09:10, 06/10/2010

Thấm đẫm chiều sâu văn hóa Thăng Long

Là bộ phim được chọn để khai mạc “Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, “Long Thành cầm giả ca” được giới chuyên môn cũng như đông đảo khán giả đánh giá là bộ phim đáng xem nhất.

Là bộ phim được chọn để khai mạc “Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, “Long Thành cầm giả ca” được giới chuyên môn cũng như đông đảo khán giả đánh giá là bộ phim đáng xem nhất. Với kịch bản tốt, qua bàn tay đạo diễn của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đào Bá Sơn, phim đã để lại ấn tượng cho người xem về chiều sâu văn hóa Thăng Long, về tình người đất kinh kỳ. Dẫu vậy, phim vẫn còn những chi tiết chưa phù hợp làm ảnh hưởng đến chất lượng phim cũng như mạch xem của khán giả.

Long thành cầm giả ca (giải nhất cuộc thi sáng tác kịch bản kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội) được chuyển thể từ kịch bản cùng tên của NSƯT Lê Văn. Kịch bản phim phóng tác dựa theo bài thơ Long thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du. Qua bàn tay đạo diễn của NSƯT Đào Bá Sơn, Long thành cầm giả ca đã trở thành câu chuyện phim đầy xúc động về thân phận của những con người tài năng nhưng cuộc đời phải trải qua những biến loạn khủng khiếp nhất của xã hội. Phim xoay quanh cuộc đời và mối lương duyên của hai nhân vật chính Tố Như (Ngọc Ngoan đóng) và nàng Cầm (Nhật Kim Anh đóng), trải dài từ thuở mới lớn cho đến trung niên. Cầm xuất thân trong một gia đình ca kỹ. Lớn lên, cô được gửi lên Long thành học đàn. Cuộc gặp gỡ tình cờ với Cầm đã làm xao động tâm hồn Tố Như dù rằng anh đã có vợ ở quê nhà. Đất nước tao loạn, cả hai trôi dạt mỗi người một phương. Mấy chục năm sau, họ gặp lại nhau, lúc này Tố Như đã thành đạt, còn Cầm trở thành cô đào hát già, nhan sắc nhạt phai nhưng nhờ tiếng đàn, Tố Như vẫn nhận ra nàng. Sau một đêm bên nhau, Tố Như sáng tác bài thơ Long thành cầm giả ca tặng Cầm. Cầm ôm bài thơ đến giếng Nguyệt, từ đó không ai thấy nàng nữa.

Poster phim “Long thành cầm giả ca”.
Câu chuyện tình giữa Cầm và Tố Như diễn ra trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước với sự thay đổi của nhiều triều đại. Không khí đau thương, hỗn loạn được các nhà làm phim tái hiện khá thành công với những tiểu cảnh thể hiện sự lộng quyền của đám kiêu binh, cảnh người dân chạy loạn, hay cảnh quân Tây Sơn chuẩn bị tiến vào Long thành… Trong xã hội biến động đó, số phận của người phụ nữ thật mong manh. Tài năng của họ chỉ để mua vui cho thiên hạ, có mấy ai thấu hiểu được nỗi lòng của người ca kỹ. Tố Như đã cảm nhận được từng ngón đàn, điệu hát của nàng Cầm và cái duyên tri âm tri kỷ đã đưa họ đến với nhau. Xoay quanh chuyện tình giữa Tố Như - nàng Cầm là những không gian, hình ảnh gợi lên nét văn hóa kinh kỳ một thuở với làn điệu hát văn, ca trù, tiếng trống, nhịp phách; hình ảnh của làng quê Việt Nam với giếng nước, triền đê hay cảnh đô thành tấp nập kiệu xe, bán buôn… Bộ phim đã phục dựng được vùng đất Thăng Long với những vẻ đẹp xưa; với những kẻ sĩ, những nghệ sĩ chỉ đàn giỏi ca hay khi tồn tại cùng với Long thành.

Đạo diễn Đào Bá Sơn làm phim Long thành cầm giả ca với niềm kính trọng của những người nghệ sĩ thời nay đối với các bậc tiền nhân. Chính vì thế, ông đã rất tỉ mỉ, từ việc chọn diễn viên đến việc trau chuốt cho những hình ảnh của phim đến từng chi tiết. Phim đưa đến cho người xem nhiều khuôn hình đẹp về thiên nhiên và kinh thành Thăng Long tráng lệ. Ánh sáng được phân bổ hợp lý tạo hiệu quả cao về mặt thị giác. Đặc biệt, phim còn sử dụng những cú lia máy xoay quanh nhân vật tạo nên sự mới mẻ, sinh động…

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn “sạn” làm ảnh hưởng đến chất lượng phim. Diễn xuất của hai diễn viên Nhật Kim Anh và Ngọc Ngoan chưa thật sự sắc sảo để lột tả được tâm trạng cũng như hình ảnh về một đôi nam thanh nữ tú. Đạo diễn chưa tạo nên được những cảnh quay đặc tả tài năng đàn ca xuất chúng của nàng Cầm. Những cảnh như: Tố Như và nàng Cầm trong lò gạch; cảnh hai người gặp nhau sau nhiều năm xa cách vì loạn lạc; cảnh đêm tái ngộ khi cả hai đầu đã bạc… đạo diễn đã không tạo được một sự bùng nổ, thăng hoa trong cảm xúc của phim, mà lại để cho cảm xúc được đẩy lên rồi lại bị kìm nén xuống khiến khán giả xem chưa đạt đến độ cảm xúc. Lời thoại của phim còn quá dài dòng và thiên về trình bày, diễn giải, ít thông tin…

Dẫu vậy, nhưng với những gì đã thể hiện, Long thành cầm giả ca vẫn xứng đáng với niềm mong đợi của nhiều người về một bộ phim chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

NHÂN TÂM