nguồn gốc của những bức TCĐ, ông Huỳnh Ngọc Châu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho chúng tôi biết: “Hàng năm, Cục Văn hóa cơ sở thực hiện việc sáng tác các mẫu TCĐ cho từng sự kiện lớn diễn ra trong năm, sau đó gửi về các địa phương. Mỗi địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có sự chỉnh sửa cho phù hợp”. Với cách làm đó, các bức TCĐ được sử dụng hiện nay sẽ đảm bảo được tính nhất quán về nội dung tư tưởng cũng như chủ đề tuyên truyền, nhưng nó lại thiếu sự đa dạng và vô tình ngày càng thu hẹp phạm vi sáng tạo của TCĐ.

Thực tế hiện nay, số lượng họa sĩ chuyên vẽ TCĐ ngày càng ít. Ở Khánh Hòa hiện chỉ có 2 người chuyên vẽ TCĐ là họa sĩ Đặng Ngọc Thanh Nhàn và họa sĩ Phan Minh Quang. Lý do các họa sĩ không mặn mà với TCĐ là vì mức thù lao quá thấp. Thỉnh thoảng cũng có một số người gửi tranh tham dự các cuộc thi sáng tác TCĐ do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức nhưng chỉ là tham dự “cho vui”. Từ tháng 4-2008 đến tháng 5-2010, trong khuôn khổ cuộc thi sáng tác các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh phát động, đã có nhiều tác phẩm TCĐ của các tác giả tham gia. Ngoài ra, không có thêm cuộc thi nào dành riêng cho TCĐ. Tại Festival Biển 2009, người dân và du khách đã vẽ chung một bức TCĐ lớn về chủ đề bảo vệ môi trường. Nhưng sau đó, “số phận” của bức tranh đó như thế nào không mấy người rõ. Vẫn biết, “đời sống” của một bức TCĐ thường khá ngắn vì nó chỉ có ý nghĩa trong một thời gian nhất định, nhưng xem ra “tuổi thọ” của TCĐ càng ngày càng bị co hẹp giữa nhiều hình thức tuyên truyền trực quan khác.

H.N.T