Bằng tình cảm chân thành, sự khâm phục tinh thần chiến đấu quả cảm, không ngại hy sinh, gian khổ của những chiến sĩ 23-10 năm xưa, nhà văn Mai Văn Trọng đã cho ra đời tập tiểu thuyết tư liệu mang tên “Lời thề Độc lập” đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến (23-10-1945 - 23-10-2010). Tập sách như những thước phim tái hiện không khí đấu tranh sôi nổi của người dân Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày kháng chiến.
Bìa sách “Lời thề độc lập”. |
Nhà văn Mai Văn Trọng mới chỉ gắn bó với mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa gần 10 năm. Thế nhưng, chừng đó thời gian cũng đủ để ông cảm nhận hết tình đất, tình người thân thương của xứ Trầm Hương dành cho ông. Trong nhiều buổi sinh hoạt thơ văn, ông được bạn bè kể cho nghe về những chiến công oai hùng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của chiến sĩ, nhân dân Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày kháng chiến đánh Pháp, đuổi Nhật. Từ đó, ông ấp ủ ý tưởng về một quyển sách đề cập đến vấn đề trên. Sau lần gặp Đại tá, nhà thơ Đỗ Anh Tịnh - một chiến sĩ 23-10 và được nghe bài thơ “Ngày đi… ngày về…” của ông, nhà văn Mai Văn Trọng càng thêm quyết tâm để sáng tác tập sách này. Bắt tay vào công việc sáng tác, ông đã phải dày công đi sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến sự kiện trên; cùng với đó là những buổi gặp gỡ, trao đổi, thu thập thông tin từ những chiến sĩ 23-10 và những nhân chứng của sự kiện lịch sử đó. Sau gần 3 năm, với bao công sức, nhà văn đã hoàn thành tâm nguyện của mình với quyển sách viết về những năm tháng không thể nào quên của người dân Nha Trang - Khánh Hòa. Ông đặt tên sách là Lời thề Độc lập nhằm thể hiện tinh thần, khí phách của chiến sĩ, nhân dân Nha Trang - Khánh Hòa năm xưa còn vang vọng đến hôm nay.
Lời thề Độc lập là một cuốn tiểu thuyết tư liệu, bởi theo tác giả, những câu chuyện, tình tiết, nhân vật trong sách đều được lấy từ hiện thực cuộc kháng chiến với những con người có thực, công việc có thực. Tuy nhiên, những nguyên mẫu đó qua lăng kính và cảm xúc của nhà văn đã trở thành hình tượng văn chương. Với lối kể chuyện có duyên, nhà văn Mai Văn Trọng đã dẫn dắt độc giả qua từng mẩu chuyện về không khí chuẩn bị cho kháng chiến; những trận đánh quyết liệt; tình cảm quân dân gắn bó… Từ những mẩu chuyện đó, nhà văn đã kết dính lại thành một bức tranh tổng quát về cuộc kháng chiến của người dân Nha Trang - Khánh Hòa.
Tập tiểu thuyết tư liệu này được lấy mốc thời gian từ đầu năm 1944 đến đầu năm 1946. Trong khoảng thời gian đó, đã có biết bao sự việc diễn ra, biết bao người được giác ngộ cách mạng đã trở thành những chiến sĩ kiên trung, anh dũng và cũng có biết bao mất mát hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sáng ngời lên trong truyện là phẩm chất anh dũng, hiên ngang, bất khuất của những đội viên tự vệ thị xã (như Võ Kỳ, Kiều Khôi); của những chiến sĩ Nam Tiến (Hồ Tùng, Hà Vi Tùng); những người nông dân (Ba Tố); những người thợ quân khí (Nguyễn Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Bá Đồng); những nữ y sĩ (Út Hường, Mỹ Ngọc, Ngọc Tâm); hay những người bà, người mẹ ở hậu phương lo tiếp tế hậu cần… Tất cả mọi người đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, cùng nhau đồng lòng quyết tâm vì lý tưởng: “Thề hy sinh vì Tổ quốc”, “Quyết không chịu làm nô lệ”.
Qua tập tiểu thuyết, độc giả còn thấy được những việc làm có thực của cuộc kháng chiến như: việc xây dựng căn cứ địa Đồng Trăng, khu phòng tuyến Bretelle - Chợ Mới; trận đánh quân Nhật ở Ga Nha Trang, trận đánh quân Pháp đồn trú tại Viện Pasteur; các hoạt động ở Diên Khánh - vùng hậu phương kháng chiến; cảnh người dân lần đầu tiên cầm phiếu đi bầu cử… Một không khí đấu tranh sôi nổi diễn ra khắp Nha Trang - Khánh Hòa từ thanh niên trai tráng, đến ông già, bà lão, phụ nữ, trẻ em, ai ai cũng nô nức mong muốn tham gia góp phần công sức bé nhỏ của mình trong cuộc kháng chiến bảo vệ mảnh đất quê hương. “Tinh thần yêu nước trong lòng mỗi người dân Việt Nam luôn cháy âm ỉ như một lò lửa. Chỉ cần ngọn gió Cách mạng thổi vào, nó sẽ bốc cao, lung linh tỏa sáng” - lời của nhân vật Võ Kỳ. Cùng với đó là tình cảm thiết tha, trìu mến của người dân dành cho các chiến sĩ, của đồng bào miền Nam dành cho những người con miền Bắc đã vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để vào Nam chiến đấu; hiển hiện lên trong tình cảm của mọi người là niềm tin, lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập tiểu thuyết cũng miêu tả sự hy sinh, mất mát trong cuộc kháng chiến. Thế nhưng, sự hy sinh đó không làm ta ủy mị, mà đó là nguồn động lực để những người đồng đội, đồng chí, anh em quyết tâm chiến đấu với kẻ thù.
Với những gì đã thể hiện, tập tiểu thuyết tư liệu Lời thề Độc lập là một quyển sách có ý nghĩa, nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến.
NHÂN TÂM