12:10, 17/10/2010

Cần tạo chính sách mở để giữ nhân tài

Bên cạnh việc thực hiện chi trả chế độ cho các huấn luyện viên, vận động viên thể thao theo quy định hiện hành, ngành Thể thao Khánh Hòa cần tạo chính sách theo hướng mở để các vận động viên có thêm động lực thi đấu và đạt thành tích cao tại các giải đấu quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh việc thực hiện chi trả chế độ cho các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao theo quy định hiện hành, ngành Thể thao Khánh Hòa cần tạo chính sách theo hướng mở để các VĐV có thêm động lực thi đấu và đạt thành tích cao tại các giải đấu quốc gia, quốc tế. Đây cũng là một hình thức ghi nhận công lao đóng góp của các HLV, VĐV trong chặng đường phát triển thể thao của tỉnh.

Những năm qua, việc thực hiện các chế độ (hỗ trợ, dinh dưỡng, khen thưởng) cho các HLV, VĐV của ngành Thể thao Khánh Hòa luôn được coi là chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Song, dù có nói đi, nói lại thì cách thức thực hiện việc chi trả chế độ cho HLV, VĐV của ngành Thể thao tỉnh vẫn luôn là câu chuyện thời sự. Bởi lẽ, vấn đề thành tích là một trong những yếu tố thể hiện sự phát triển của thể thao Khánh Hòa, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Chính vì vậy, việc áp dụng các mức chi trả chế độ cho HLV, VĐV thể thao được coi là yếu tố quan trọng, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc đầu tư cho sự nghiệp thể dục thể thao.

Tạo "cú hích" trong việc thực hiện các chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên là một trong những cách để giữ nhân tài của ngành Thể thao tỉnh Khánh Hoà.

Từ trước đến nay, việc thực hiện chi trả chế độ cho các HLV, VĐV ngành Thể thao Khánh Hòa được áp dụng trên cơ sở khung của Trung ương và do UBND tỉnh ban hành quyết định thực hiện. Cụ thể, các khung quy định về chế độ dinh dưỡng của HLV, VĐV khi tập trung tập luyện và thi đấu tại các giải quốc gia, quốc tế… với mức chi trả từ 70 đến 120 nghìn đồng/người/ngày; chế độ khen thưởng cho các VĐV đạt thành tích cao từ 1 đến 5 triệu đồng, tùy theo thành tích huy chương đạt được. Điều này hoàn toàn đúng và không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên hiện nay, cùng với sự phát triển của thể thao cả nước, thể thao Khánh Hòa đang nỗ lực để hướng đến con đường chuyên nghiệp hóa; không chỉ chú trọng chuyên nghiệp hóa ở các bộ môn thể thao thành tích cao, mà còn quan tâm đến việc đẩy mạnh phát triển phong trào thể thao tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đó là hướng đi đúng của ngành Thể thao tỉnh nhà. Bởi lẽ, nếu phong trào thể thao ở các địa phương phát triển mạnh sẽ là nguồn lực hết sức quan trọng (nguồn cung cấp VĐV, HLV cho thể thao thành tích cao) để tiến đến con đường chuyên nghiệp.

Tuy nhiên trên thực tế, những năm gần đây, chặng đường phát triển sự nghiệp thể thao Khánh Hòa đang có dấu hiệu đi xuống. Các bộ môn thể thao thành tích cao được coi là thế mạnh của tỉnh đã không đạt được những thành tích như mong muốn. Cụ thể, ở các bộ môn điền kinh, bóng bàn, quần vợt… trước đây đạt được rất nhiều thành tích ở đấu trường quốc gia, quốc tế; còn bây giờ, các VĐV thể thao đỉnh cao của tỉnh đã không còn có khả năng cạnh tranh huy chương tại các giải đấu quốc gia. Xu hướng “ra đi” của các HLV, VĐV tiềm năng của thể thao tỉnh nhà đang có chiều hướng gia tăng. Theo cách nói của một số người quản lý, đó là hiện tượng “chảy máu” nhân tài. Theo ông Trần Quang Thường - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh, nếu ngành Thể thao Khánh Hòa không có những “hướng đi mở” để giữ nhân tài thì có khả năng thể thao tỉnh nhà sẽ trở nên tụt hậu. Cũng theo ông Thường, hiện nay, các chế độ cho VĐV, HLV của tỉnh chỉ là điều kiện cần, song chưa đủ để khuyến khích sự phát triển cho ngành Thể thao, cụ thể đó là chế độ khen thưởng cho HLV, VĐV cần được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa. Chẳng hạn, đối với các HLV, VĐV cấp kiện tướng hoặc cấp 1 thi đấu tại các giải đấu quốc gia, quốc tế, ngoài việc thực hiện chi trả chế độ dinh dưỡng, khen thưởng theo quy định hiện hành, cần có thêm khoản thưởng “nóng” khi các VĐV, HLV mang lại niềm tự hào cho nền thể thao tỉnh nhà. Đó là sự khuyến khích, ghi nhận công lao đóng góp của các HLV, VĐV.

Như vậy, nếu được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo các cấp, ngành trong việc thực hiện chế độ cho HLV, VĐV thể thao thì việc “giữ chân” nhân tài thể thao của tỉnh không phải là chuyện quá khó. Tạo chính sách mở để giữ nhân tài sẽ là một trong những yếu tố góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển thể thao Khánh Hòa.

AN NHIÊN