03:10, 08/10/2010

Mục tiêu đạt 4 - 6 Huy chương Vàng có khả thi?

Phải đặt ra vấn đề trên bởi chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam được xác định từ đầu năm, trong khi cận kề ngày khai mạc Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 16 (ASIAD 16, diễn ra tại Quảng Châu, Trung Quốc), nhiều vận động viên đang có dấu hiệu suy giảm phong độ. Đáng nói, những trường hợp này đều rơi vào diện có tiềm năng đoạt huy chương, theo “khoanh vùng” của ngành Thể thao.

Phải đặt ra vấn đề trên bởi chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) được xác định từ đầu năm, trong khi cận kề ngày khai mạc Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 16 (ASIAD 16, diễn ra tại Quảng Châu, Trung Quốc), nhiều vận động viên (VĐV) đang có dấu hiệu suy giảm phong độ. Đáng nói, những trường hợp này đều rơi vào diện có tiềm năng đoạt huy chương, theo “khoanh vùng” của ngành Thể thao.

Cụ thể, với việc xác định đây là đấu trường quan trọng nhất trong năm, ngành Thể thao đã sớm chuẩn bị, thông qua kế hoạch tăng cường đầu tư cho những môn mũi nhọn. Một bước đi cụ thể hơn là lên danh sách những VĐV có tiềm năng lớn nhất: Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh), Nguyễn Hữu Việt (bơi lội), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông)… Số VĐV trên đều được cử đi tập huấn ở nước ngoài hoặc tập luyện trong nước dưới sự hướng dẫn của những huấn luyện viên giỏi nhất, được tăng chế độ dinh dưỡng… Tuy danh sách đoàn TTVN đến nay vẫn chưa được chốt, nhưng trên thực tế, về cơ bản mọi thứ đã xong xuôi; việc thay đổi (nếu có) sẽ không nhiều. Ở đây cũng phải nói thêm, so với ASIAD 15, số lượng thành viên của đoàn TTVN tham dự lần này cũng là một kỷ lục, với danh sách dự kiến khoảng 450 người, trong đó hơn 300 VĐV. Trong khi đó tại ASIAD 15, Việt Nam tham dự với 247 VĐV, và mục tiêu cũng chỉ là 4 - 6 Huy chương Vàng.

 Nguyễn Hữu Việt, vận động viên có tiềm năng thi đấu đạt thành tích cao tại ASIAD 16.
Sự suy giảm phong độ của nhiều gương mặt trụ cột chính là lý do gây nên những lo lắng về khả năng khó hoàn thành chỉ tiêu của đoàn TTVN. Điển hình là VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn. Với thành tích đoạt Huy chương Bạc ở Olympic Bắc Kinh 2008, Tuấn nghiễm nhiên là hy vọng lớn nhất của TTVN tại ASIAD 16. Tuy nhiên, phong độ hiện thời của Hoàng Anh Tuấn lại sụt giảm một cách bất thường. Ở giải Vô địch thế giới diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, Hoàng Anh Tuấn đã trắng tay khi chỉ xếp thứ 4/9 VĐV, với thành tích 273kg, kém tới 17kg so với thành tích của chính Tuấn ở Olympic Bắc Kinh 2008. Trong khi ở hạng cân 56kg của Hoàng Anh Tuấn, thành tích của Wu Jingbiao (Trung Quốc) là 292kg. Một VĐV khác của Trung Quốc là Long Qingquan (người đã thắng Tuấn ở Olympic Bắc Kinh) cũng đạt mức 288kg. VĐV xếp thứ 3, Cha Kum Chol (CHDCND Triều Tiên) có thành tích 280kg. Có thể nói, cử tạ VN sẽ gần như không có “cửa” đoạt vàng ở ASIAD 16.

Với Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, vấn đề lại xuất phát từ những bất đồng trong giáo án, kế hoạch huấn luyện giữa bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Chính điều này đã khiến quá trình tập luyện của Hương và Hằng bị ảnh hưởng. Thành tích của Vũ Thị Hương ở Grand Prix 2010 chỉ đạt 11’73 (nội dung 100m), thấp hơn kỷ lục quốc gia 11’33 do chính Vũ Thị Hương xác lập.

Hy vọng vào các môn như bắn súng, karatedo, taekwondo hay cầu mây… thậm chí còn khó khăn hơn. Với taekwondo, sau thất bại ở Olympic Bắc Kinh, Trưởng bộ môn (Tổng cục Thể dục thể thao) Vũ Xuân Thành chỉ dám đặt chỉ tiêu ở mức “có huy chương”. Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) hay Nguyễn Hữu Việt (bơi lội) cũng không được đánh giá cao. Nguyễn Hữu Việt từng xếp hạng 6 châu Á năm 2009. Nhưng ở ASIAD tới đây, chỉ riêng việc lập lại thành tích cũ đối với Hữu Việt cũng là một yêu cầu khó. Một niềm hy vọng khác là wushu thì mới đây, Huấn luyện viên trưởng Ngô Phương Lan thông báo, 3 gương mặt xuất sắc nhất: Vũ Trà My, Nguyễn Mai Phương và Vũ Thùy Linh đều không thể tham dự ASIAD do chấn thương.

G.C (Theo HNM)