07:09, 11/09/2010

Nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn lại “chơi” thư pháp

Nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn vừa hoàn thành cuốn thư pháp “Hoa Lư thi tập” (thơ Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận) để tham gia triển lãm kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Với cuốn thư pháp này, nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn không chỉ thể hiện niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp chữ Việt, mà còn muốn bày tỏ tấm lòng của người con đất Khánh Hòa với những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn vừa hoàn thành cuốn thư pháp “Hoa Lư thi tập” (thơ Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận) để tham gia triển lãm kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Với cuốn thư pháp này, nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn không chỉ thể hiện niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp chữ Việt, mà còn muốn bày tỏ tấm lòng của người con đất Khánh Hòa với những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Bìa cuốn thư pháp "Hoa Lư thi tập"
Một ngày đầu tháng 9-2010, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn mời đến xem cuốn sách thư pháp “Hoa Lư thi tập” mà anh đang thực hiện để chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi tôi đến, Trần Quốc Ẩn đang miệt mài “múa bút” viết những bài thơ cuối cùng trong số 121 bài thơ của tác giả Hoàng Quang Thuận viết về Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Không biết từ bao giờ, anh Ẩn đã biến căn phòng nhỏ của đứa con trai (đang học ở TP. Hồ Chí Minh) trở thành nơi làm việc của riêng mình. Quên đi sự chật chội, nóng bức, anh Ẩn giới thiệu về cuốn thư pháp một cách tỉ mỉ, hào hứng… Theo nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn, anh dự định sẽ làm “một cái gì đó” để tham gia đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng mãi vẫn chưa tìm ra tác phẩm thích hợp. Một lần vào TP. Hồ Chí Minh chơi, anh được bạn bè giới thiệu về “Hoa Lư thi tập” - tập sử thi về Cố đô Hoa Lư. Quá thích thú với tập thơ, ngay sau đó anh đã tìm gặp Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận xin phép được thực hiện tập thơ bằng thư pháp chữ Việt và đã được tác giả vui vẻ nhận lời. Để chuẩn bị cho cuốn thư pháp, anh đã lặn lội ra Cố đô Hoa Lư, lần theo dấu tích các địa danh trong tập thơ để nắm bắt kỹ hơn tinh thần của các bài thơ. Anh cũng có mặt ở Huế để tìm hiểu hình ảnh con rồng thời Nguyễn để phục vụ cho việc làm bìa cuốn thư pháp…

Nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn với cuốn thư pháp "Hoa Lư thi tập "
Cuốn thư pháp “Hoa Lư thi tập” (có kích thước 109cm x 70cm x 10cm, nặng 54kg) là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Bìa cuốn sách được làm rất công phu: bìa bằng gỗ gõ đỏ; các cạnh, góc, gáy sách được bịt đồng, bản lề dài 1m bằng đồng. Viền ngoài cùng của bìa gỗ chạm trổ hoa văn, trên cùng là tên tác giả tập thơ (Hoàng Quang Thuận), tiếp theo là tên tác phẩm “Hoa Lư thi tập”, dòng chữ “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và logo Khuê văn các, dưới cùng là dòng chữ “Trần Quốc Ẩn thực hiện năm 2010”. Điểm nhấn của bìa sách chính là vòng tròn được tạo ra bởi 5 con rồng (tượng trưng cho 5 triều đại lớn của chế độ phong kiến ở nước ta : Đinh - Lê - Lý - Trần - Nguyễn) uốn lượn bao hình vẽ Cố đô Hoa Lư ở giữa… Được biết, bìa sách do anh Trần Quốc Ấn (em trai nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn) thực hiện.

Nghệ sĩ Trần Quốc Ấn đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng của bìa cuốn thư pháp “Hoa Lư thi tập”.

Nội dung cuốn thư pháp (270 trang) gồm: lời giới thiệu tác phẩm của nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), các bài viết về tác phẩm “Hoa Lư thi tập” của Vũ Thụy Đăng Lan, Đỗ Thị Hồng Cúc, bản in bài “Chiếu dời đô” bằng tiếng Hán và tiếng Việt; bản in và phần thể hiện bằng thư pháp chữ Việt của 121 bài thơ của “Hoa Lư thi tập”. Ngoài ra, còn có các tác phẩm thư họa, tranh thủy mặc được bồi đính kèm theo mỗi bài thơ… Mỗi khi viết các bài thư pháp, gặp các chữ tâm đắc, nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn lại đề thêm những chữ phù hợp. Ví dụ ở bài thơ viết về Thái hậu Dương Vân Nga, ngoài nội dung bài thơ, anh viết thêm chữ Mẹ ở trên đầu bài thơ để bày tỏ lòng biết ơn với một bậc “mẫu nghi thiên hạ” đã hy sinh quyền lợi riêng của gia đình vì sự ổn định của đất nước; hay khi viết bài thơ “Đền Phất Kim” nói về Công chúa Phất Kim (con gái vua Đinh Tiên Hoàng) - người có chồng theo giặc chống lại nhà Đinh - Lê nên đã nhảy xuống giếng tự vẫn để giữ trọn đạo làm con, Trần Quốc Ẩn lại đề từ bằng chữ Đạo như muốn nói hộ tấm lòng của công chúa… Nhờ vậy, khi xem cuốn thư pháp này, người xem sẽ không thấy nhàm chán.

Ngày 8-9, nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn đã mang cuốn thư pháp “Hoa Lư thi tập” ra Hà Nội để chuẩn bị triển lãm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Anh cho biết, trước khi triển lãm, anh sẽ mang cuốn thư pháp đến Cố đô Hoa Lư dâng lên đền thờ vua Đinh, vua Lê để bày tỏ lòng biết ơn đối với những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Âu đó cũng là tấm lòng của một người con đất Việt với ngày lễ trọng đại của dân tộc.

XUÂN THÀNH

“Hoa Lư thi tập” là tập thơ của của Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận (Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ). Tập thơ có 121 bài, tập trung giới thiệu về các di tích, danh thắng, nhân vật lịch sử gắn liền với Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).

Ngoài tập thơ này, Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận còn được nhiều người biết đến với 2 tập thơ: “Thi Vân yên tử” và “Ngọa Vân yên tử”.