12:10, 04/10/2010

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Ngày 3-10, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ thông xe Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc và gắn biển đặt tên công trình là Đại lộ Thăng Long sau 5 năm thi công. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chọn là công trình hoàn thành chào mừng kỷ niệm Đại lễ.

° Thông xe đại lộ dài nhất, hiện đại nhất Việt Nam

Ngày 3-10, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ thông xe Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc và gắn biển đặt tên công trình là Đại lộ Thăng Long sau 5 năm thi công. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chọn là công trình hoàn thành chào mừng kỷ niệm Đại lễ.

Đại lộ Thăng Long là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, có chiều dài 29,264km, điểm đầu là Km 1+800 (giao cắt giữa vành đai 3 Hà Nội với đường Láng - Hòa Lạc tại nút giao Trung Hòa) và điểm cuối là nút giao Hòa Lạc Km 31+064 (giao cắt với QL21 - đường Hồ Chí Minh), tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng. Chiều rộng tuyến đường là 140m bao gồm: 2 dải đường cao tốc riêng biệt quy mô 6 làn xe (rộng 16,25m); 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; 2 dải đất dự trữ giữa 2 dải đường đô thị… Trên tuyến đường có 51 cầu vượt sông, vượt nút giao, 3 nút giao liên thông hoàn chỉnh và không hoàn chỉnh. Tuyến đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị.

° Sơ duyệt lễ diễu binh, diễu hành

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tại lễ gắn biển Đại lộ Thăng Long

Tại quảng trường Ba Đình, sáng 3-10, chương trình sơ duyệt diễu binh, diễu hành chính thức bắt đầu. Phần diễu binh có sự tham gia của 17 khối bộ đội, công an, dân quân tự vệ, lực lượng diễu hành có sự tham gia của đại diện tất cả các khối cơ quan đoàn thể. Tổng lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành lên tới trên 31.000 người.

Mở màn buổi lễ là màn bắn 21 lượt pháo đại bác, kế tiếp 10 chiếc máy bay mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc với dòng chữ “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” bay dọc bầu trời Quảng trường Ba Đình và kết thúc bằng màn thả bóng bay và chim bồ câu.

° Hơn 200 đại biểu kiều bào từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước tham dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Các đại biểu được mời về tham dự đại lễ là những khuôn mặt ưu tú, đại diện cho các thế hệ kiều bào qua các thời kỳ, là những người tham gia rất tích cực vào phong trào hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều thành viên trong đoàn đã có đóng góp lớn cho đất nước và được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao cũng như của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Đại biểu cao tuổi nhất về thăm quê hương trong dịp đại lễ này là bà Therese Ký - kiều bào ở Pháp (sinh năm 1929) và đại biểu trẻ tuổi nhất là anh Phan Viết Phong - kiều bào ở Pháp (sinh năm 1982).

° Ra mắt bộ sách gồm 13 cuốn về Thăng Long - Hà Nội

Chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông ra mắt bộ sách gồm 13 cuốn về Thăng Long - Hà Nội, trong đó có 10 cuốn song ngữ đã được giới thiệu tại Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ III. Bộ sách gồm: 10 cuốn song ngữ Việt - Anh (Danh thắng Hà Nội, Món ngon Hà Nội, Sinh hoạt nghệ thuật dân gian Hà Nội, Lễ hội Hà Nội, Danh nhân Hà Nội, Mỹ thuật Hà Nội, Công trình kiến trúc Hà Nội, Trường học Hà Nội xưa, Di tích lịch sử văn hóa Hà Nội, Làng nghề thủ công Hà Nội); Ngôn ngữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm; 1.000 Nhân vật lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Thăng Long - Hà Nội trên tem Bưu chính.

° Rước “Chiếu dời đô” từ Hoa Lư đến Hà Nội

Ngày 2-10, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, Câu lạc bộ Thư pháp, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã trao tặng tác phẩm nghệ thuật thư pháp “Chiếu dời đô” mạ vàng, gắn trên khung gỗ quý tự nhiên cho TP. Hà Nội nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Tác phẩm “Chiếu dời đô” bằng gỗ lớn nhất Việt Nam này có kích thước 458cm x 385cm, trọng lượng gần 5 tấn, được chế tác từ 7 tấn gỗ nguyên khối. Mặt trước của tác phẩm trình bày nguyên bản chữ Hán “Chiếu dời đô,” mặt sau là bản dịch phiên âm, bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh. Phần khung làm bằng gỗ quý tự nhiên, phần chữ được các nghệ nhân gò tay với chất liệu đồng, mạ vàng. Mỗi chữ có chiều cao 10cm, được gắn bằng bulong nghệ thuật chắc chắn trên 12 tấm gỗ hương, tượng trưng cho 12 tháng của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.

L.H (Tổng hợp)